GIẢNG LỄ MỒNG MỘT TẾT 2021
Nhà Thờ Chính Tòa Đà Lạt –
Thứ sáu 12/02/2021
I. DẪN
1. Chúng ta mới lắng nghe ba bài đọc, trích sách Sáng
Thế, Thư Philipphê, và Phúc Âm Mt 6, với nhiều bài học rất thực tế: “Hãy
vui luôn - Vui lên anh em - Đừng lo lắng gì cả - Cứ giãi bày mọi ước nguyện lên
trước Thiên Chúa - Ngoài ra, hãy để ý đến những gì là chân thật, cao quý…”.
Nhưng nền tảng cho mọi bài học lại là một đức tin vững vàng vào Vị
Thiên Chúa là Cha yêu thương chăm sóc mọi loài.
-
Ngài toàn năng, bởi
chính Ngài là Tạo Hóa. Hãy xem cách Ngài sáng tạo vạn vật trong bài đọc I
trích sách Sáng Thế: “Thiên Chúa phán: phải có…Liền có như vậy. Thiên
Chúa làm ra các vầng sáng…Thiên Chúa đặt các vầng sáng. Thiên Chúa thấy là tốt
đẹp…”.
-
Ngài tốt lành, bởi
Ngài hằng ngày vẫn nuôi nấng chim trời, vẫn mặc đẹp và còn mặc sặc sỡ cho hoa
huệ ngoài đồng hơn cả vua Salômon trong vinh hoa cung đình (x. Mt 6,26.29).
-
Ngài toàn năng, Ngài tốt lành, rồi sao nữa? Ngài còn đầy yêu
thương và yêu thương đặc biệt con người với tấm lòng của một người Cha: “Anh
em chẳng quý giá hơn chim trời sao?...Huống hồ là anh em…Cha trên trời thừa biết
anh em cần tất cả những thứ đó” (x. Mt 6,26.30.32).
2. Đấy là nội
dung của lời Chúa mà phụng vụ cống hiến cho chúng ta trong giây phút thiêng
liêng này của ngày đầu năm Tân Sửu. Chính Chúa Giêsu, qua bài Phúc Âm, như hiển
hiện trong Hội Thánh vào giây phút Tân Niên thiêng liêng này để mời gọi chúng
ta một lần nữa đặt nền móng vững chắc cuộc đời mình nơi Thiên Chúa là Cha
yêu thương.
II. VỚI
ĐỨC TIN NÀY, HỆ QUẢ LÀ THẾ NÀO?
1. Hệ quả
thứ nhất: Đừng quá lo lắng, hãy vui luôn.
1.1. Làm
Kitô hữu có nghĩa là “hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).
-
Đức Maria đã reo vui: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng” (Lc
1,47).
-
Chính Chúa Giêsu đã “hớn hở vui mừng trong Chúa Thánh Thần”
(Lc 10,21).
-
Khi Người đi qua, “toàn thể dân chúng
vui mừng” (Lc 13,17).
-
Sau khi Chúa phục sinh, bất cứ nơi nào các Tông đồ đặt chân đến,
người ta đều “rất vui mừng” (Cv 8,8).
-
Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi
buồn của anh em sẽ biến thành niềm vui…Thầy sẽ gặp lại anh em” (Ga
16,20.22).
1.2. Cả những
lúc khó khăn, thánh giá xuất hiện, vẫn còn đó một niềm vui thiêng liêng
sâu thẳm, phát xuất từ xác tín rằng đàng sau tất cả, ta được yêu thương vô
cùng. Niềm vui này, thế gian không thể hiểu được. Người Kitô hữu có kinh nghiệm
gặp khó khăn, nhưng cũng biết mình đã nhận được rất nhiều quà tặng từ Thiên
Chúa. Phải mở mắt nhìn để thấy. Chúng ta quay quắt chạy tìm những sở hữu, những
tiện nghi xa xôi, trong khi chúng ta có trong tầm tay những thực tại “tiền tỉ”:
“Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, thân xác chẳng trọng hơn áo mặc sao?”
(Mt 6,25).
1.3. Rồi,
cho dù hoàn cảnh có thế nào, hãy xem thánh Phaolô: “Tôi đã học biết bằng
lòng với những gì mình có” (Pl 4,11). Thánh Phanxicô Assisi cũng vậy.
Ngài tỏ lòng hết sức biết ơn trước một mẩu bánh mì khô, hay vui mừng ca hát tôn
vinh Thiên Chúa chỉ vì một làn gió nhẹ làm mát khuôn mặt Ngài.
1.4.
Niềm vui thiêng liêng này khác hẳn những
thú vui mau qua do chủ nghĩa tiêu thụ và cá nhân mang lại, bởi nó hệ tại ở niềm
vui được sống trong sự hiệp thông biết chia sẻ và được chia sẻ, vì “cho
thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Chúng ta lý giải tại sao? Lý giải được
không? Chỉ những người trong cuộc, những người đang yêu mới lý giải được. Hãy hỏi
những người cha người mẹ, người ông người bà đang hy sinh chăm sóc con cháu
mình. Họ vất vả với con cháu đấy, họ sẽ một đời hao mòn và cả chết đi cho con
cho cháu đấy, nhưng hãy hỏi họ xem: họ “bất đắc dĩ” hay trái lại họ như
đam mê, không thể không dấn thân, và thực sự cảm nhận một niềm vui lớn lao đến
nỗi phải nhận rằng “cho thì có phúc hơn là nhận”. Họ cảm nhận được. Còn
lý giải? Phải để Thiên Chúa lý giải bằng lời Kinh Thánh: đó là họ được nên giống
Thiên Chúa là Đấng tạo dựng mọi loài, trao ban tất cả và cảm nhận niềm vui trao
ban: “Thiên Chúa làm ra…Thiên Chúa đặt… Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp và
mãn nguyện”.
2. Hệ quả
2: Tình huynh đệ làm gia tăng niềm vui
-
Chúng ta đến một hệ quả khác: Tình huynh đệ làm
gia tăng niềm vui, vì có thể làm chúng ta vui mừng vì điều tốt lành của người
khác. Thấy người ta vui mà mình vui, như thánh Phaolô: “Chúng tôi vui mừng
khi chúng tôi yếu mà anh em lại mạnh” (2 Cr 13,9). Ngược lại, nếu chúng ta
chỉ “bận tâm trước hết đến nhu cầu của mình, thì chúng ta đã tự kết án mình
sống không niềm vui”, bị ức chế, xoay sở đủ kiểu với những mưu kế đen tối,
gian giảo, lỗi đạo, ngay cả lỗi đạo đức tin, đạo hiếu tử, rồi tranh giành chia
rẽ nhau chẳng hiệp nhất vui vẻ gì.
- Trong Năm “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia
đình”, mỗi gia đình được mời gọi kiến tạo một không gian sống kinh
nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh, qua việc chia sẻ: chia sẻ lời
Chúa, chia sẻ giờ kinh chung gia đình, chia sẻ bữa ăn, chia sẻ tình huynh đệ,
chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng như thánh Augustinô với mẹ ngài là
Monica: “Khi gần tới ngày Mẹ con xa lìa cõi đời này, lúc đó chỉ có Mẹ và
con, đứng tựa cửa sổ nhìn ra thửa vườn. Chúng con nao nức mở rộng tâm hồn hớp lấy
những dòng suối sự sống từ Chúa. Và khi chúng con nói và khát khao về Chúa,
chúng con như chạm được…”.
- Nhưng thông thường nhất là những kinh nghiệm nhỏ nhặt hằng
ngày, như trường hợp Thánh Gia Giêsu-Maria-Giuse, hay như Chúa Giêsu sống với
các môn đệ và dân chúng. Ngài mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết nhỏ:
rượu (“họ hết rượu rồi”), dầu dự trữ trong bình, ổ bánh, bếp lửa, cá nướng,
hai đồng xu nhỏ, con chiên lạc…
-
Một gia đình biết trân trọng những chi tiết nhỏ của tình yêu,
nơi đó các thành viên chăm sóc nhau và tạo ra một “môi trường mở” theo tinh thần
Phúc Âm, là nơi Chúa Phục sinh hiện diện và thánh hóa gia đình ấy theo thánh Ý
Chúa Cha.
3. Hệ quả
3: Say mê loan báo Đức Giêsu Kitô
-
Hệ quả thứ 3: đó là
bạo dạn và say mê loan báo Đức Giêsu Kitô: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên
Chúa”. Để giúp chúng ta bạo dạn, chính Chúa Giêsu đã đến gặp và nói với
chúng ta một lần nữa: “Đừng sợ” (Mc 6,50); “Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
- Chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu và bắt chước. Lòng trắc ẩn
sâu xa của Ngài không tập chú vào mình và không nhút nhát, trái lại thúc đẩy
Ngài mạnh bạo ra đi loan báo và sai người khác đi loan báo, chữa lành và giải cứu.
Chúng ta hãy để Chúa Giêsu cầm tay và sai đi thi hành sứ vụ.
-
Những phong trào như Khôi Bình, Cải Xanh,
Gia đình theo Chúa…, những đoàn thể như Giới trẻ, Hiền mẫu, Gia trưởng, Legio
Mariae, Dòng Ba Phan Sinh, Huynh đoàn Đaminh, MTG tại thế, Hội Bác ái Ozanam,
Hội Hiền Mẫu Vinh Sơn, Gia đình Tận Hiến, Y bác sĩ công giáo, Thiếu nhi với
Giáo lý viên, v.v…Những đoàn thể này hãy để Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến với những
con người bị thương tích nhiều nhất, hay những con người bên ngoài có vẻ ổn thỏa,
nhưng thực sự đang bệnh tật nơi thân xác và trong tâm hồn. Khi các Tông đồ thi
hành lệnh Chúa Phục sinh ra đi mọi hướng, thì có “Chúa cùng hoạt động với họ”
(Mc 16,20). Họ trở thành những thừa sai nhiệt huyết dấn thân cho việc loan báo
Tin Mừng và phục vụ con người với lòng trung tín lớn lao, có khi còn liều mạng
sống mình. Chứng tá của bao thánh Tử Đạo Việt Nam nhiều và thuyết phục. Được bằng
ấy nhân chứng đức tin bao quanh, chúng ta mạnh dạn sống lấy Năm Tân Sửu này
trong tinh thần loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân.
III. KẾT
-
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Con trâu: biểu
tượng của sức mạnh, của cần cù trong thinh lặng, và của sự thân thương trong
văn hóa nhà nông. Con trâu cúi xuống cần cù trong thinh lặng và phục vụ, và ngẩng
lên hít thở khí trời.
-
Chúng ta cầu xin cho nhau được sự vững mạnh trong đức tin, sinh
động trong đức ái, và cần cù trong việc thực thi những việc của lòng thương xót
phục vụ;
-
Theo gương và trong sự bảo trợ của thánh Giuse, người cha yêu
thương, dịu dàng, vâng phục, chấp nhận, can đảm gánh trách nhiệm với sự sáng tạo,
làm việc, thinh lặng, người cha trong bóng tối….
-
“Lạy Thánh Giuse, Đấng Bảo Trợ Hội Thánh, xin dạy chúng con
biết quẳng gánh lo đi, sống niềm vui thiêng liêng, niềm vui trong tâm hồn,
trong gia đình-cộng đoàn, trong việc “tiên vàn tìm kiếm Nước Thiên Chúa, niềm
vui ra khỏi chính mình để có khả năng sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Đó là niềm
vui thiêng liêng lớn lao mà Thiên Chúa muốn kích hoạt nơi chúng con ngay ngày đầu
Năm Mới Tân Sửu này. AMEN”.