HỌP MẶT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN HỌC
Kỳ I
Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giám mục Giáo Phận, vào sáng ngày
06/8/2009, các thành viên cộng tác của "chương trình khuyến học" đã
quy tụ tại Tòa Giám Mục để cùng Đức Cha Phêrô nhìn lại hoạt động của chương
trình.
Mở đầu, sau lời thánh ca "cầu
xin Chúa Thánh Thần", Đức Cha đã khai mạc cuộc gặp mặt bằng cách giới
thiệu các thành phần tham dự gồm Ban thư ký (nữ tu Maria Nguyễn Thị Thoa và hai
linh mục), các đại diện giáo xứ có học sinh được học bổng : An Hòa, Đoàn Kết,
K’Long, Nam Ban, Ka Đơn, Lạc Viên, Suối Thông, B’Kẹ - Minh Rồng, B’Sum Rắc, Tân
Rai và hai đại diện Ban Bác ái Xã hội Giáo Phận. Tổng cộng có 17 người hiện
diện. Đại diện một số giáo xứ thụ hưởng khác không đến dự được vì bận công tác
ở giáo xứ.
Tiếp đến, Đức Cha nói lên lý do có cuộc gặp mặt này : Năm 2009 là
tròn mười năm hoạt động của "chương trình khuyến học" và Giáo Phận
đang chuẩn bị bước vào Năm Kim Khánh ngày thiết lập. Đây là cơ hội quý báu để
tất cả các cộng tác viên của chương trình ngồi lại cùng rút ưu khuyết điểm
trong thời gian qua và có những đề xuất cho tương lai. Đức Cha cũng nhắc lại
mục đích của chương trình là phục vụ các em nhỏ người Dân tộc thiểu số nghèo và
hiếu học trong giai đoạn mẫu giáo và cấp I, với chu kỳ 7 năm.
Bên cạnh "chương trình khuyến học", Giáo Phận còn có các
chương trình bác ái khác là : "tủ thuốc gia đình" với 34 tủ thuốc tại
các giáo xứ hay cộng đoàn ; "xây dựng nhà ở cho người nghèo" khi có
điều kiện ; "chén cơm người già neo đơn" với 640 cụ được các giáo xứ
và cộng đoàn thăm viếng hàng tháng.
Nay có thêm "chương trình vi tín dụng" do Ban Bác ái xã
hội phụ trách nhằm giúp đỡ các gia đình lập nghiệp qua vốn nhỏ được vay. Tưởng
cũng nên nói qua về lịch sử và kinh nghiệm của chương trình này : Sáng lập là
Ông Muhammad Yunus, 1940, quốc tịch Bangladesh, người sáng lập ngân hàng
Grameen, đi tiên phong trong chương trình cho người nghèo ở Bangladesh, đặc
biệt là phụ nữ, vay tiền để lập nghiệp. Ông và ngân hàng Grameen do Ông điều
hành được trao giải Nobel hòa bình năm 2006, vì "đóng góp của họ trong
phát triển xã hội và dân chủ".
Đức Cha cũng giới thiệu với các thành viên tham dự nếu muốn tìm
hiểu thêm về các chương trình này, xin mời vào trang thông tin : www.simonhoadalat.com Ngài cũng cho biết Giáo Phận đang
xúc tiến thủ tục xin cho Ban Bác ái Xã hội Đàlạt là thành phần của Caritas Việt
Nam có thể hoạt động bình thường.
Đi vào nội dung chính của cuộc gặp mặt "chương trình khuyến
học", chị Maria Nguyễn Thị Thoa là người đã tham gia ngay từ bước đầu, đã
có những nhận định cụ thể về việc thực hiện chương trình : còn nhiều bản báo
cáo tổng kết cuối năm có ghi các em học cấp II hoặc cấp III là những em chưa có
tiêu chuẩn học bổng trong "chương trình khuyến học" này của Giáo
Phận, nhưng Giáo Phận sẽ giúp giải quyết để những em này hoàn thành cấp II hoặc
cấp III. Ban điều hành tổng kết khóa học vào đầu tháng 8, nên xin các giáo xứ
gửi báo cáo cụ thể và đầy đủ vào giữa tháng 7 hằng năm ; ngoài ra, cũng xin
giới thiệu học sinh mới vào cuối tháng 5, để có thể thông báo vào giữa tháng 8.
Niên khóa 2008-2009 có 960 học sinh, với 65 em xong cấp I. Năm mới, 2009–2016,
với tổng kết các ân nhân vào 31/7/2009, chương trình đề nghị cấp 105 học bổng
mới, nâng tổng số học bổng lên 1.000 em.
Để tiện theo dõi, chương trình giới thiệu mẫu hồ sơ mới (lý lịch
trích ngang) và xin các giáo xứ có học bổng niên khóa 2007–2014 (Bsum Rắc 30 em
; Thạnh Mỹ 15 ; Bắc Hội 10 ; K' Long 10 ; Tùng Lâm 10 ; Đạ Tông 30) và
niên khóa 2008–2015 (Đạ Huoai 30 ; Đạ Tông 30 ; Tùng Lâm 20 ; Lán Tranh 30) bổ
sung hồ sơ theo mẫu mới. Bắt đầu năm học 2009-2010, các em chuyển cấp (nếu có) sẽ
không được cấp Học Bổng nữa.
Từ đây các thành viên trao đổi thêm và đi tới đề nghị nâng mức học
bổng từ niên khóa 2009–2016 là 500.000/em (tương đương 30 USD thay vì 25 USD).
Mọi người hiện diện cũng chia sẻ tình hình cụ thể tại mỗi địa phương có khác
nhau, do chính sách dành cho người thiểu số tại mỗi nơi ; có những giáo xứ phải
lo thêm bữa ăn trưa cho các em, vì thế phải trích từ nguồn phụ cấp khác ; Mọi
người đều cảm nhận về lợi ích của chương trình khi động viên các gia đình cũng
như đồng hành với các em.
Cuộc gặp mặt kết thúc với giờ chầu Mình Thánh Chúa, mọi người cùng
đọc Kinh Truyền Giáo và cầu xin Chúa chúc phúc cho các ân nhân cũng như cho
hoạt động của chương trình nhằm phục vụ các em cách hữu hiệu.
Trước khi ra về, mọi người cùng chia sẻ bữa cơm gia đình với Vị Chủ
chăn thân yêu cũng là người điều hành các chương trình bác ái của Giáo Phận.