KÒN PÀNG : MỘT VÙNG
ĐẤT KHÓ KHĂN
Kòn Pàng là tên một làng dân tộc người Kơho, một buôn nghèo thuộc xã
Tân Thanh, huyện Lâm Hà với số Kitô hữu hiện nay là 325 người sống trong 49 gia
đình.
Đa số những người này là di dân từ làng K’Brạ, huyện Di Linh chuyển
qua, vì Kòn Pàng trước kia là quê cha đất tổ của họ. Sau năm 1975, họ buộc phải
qua Di Linh lập thành buôn K’Brạ, để có thể có hộ khẩu, có muối gạo... nghĩa là
để có một cuộc sống văn minh hơn. Thế nhưng không có đất ruộng, không có gạo
ăn, cà phê thì mới là cây con, làm sao mà sống ? Dần dần, người dân K’Brạ lại
dắt díu nhau trở về chốn xưa, lập nên buôn Kòn Pàng.
Từ Nhà thờ Lán Tranh, phải đi 10 cây số vào sâu phía núi rừng mới đến
Dốc Vắt, một ngọn dốc đứng dài 700 mét chỉ dành cho người đi bộ, lên đến đỉnh
dốc ngồi “thở dốc” một hồi rồi đi thêm một quãng nữa mới tới làng. Có lẽ dốc
này được đặt tên theo như thực trạng của nó, là mùa mưa có rất nhiều vắt.
Một địa điểm xa xôi hẻo lánh như thế, dân làng sinh sống nơi đây đương
nhiên phải chịu cảnh thiếu thốn mọi mặt. Nếu chỉ nói về việc học, bình quân một
gia đình có 6 người, không kể cha mẹ thì còn lại 4 người con cần được đến
trường. Thế mà hiện nay hầu hết người lớn đều không biết chữ, đến nỗi khi làm
phép cưới hay hợp thức hóa hôn phối, cũng chỉ có thể vẽ được một “chữ thập”
trong sổ Hôn phối mà thôi. Do vậy, nếu “me bạp” (bố mẹ) đồng ý cho cả 4 đứa con đi học thì quả là … không dễ chút
nào. Các câu hỏi thi nhau đặt ra : “Học để làm gì ?”, “Biết chữ có no được
không ?”, “Đi học thì tiền đâu mà đóng học phí ?” … Đôi khi nhà trường gửi giấy báo đóng học phí, bố mẹ không có
tiền, con đi học đến xin lỗi thầy cô vì “me bạp” chưa có tiền, thì cũng chỉ học
được một buổi hôm ấy nữa thôi rồi tự động ôm sách vở về nhà không đến trường
nữa, vì không muốn xin lỗi thầy cô lần thứ hai, thứ ba...
Tuy khó khăn, nhưng đa số các em đều muốn được cắp sách đến trường,
thực tế thì chỉ có một số ít em được toại nguyện. Nhưng việc toại nguyện này
không miễn trừ cho một số em tuy đã 10 tuổi nhưng ở lại lớp 1 tới hai năm. Nếu
giải quyết được lý do nghỉ học vì không đóng nổi học phí, thì lý do tồn tại
khiến các em phải ở lại lớp, là vì đọc chữ không xuôi. Có em đã nhận được mặt
chữ của 24 chữ cái, nhưng không thể đánh vần nổi theo giọng “Nghệ An” của cô
giáo, phát âm mãi vẫn không làm sao đúng như cô đọc...
Sau đây là những con số ghi nhận được trong 3 niên khóa kế tiếp :
Lớp | Niên Khóa 2001 - 2002 | Niên Khóa 2002 - 2003 | Niên Khóa 2003 - 2004 |
Lớp Một | 8 | 16 | 24 |
Lớp Hai | 12 | 10 | 17 |
Lớp Ba | 9 | 11 | 12 |
Lớp Bốn | 11 | 9 | 11 |
Lớp Năm | 5 | 7 | 4 |
Các con số trên cho thấy tỉ lệ trẻ em được đến trường còn rất thấp, tỉ
lệ ở lại lớp cũng đáng lưu tâm. Nếu 49 hộ trong làng đều cho tất cả các con đi
học thì số học sinh phải là (49x4=)196 em. Thế nhưng niên khóa 2001-2002 chỉ có
45 em, tỉ lệ 30%; niên khóa 2002-2003 có 27% và niên khóa 2003-2004 nhích lên
35%, mới chỉ hơn 1/3, còn lại 2/3 kia thì sao ? Nếu trừ đi 1/3 là những em lớn,
lo phụ giúp cha mẹ, thì còn lại 1/3 nữa, trong độ tuổi từ 6 – 14, cần được giúp đỡ để các em có thể theo học
cho đến hết cấp I.
Lán Tranh, ngày 24.10.2003
Lm. Bart. Nguyễn văn Gioan