Không có chiến đấu chống nạn khủng bố mà không có sự tôn trọng nhân quyền

 

 

Vatican ngày 14/10/2003

 

Toà Thánh ủng hộ sự chống lại nạn khủng bố, nhưng trong sự tôn trọng nhân quyền.

 

Trong bối cảnh hoạt động của Hội Đồng Âu Châu, cuộc họp lần thứ 25 của các bộ trưởng âu châu về luật pháp đã diễn ra tại Sophia ngày 9 và 10/10. ĐGM Giuseppe Leanza, đại sứ Toà Thánh tại Bulgarie đã nhắc lại rằng ĐGH Gioan Phaolô II đã không ngần ngại « định nghĩa sự khủng bố như một tội phạm đến nhân loại » trong sứ điệp của ngài nhân Ngày thế giới cho Hoà Bình năm 2002. Bản văn bằng tiếng Pháp đã được tờ báo Observatore Romano phát  hành bằng tiếng Ý ngày 14/10 hôm nay.

 

ĐGM nhấn mạnh : « Sự cộng tác quốc tế » là điều « nền tảng » để « chữa vết thương vấy máu bên xườn của nhân loại hiện nay. Điều đó phải được thực hiện trên lãnh vực luật pháp ». Ngài nhắc lại rằng Hội Đồng Âu Châu đã tham gia vào việc soạn thảo dự định thay đổi trong hiệp ước âu châu để chống lại nạn khủng bố và hội đồng này cũng nhấn mạnh sự đòi hỏi phải tôn trọng « hoàn toàn những tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền » trong cuộc chiến này.

 

Uỷ ban những bộ trưởng âu châu đã thông qua trong năm vừa qua « những đường lối chính về nhân quyền và sự chiến đấu chống nạn khủng bố ». Theo ĐGM, đó là « dụng cụ chính yếu để nhắc nhở những điều kiện chính đáng cho sự chiến đấu này ».

 

Đại diện Toà Thánh tại Sophia khuyến cáo rằng « mục đích không bao giờ biện minh cho những phương tiện », từ chối nguyên tắc này là một « vi phạm trầm trọng đến nhân phẩm con người » và đó là mục tiêu của những kẻ chọn sự kinh hoàng « như là phương cách để thống trị ».

 

Nhưng như ĐGH Gioan Phaolô II đã nói, sự chiến đấu chống nạn khủng bố cũng phải « bao gồm một sự dấn thân đặc biệt trên lãnh vực chính trị, ngoại giao và kinh tế để giải quyết với sự can đảm và quyết chí những trường hợp bị thống trị và bị bỏ rơi mà từ đó phát xuất ra những dự định khủng bố ».

 

ĐGM Leanza thêm rằng sự chống lại nạn khủng bố cần có « những biện pháp thích hợp trên lãnh vực sư phạm » để « nâng cao một nền giáo dục bắt nguồn từ sự tôn trọng sự sống con người trong bất cứ trường hợp nào và từ sự thâm tín rằng tính cách duy nhất của gia đình nhân loại là một hiện thực mạnh mẽ hơn tất cả những chia rẽ giữa con người và giữa các dân tộc ».                    

 

Ngài kết luận bằng sự nhấn mạnh đến khả năng của các tôn giáo để đạt tới mục tiêu sư phạm này. Ngài yêu cầu rằng « vai trò không thể thay thế này » phải « được công nhận và ủng hộ ».

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch       

 

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà