Liên đới xã hội và hoà bình hàm chứa sự tôn trọng những đặc thù tôn giáo

 

 

Vatican ngày 31/10/2003

 

ĐGH Gioan Phaolô II khẳng định :« Liên đới xã hội và hoà bình không thể đạt tới nếu người ta xoá đi những đặc thù tôn giáo của các dân tộc ».

 

ĐGH đã bầy tỏ thâm tín này trong bài diễn văn trước 350 người tham gia hội nghị những bộ trưởng nội vụ của Cộng Đồng Âu Châu được ĐTC tiếp đón sáng nay cùng với những đại diện các tôn giáo và các Giáo Hội Kitô giáo tham dự hội nghị này tại Rôma về đề tài « Đối thoại liên tôn giáo, yếu tố của liên đới xã hội tại Âu châu và khí cụ hoà bình trong vùng Méditerranée ».

 

ĐGH nói rằng đề tài này « nhìn nhận tầm quan trọng của tôn giáo, không những chỉ để cứu vãn đời sống con người mà còn đề cao hoà bình ».

             

Ngài tiếp : « Hội nghị của quí vị được đặt trong viễn tượng của mục tiêu tối ưu nhằm xây dựng những không gian của tự do, an ninh và công lý, nơi mà mỗi người cảm thấy như nhà mình. Điều đó bao hàm sự tìm kiếm những giải đáp mới cho những vấn đề liên quan đến sự tôn trọng sự sống, quyền gia đình, sự di dân, những vấn đề phải được cứu xét không những trong viễn tượng Âu châu mà còn trong viễn tượng đối thoại với các nước trong vùng biển Ðịa Trung Hải" .

 

Ngài khẳng định : « Niềm hy vọng của sự liên đới xã hội luôn luôn hàm chứa sự liên đới bằng hữu bắt nguồn từ ý thức tất cả đều thuộc về một gia đình được mời gọi để xây dựng một  thế giới công bình và bằng hữu hơn ». Và ý thức này hiện diện « trong ba tôn giáo độc thần lớn : Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo », ngài nhận xét.

 

ÐGH rất tiếc sự kéo dài của bạo động tại Trung Ðông : « Với nhận xét này, làm sao chúng ta có thể không thấy với một sự buồn phiền nào đó những người tín đồ của ba tôn giáo này, mà cội rễ lịch sử đã ăn sâu trong miền Trung Ðông, vẫn chưa thiết lập được một sự chung sống hoà bình trọn vẹn trong vùng đã khai sinh ra ba tôn giáo này ».

 

Trở về với vấn đề Âu châu, ngài nhấn mạnh đến những thay đổi trong những thập niên vừa qua : «Âu châu, được sinh ra từ sự gặp gỡ của nhiều văn hoá khác nhau nhưng cùng chung một thông điệp Kitô giáo, chứa đựng ngày hôm nay sự hiện diện ngày càng gia tăng của nhiều truyền thống văn hoá và tôn giáo khác nhau do sự di dân tạo ra ».

 

Bởi thế ÐGH nhấn mạnh sự cần thiết của « đối thoại ». « Chúng ta phải tiếp tục ý chí đối thoại ở mọi khía cạnh - kinh tế, chính trị, văn hoá, tôn giáo – và chúng ta sẽ gặt hái được những thành quả ».

 

Ngài nhấn mạnh đến tự do tôn giáo như điểm tất yếu của những tự do khác : « Những cố gắng hiện tại cho việc đối thoại liên văn hoá và liên tôn giáo cho phép chúng ta hy vọng một tương lai tốt hơn. Nhưng điều đó không loại bỏ sự nhìn nhận công bằng và ngay cả luật pháp những truyền thống tôn giáo đặc thù của mỗi người. Sự bảo đảm và đề cao tự do tôn giáo là một trắc nhiệm cho những nhân quyền khác ».

 

ÐGH nhấn mạnh đến những hậu quả của sự tôn trọng này - một ám chỉ đến trường hợp treo Thánh Giá tại trường Abbruzes ? - : « Sự nhìn nhận gia tài tôn giáo đặc biệt của một xã hội kêu gọi sự nhìn nhận những biểu tượng của nó. Nếu nhân danh một lối giải thích lầm lẫn về nguyên tắc công bình, con người phải từ bỏ những biểu hiệu của truyền thống và những giá trị văn hoá trong tôn giáo mình thì sự chia rẽ trong những xã hội đa tộc và đa văn hoá có thể dễ dàng biến thành yếu tố không vững vàng và do đó tới những tranh chấp ».

 

Gioan Phaolô II cũng nhắc tới tình hình thế giới sau những vụ khủng bố chống lại Hoa Kỳ : « Sau những biến cố bi thảm như cuộc tấn công ngày 11/9/2001, những đại biểu của những tôn giáo khác nhau đã tăng thêm ý kiến cho hoà bình ».

 

Ðể trả lời cho tình trạng quốc tế mới này, ÐGH đã nhắc lại rằng vào dịp Ngày Cầu Nguyện Cho Hoà Bình tại Assise ngày 24/1/2002, những nhà chức trách tôn giáo đã cùng dấn thân để « loại trừ những nguyên nhân của khủng bố bằng cách bảo vệ quyền của mỗi cá nhân có một đời sống xứng đáng hoà hợp với cá tính văn hoá riêng, thiết lập một cách tự do gia đình tôn giáo và hỗ trợ chung với nhau trong cố gắng trong việc đấu tranh chống lại sự ích kỷ, sự lạm quyền, sự thù hằn và bạo lực. Một nền hoà bình mà không có công lý không phải là một nền hoà bình thực sự ».

 

Gioan Phaolô II tố cáo một lần nữa sự xử dụng tôn giáo như là lý do cho bạo động. « Thượng Ðế đã đặt trong tim con người sự ao ước bản năng để sống hoà bình và hài hoà. Ðó là một ước muốn thâm sâu và bền bỉ hơn là bản năng bạo động. Ai xử dụng tôn giáo để gieo bạo động là làm trái ngược với những ước muốn sâu thẳm và chính đáng nhất ». 

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà