Thông điệp « Pacem in Terris » (Hoà bình trên thế giới) vào giờ của sự toàn cầu hoá

 

 

Vatican ngày 4/11/2003

 

Không có xã hội công bằng và liên đới mà không có sự dấn thân cho hoà bình, ÐHY Martino đã khẳng định như thế tại UNESCO [1]. Ngài cũng nêu lên ý nghĩa của thông điệp khi khẳng định sự cần thiết phải có một « thẩm quyền chính trị thế giới ».

 

ÐHY Renato Raffaelle Martino, Chủ tịch uỷ ban giáo hoàng về Công Lý và Hoà Bình,  đã gợi lên tính cách thời sự của thông điệp của ÐGH Gioan XXIII « Pacem in Terris » nhân kỷ niệm 40 năm của tài liệu này trong buổi họp tổ chức tại văn phòng chính của UNESCO tại Paris ngày hôm nay, với sự cộng tác của Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại UNESCO, ĐGM Francesco Follo, và sự tham gia của vị giám đốc cơ quan này, ông Koichiro Matsuura.

 

ĐHY Martiono khẳng định : « Con đường của hoà bình là con đường duy nhất cho sự xây dựng một xã hội công bằng và liên đới hơn. Nhiệm vụ của những người tín hữu và của mọi người có thiện chí là làm sao để tương lai của nhân loại ăn rễ sâu vào lý tưởng và văn hoá của hoà bình ».

 

ĐHY nhấn mạnh tới những điểm tương giao giữa những mục tiêu của UNESCO và thông điệp lịch sử này, để nâng cao một nền văn hoá thực sự cho hoà bình. Ngài nêu rõ sự đóng góp hiện đại của Pacem in Terris trong việc xây dựng hoà bình vào giờ phút của sự toàn cầu hoá hiện nay qua những huấn từ về tính cách duy nhất của gia đình nhân loại, về ích lợi chung và về thẩm quyền chính trị thế giới.

 

ĐHY khẳng định : quyền có việc làm, lên án sự kỳ thị chủng tộc, bảo vệ những thiểu số, cứu giúp những người tị nạn, liên đới quốc tế cho những người nghèo đói nhất, dù họ là công dân hay không của một quốc gia ; đó là những áp dụng của nguyên tắc « công dân thế giới » được khẳng định trong « Pacem in Terris ».                   

 

Về điều thông điệp khẳng định liên quan tới sự cần thiết có một « thẩm quyền chính trị thế giới » để áp dụng nguyên tắc ích lợi chung toàn cầu, ĐHY nêu rõ : « Đây không phải là lập ra một « siêu quốc gia », nhưng là tiếp tục đào sâu tiến trình xây dựng đã thực hiện một thẩm quyền chung bằng cách phát triển những điều như tiềm năng sư phạm của những tổ chức quốc tế, nhất là trong lãnh vực bảo vệ nhân quyền. Nếu chúng ta theo thông điệp Pacem in Terris, chúng ta phải gia tăng ý thức rằng nhân quyền không phải là kết quả của sự thoả thuận giữa con người, dù thẩm quyền có cao đến đâu, mà là sự diễn tả của một « phẩm trật » và là sự phản ảnh của nhân cách con người và tính cách duy nhất của gia đình nhân loại ».

 

ĐHY Martino kết luận bài diễn văn khi nói về tình hình thế giới hôm nay : « Mục tiêu cho hoà bình không thể bị đe doạ bởi những đụng chạm không thể biện minh giữa những văn hoá, văn minh và càng không thể giữa những tôn giáo. Liều thuốc hữu hiệu nhất để tránh tình trạng chiến tranh là làm lớn lên một văn hoá cho hoà bình dựa trên bốn cột trụ : chân lý, công lý, tình yêu và tự do, như giáo huấn của thông điệp Pacem in Terris của Gioan XXIII ».     

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 

 



[1] United Nations Educational Scientific and Cultural Organization (Tổ Chức Liên Hiệp Quốc về Giáo dục Khoa học và Văn hoá)


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà