Tự do tôn giáo là nền tảng của mọi nhân quyền

 

 

Vatican ngày 20/11/2003

 

Tự do tôn giáo là nền tảng của mọi nhân quyền. Đó là lời tuyên bố của Đại Diện Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc.

 

Sau đây là toàn bộ bài diễn văn của Quan Sát Viên thường trực của Toà Thánh tại LHQ, ĐGM Celestino Migliore, đọc trước uỷ ban thứ ba của hội nghị ngày 14/11 tại New York về đề tài « những nghi vấn liên quan đến nhân quyền, bao gồm những phương cách khác nhau để cải tiến sự được hưởng thực sự những nhân quyền và những tự do nền tảng ».

 

« Thưa ông chủ tịch,

 

« Tính cách phổ quát của nhân quyền bắt nguồn từ chân lý không thể nghi ngờ rằng mọi người đều bình đẳng vì là người và vì nhân phẩm. Bởi lý do này mà Toà Thánh luôn luôn bảo vệ và đề cao sự tôn trọng nhân quyền và những tự do nền tảng của mọi dân tộc. Những quyền và những tự do này không lệ thuộc vào Nhà Nước hay sự nhìn nhận một đặc quyền nào. Chúng nội tại ngay trong bản tính con người và trong điều nền tảng của bản tính này.

 

« Trong những tự do nền tảng của con người, có tự do tôn giáo. Tự do này là nền móng của ngôi nhà nhân quyền bởi lẽ nó gắn liền với liên quan chủ yếu giữa con người và Đấng Tạo Hoá.         

           

« Một trật tự xã hội công bình đòi hỏi rằng tất cả mọi người, với tư cách là một cá nhân và một cộng đồng, đều có thể tuyên xưng đức tin và những xác tín tôn giáo của mình trong sự tôn trọng những người khác. Trong thời đại của chúng ta, rất nhiều thí dụ cho thấy rằng khi niềm tin tôn giáo được tự do lựa chọn và được sống một cách hợp lý thì  tôn giáo đóng vai trò quan trọng để bảo đảm an ninh và đề cao sự chung sống hoà bình giữa các dân tộc, đó là điều kiện để ngăn ngừa mọi tranh chấp và là khí cụ mạnh mẽ để xây dựng hoà bình lâu dài.

 

« Tự do tôn giáo cũng góp phần quan trọng để phát triển những người công dân tự do và giúp họ chu toàn bổn phận với tinh thần trách nhiệm. Sự thực thi tự do tôn giáo thường hướng dẫn đến tha nhân và như thế giúp người theo đạo sống với láng giềng trong một tương quan đúng đắn khách quan hơn là chủ quan. Đó cũng là một phương tiện quan trọng để củng cố sự liêm khiết đạo đức của con người. Xã hội có thể tin cậy vào người có đạo, với những xác tín tôn giáo sâu xa, họ không dễ dàng rơi vào những ý thức hệ hay những ý tưởng tầm thường hào nhoáng, nhưng họ hành động phù hợp với những khát vọng nội tâm về những điều chân thật và đúng đắn, đó là điều kiện thiết yếu để bảo đảm hoà bình.

 

« Báo cáo viên đặc biệt của Uỷ Ban Nhân Quyền về Tự Do Tôn Giáo hay Tín Ngưỡng thường nhắc nhở chính quyền trong nhiều nước khác nhau về những luật lệ và những thực thi hành chánh vẫn tiếp tục giới hạn hay vi phạm đến quyền của người có đạo với tư cách là cá nhân hay nhóm được Hiến Pháp công nhận một cách chính thức. Bản báo cáo mới nhất biểu lộ nỗi lo âu về sự xuất hiện trong những luật lệ hành chánh về tự do tôn giáo những điều như sự đăng ký bắt buộc và phân biệt những nhóm tôn giáo, ban hành những luật lệ đặc biệt trong một số nước để che giấu quyền tự do tôn giáo và do đó vi phạm những tiêu chuẩn quốc tế.

 

« Trong một số nước, những biểu hiệu không chấp nhận tôn giáo vẫn còn, như sự cấm đoán nghiêm trọng việc giáo dục tôn giáo trẻ em và những người trẻ, giới hạn việc cung cấp giấy thông hành cho người có đạo, thiếu tự do trong việc xử dụng những phương tiện truyền thông xã hội với mục đích tôn giáo, không cho phép xây những nơi thờ phượng, tuyên truyền sự hận thù, những tuyên bố sai lệch chống lại các tôn giáo khác ngay từ chính quyền, sự phá huỷ những nơi thần thiêng, phân biệt tôn giáo trong một số hoạt động nghề nghiệp, cấm cầu nguyện chung, bạo động chống lại những thiểu số tôn giáo, ngay cả tàn sát những nhà lãnh đạo tôn giáo và những khách hành hương. Thật đáng tiếc rằng luật lệ của một số nước không cho người công dân tự do thay đổi tôn giáo, ngay cả khi họ quyết định như thế sau khi đã tìm kiếm chân lý một cách chân thành, tự nguyện và tự trách nhiệm theo tiếng lương tâm mình. Những hình thức không dung thứ tôn giáo và phân biệt này - và những hình thức khác tinh vi – gây nhiều đau khổ và khó khăn cho bao triệu người có niềm tin.

 

« Mỗi sự vi phạm tự do tôn giáo, công khai hay che giấu, gây cản trở nghiêm trọng cho lý tưởng hoà bình. Năm nay, dịp kỷ niệm 55 năm bản Tuyên Bố phổ quát về Nhân Quyền, chúng ta đừng quên rằng nhiều dân tộc đang là nạn nhân vì xác tín tôn giáo của họ trong nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi chia sẻ quan điểm rằng sự đối thoại và sự công tác với các tôn giáo có thể đóng góp vào những cố gắng của LHQ và những tổ chức khác ở mức quốc tế, vùng và nước để đi đến hoà bình, hài hoà và thông cảm trên thế giới.

 

« Tự do tôn giáo hoàn toàn có thể giúp củng cố hoà bình quốc tế và bảo đảm ích lợi chung của mỗi quốc gia, mỗi xã hội. Bởi vì khi mỗi người biết những quyền lợi căn bản của mình được bảo vệ thì họ sẵn sàng hơn để làm việc cho lợi ích chung. Bởi thế Toà Thánh rất hy vọng rằng cộng đồng quốc tế tiếp tục bảo vệ tự do của mỗi người và của các cộng đồng trong việc truyền dậy và thực hành tôn giáo của mình,  đó là một dụng cụ thiết yếu đề cao sự chung sống hoà bình và tạo điều kiện cho sự hài hoà xã hội và tình huynh đệ phổ quát giữa các quốc gia và các dân tộc.

 

« Xin cám ơn ông chủ tịch ».

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà