« Cuộc khổ nạn  của Đức Kitô » của Mel Gibson, bình luận bởi Cha Di Noia, cộng sự viên của Vaticanô.

« Một tác phẩm đầy nhậy cảm nghệ thuật và tôn giáo.

 

La-Mã, thứ Sáu ngày 12 tháng 12 năm 2003 (Zenit.org/french) - Nhiều cộng sự viên của Vaticanô đã tham dự ngày cuối tuần vừa qua buổi chiếu riêng tư cuộn phim của Mel Gibson « Cuộc khổ nạn  của Đức Kitô » (The passion of the Christ), sẽ được cho lên những màn ảnh vào đầu năm 2004. Trong nhóm những người tham dự, có những vị đại diện của Phủ Quốc Vụ Khanh, của Bộ Giáo Lý Đức Tin và của Ủy Ban Liên Lạc Xã Hội. Tất cả đều diễn tả một ý kiến tán thành. Thông tấn Zenit đã gặp Au-gút-ti-nô Di Noia, linh mục dòng Đa Minh, hiện là đương kim phó thư ký Bộ Giáo Lý Đức Tin mà Bộ Trưởng là ĐHY Hoseph Ratzinger.

 

Zenit : Cha thuộc nhóm một vài người đã được coi « chặng đường khổ nạn  của Đức Kitô ». Xin cha cho biết cảm tưởng chung của cha về cuốn phim.

 

Cha Di Noia : Coi phim này sẽ giúp nhiều người thực hiện một kinh nghiệm tôn giáo cách mãnh liệt. Tôi đã cảm nhận điều đó. Một kỹ thuật điện ảnh làm kinh ngạc, một thành tích xuất sắc của các diễn viên, tất cả hội hợp với một sự phân tích linh đạo sâu đậm của nhà thực hiện về ý nghĩa thần học của cuộc khổ nạn  và cuộc tử nạn của Đức Kitô, đóng góp vào việc sản xuất một tác phẩm đầy nhậy cảm nghệ thuật và tôn giáo. Tất cả những người sẽ coi phim này, tín hữu hay không, sẽ bắt buộc phải đối diện với mầu nhiệm trung ương khổ nạn của Đức Kitô, thực ra là của chính kitô giáo : nếu đó là liều thuốc giải, thì cái gì có thể là điều xấu ? Cha sở Ars có nói đâu đó là không ai có thể có một khái niệm hay có thể giải thích được sự đau khổ mà Chúa đã phải chịu cho chúng ta. Để thấu được điều đó, chúng ta phải hiểu tất cả sự dữ mà tội lỗi đã hành Ngài, và chúng ta chỉ có thể hiểu được điều đó ở giờ lâm tử của chúng ta mà thôi. Phim của Mel Gibson giúp chúng ta nắm được một vài điều hầu như ở quá khả năng của sự hiểu biết, như một đại nghệ thuật có thể thực hiện nổi Lúc đầu, trong Vườn Giệt-si-ma-ni, Quỷ cám dỗ Chúa Kitô với câu hỏi không thể tránh được : làm sao người nào có thể gánh hết mọi tội lỗi của cả trần gian ? Thật là quá sức. Đức Kitô hầu như lùi lại trước ý tưởng này, nhưng sau đó, Ngài đã dấn thân cách cả quyết trong hướng đi này : gánh vác, theo ý Cha Ngài, tất cả tội lỗi của trần gian. Thực là kinh ngạc. Có một cảm thức mãnh liệt của bi kịch vũ trụ mà chúng ta tùy thuộc được nhận thấy suốt cuốn phim. Không thể nào giữ thái độ dửng dưng được, và không ai có thể ngồi như một khán giả bình thường trước những biến cố này. Những điều định đoạt sống còn thật là quan trọng và đó là điều mà chỉ mình Mẹ Maria và Ma Quỷ, ngoài chính Đức Kitô ra, luôn hiện diện và có một trực giác tỏ tường. Khán giả hiểu dần dần, cùng lúc với các nhân vật, trong khi tác động diễn tiến cách khắc nghiệt từ Núi Ô-Liu đến núi Can-ve của thập tự.

 

Zenit : Chuyện phim có trung thực với lời kể về cuộc khổ nạn của Đức Kitô trong Tân Ước không ?

 

Cha Di Noia : Có 4 lối kể về sự khổ nạn của Đức Kitô trong Tân Ước, nhằm cách chính yếu trình bày ý nghĩa tôn giáo của những biến cố này. Trong « Cuộc tử nạn của Đấng Cứu Thế » (The Death of the Messiah), có thể là bài nghiên cứu đầy đủ nhất và chính xác nhất chưa bao giờ được viết vể những bài tường thuật về cuộc khổ nạn, Cha Raymond Brown đã chứng minh rằng, dù có những khác biệt giữa những bài tường thuật này, nói cách chung, chúng đều đồng ý với nhau về phần căn bản. Phim của Mel Gibson không phải là một tài liệu nhưng là một công việc của tưởng tượng nghệ thuật. Cuộn phim lấy lại những yếu tố của những bài tường thuật về cuộc khổ nạn theo các thánh Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an, nhưng vẫn trung thực với lối cơ cấu căn bản chung của bốn bài. Phim của Mel Gibson hoàn toàn trung thực với Tân Ước như một sự xây dựng lại trong tưởng tượng cuộc khổ nạn của Đức Kitô có thể thực hiện được.

 

Zenit : Trong phim, điều gì đã đánh động cha nhất ?

 

Cha Di Noia : Ông muốn một câu trả lời đơn giản không ? Jim Caviezel và Maia Morgenstern. Đóng vai Đức Kitô hẳn là một trong những vai bi-thương khó nhất. Tôi đã bị đánh động mạnh bởi cường độ của lối diễn tả vai Đức Kitô của Caviezel. Không dễ dàng gì thành công được nếu không có một dáng vẻ của một ý thức về chính bản thân mình bị quấy rầy. Jim Caviezel, và chắc cả Mel Gibson nữa, đã hiểu rằng Giêsu là người con thần thánh của Thiên Chúa nhập thể, mà mặc dù thế vẫn mang tính cách con người trọn vẹn. Khi nghĩ lại cuộn phim, tôi hiểu được là Jim Caviezel thể hiện được điều đó qua ánh mắt nhìn của ông, ngay cả lúc ông nhìn chúng ta, và nhìn tất cả những ai vây quanh ông với một con mắt không bị thương. Jim Caviezel làm cho hiểu, một cách hoàn toàn thuyết phục và hữu hiệu, rằng Đức Kitô sống cuộc khổ nạn và sự chết của mình tự ý Ngài, bằng cách vâng lời Cha Ngài, để chuộc lại sự bất tuân phục của tội lỗi. Chúng ta là những nhân chứng của điều mà Giáo Hội đã phải gọi là « sự đau khổ tự nguyện » của Đức Kitô. Hãy nhớ lại lời của Thánh Phao-lô : « Thực thế, như bởi sự bất tuân phục của một người, cả đám đông đã bị mang tội, cũng như bởi sự vâng lời của một người, cả đám đông sẽ được trở thành công chính » (thư cho giáo dân la-mã 5, 19). Và không phải chỉ là một vấn đề của sự vâng lời mà thôi. Trước hết là vấn đề của tình yêu. Đức Kitô chịu đựng nỗi thống khổ đó vì tình yêu đối với Cha Ngài, và đối với chúng ta. Tuyệt đối không có một nghi ngờ gì về vấn đề này trong sự trình diễn tuyệt vời của Jim Caviezel trong phim này.

 

Sự trình diễn của Maia Morgenstern trong vai Mẹ Maria cũng rất hùng hồn. Điều đó đã cho tôi nhớ lại một câu nói của Thánh Anselme trong một bài giảng về Đức Trinh Nữ Maria : không có Người Con của Thiên Chúa, không có gì có thể hiện hữu. Không có Người Con của Mẹ Maria, không có gì có thể được cứu rỗi. Khi nhìn lối trình diễn vai Mẹ Maria của nữ tài tử Maia Morgenstern, người ta có cảm thức rất mạnh là Mẹ Maria « để con Mẹ ra đi » để Người có thể cứu vớt chúng ta và, cùng hiệp thông trong nỗi thống khổ của Chúa, Mẹ trở thành Thân Mẫu của tất cả những người được mua chuộc.

 

Zenit : Một số người nói là truyện phim đầy cảnh hung bạo quá độ. Cảm tưởng của Cha thế nào ?

 

Cha Di Noia : Tôi muốn nói là nhiều hành động tàn nhẫn hơn là hung bạo. Đức Kitô bị đối xử cách tàn nhẫn, chính yếu bởi những binh lính la-mã. Nhưng không có sự hung bạo vô cớ. Sự nhậy cảm nghệ thuật vào đề ở đây là cách hiển nhiên thuộc trường phái của Grünwald và Caravaggio hơn là của Fra Angelico hay Pinturrichio. Dĩ nhiên chúng tôi nói về một phim ảnh, nhưng Mel Gibson đã rõ ràng bị ảnh hưởng bởi sự miêu tả những thống khổ của Đức Kitô trong nét hội họa tây phương. Chính trong bối cảnh của sự miêu tả nghệ thuật này chúng ta phải định vị sự hủy hoại hoàn toàn thân thể của Đức Kitô – được trình diễn như trong bức tranh trong phim đáng được chú ý này. Mel Gibson muốn tỏ cho chúng ta thấy điều mà nhiều nghệ thuật gia chỉ làm cách gợi ý. Bằng một hình thức hoàn toàn hòa giải được với truyền thống thần học kitô giáo, Mel Gibson trình bày cho chúng ta Con Người Nhập Thể có khả năng chịu đựng điều mà không một người bình thường nào có thể - trên phương diện đau khổ của thể xác cũng như về tinh thần. Về cuối, phải ngắm nhìn thân thể bị tàn phá của Đức Kitô với cặp mắt của Tiên Tri I-sa-i diễn tả Người Đầy Tớ Đau Đớn như một người nào đó « không còn hình người nữa ». Vẻ đẹp thể xác của Jim Caviezel cho phép làm nổi bật hơn tác động toàn diện của sự huỷ hoại thân thể cách tiệm tiến của Đức Kitô phải chịu đựng trước mắt chúng ta, để đưa tới kết quả khủng khiếp, như Người Đầy Tớ Đau Đớn, là Người « không còn vẻ đẹp, không còn sự rạng rỡ để thu hút những ánh nhìn của chúng ta, và không ngoại hình, đã quyến rũ chúng ta » (I-sa-i 53,2). Phải có cặp mắt của Đức Tin để nhìn thấy sự tàn tạ của thân xác Đức Kitô biểu tượng cho sự tàn tạ thiêng liêng và sự hỗn loạn thiêng liêng do tội lỗi gây ra. Sự trình diễn cảnh Đức Kitô bị đánh đòn của Mel Gibson là cảnh mà một số khán giả sẽ có thể muốn nhìn đi chỗ khác – trình bầy như trong tranh điều mà thánh Phao-lô nói trong thư thứ hai gửi cho dân Cô-rin-tô : « Người chưa hề biết tội lỗi đã phải mang tội cho chúng ta, hầu để trong Ngài chúng ta trở thành công lý của Thiên Chúa » (5,21). Khi người ta nhìn thấy thân thể bị huỷ hoại của Đức Kitô trong phim này, người ta hiểu thế nào là « bị mang tội ».

 

Zenit : Trải qua nhiều năm, nhiều đạo diễn đã muốn thực hiện những phim ảnh về Chúa Giê-su hay cuộc Khổ Nạn. Phim của Mel Gibson đối với cha có vẻ độc đáo cách đặc biệt không ?

 

Cha Di Noia : Tôi không phải là một nhà bình phẩm về phim ảnh. Điều đó để cho các bình phẩm phán đoán về phim của Mel Gibson bằng cách so sánh phim này với những trình bày khác về đời sống và sự thương khó của Đức Kitô như những thực hiện của Pasolini hay Zeffirelli.  Cũng như các nhà đạo diễn khác, Mel Gibson mang chính sự nhậy cảm nghệ thuật duy nhất của mình cho chủ đề, và trong ý nghĩa này phim của ông ta là hoàn toàn độc đáo. « Cuộc khổ nạn của Đức Kitô » hiển nhiên chú tâm về nỗi đau khổ và cuộc tử nạn của Đức Kitô, một cách mãnh liệt hơn là đại đa số những phim cùng loại này. Như phản ứng đầu tiên, có 3 điều đã đánh động tôi : điều thứ nhất là sự trình diễn vai Ma Quỷ, thấy rõ trong phần phía sau ảnh, thỉnh thoảng về phía trước, như một sự hiện diện đầy đe dọa liên tục và đáng sợ. Tôi không nhớ một phim nào đã thực hiện cảnh đó với một sự hữu hiệu bi thảm đến độ đó. Điều thứ hai : sự cô đơn của Đức Kitô. Dù Ngài luôn được đám đông vây quanh, cuốn phim cho thấy là Chúa Giê-su thực là cô độc trước nỗi thống khổ kinh hoàng này. Và điều cuối cùng là sự trình diễn cảnh Bữa Tiệc Ly qua một loạt những cảnh hồi tưởng lẫn lộn với tiến trình của phim. Nằm trên nền đá đầy máu me sau trận đòn, Đức Kitô đưa ánh mắt đến chân bị máu văng đầy của một trong những người lính và truyện phim trở về phía sau, một cách đầy ý nghĩa, đến cảnh rửa chân các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Những cảnh hồi tưởng tương tự trong phần còn lại của đoạn khổ nạn và đoạn đóng đinh, cho chúng ta trở về cảnh Đức Kitô đang bẻ bánh và cảnh cầm chén rượu qua cặp mắt của Đức Kitô, khán giả nhìn thấy Ngài nói : « đây là mình ta » và « đây là máu ta ». Ý nghĩa của Đồi Can-vê - sự hy sinh và nghĩa là Bí tích Thánh Thể - được thể hiện qua những cảnh hồi tưởng này. Có một sự nhậy cảm rất mạnh đầy tính cách công giáo được thể hiện ở đây. Trong Thông Điệp mới đây về Thánh Thể, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố rằng Đức Kitô đã thiết lập đài tưởng niệm của nỗi thống khổ và cuộc tử nạn của Ngài trước khi chịu đau khổ, đi trước sự hy sinh đích thực trên thập tự. Trong sự tưởng tượng đầy nghệ thuật của Mel Gibson, Đức Kitô « nhớ lại » Bữa Tiệc Ly ngay cả trong lúc mà Ngài hoàn thành sự hy sinh đáng nhớ. Đối với nhiều tín hữu công giáo sẽ coi những hình ảnh này, thánh lễ sẽ không bao giờ như trước nữa. Điều đó có nghĩa là, ngoài những vấn đề của tính cách độc đáo, cuốn phim của Mel Gibson sẽ chắc chắn được coi như là một trong những phim hay nhất.

 

Zenit : « Cuộc Khổ nạn ? » có kết án ai một cách đặc biệt về chuyện đã xẩy ra cho Đức Kitô không ?

 

Cha Di Noia : Đó là một câu hỏi vừa hay ho và rất hóc búa. Ông cứ tưởng tượng là đã đặt câu hỏi này cho một người nào đó không biết rõ những bài tường thuật của Kinh Thánh về nỗi thống khổ của Đức Kitô trước khi coi phim này. Liệu ông có hỏi người đó « Ai có trách nhiệm về chuyện đã xẩy ra cho Chúa Giê-su ? » không ? Người đó có thể suy nghĩ một chốc lát trước khi trả lời rằng « tất cả đều có trách nhiệm ». Có đúng thế không ? Câu trả lời này đối với tôi có vẻ hợp lý. Khi coi phim « Cuộc khổ nạn  » về một phương diện hoàn toàn bi kịch, điều xẩy ra trong phim cho thấy là mỗi nhân vật đều góp phần một hình thức nào đó vào định mệnh của Chúa Giê-su : Giu-đa phản bội Ngài ; Hội Đồng Công Tọa Do Thái kết án Ngài ; các môn đệ từ bỏ Ngài ; Phê-rô chối là không biết Ngài ; Vua Hê-rô-đê đùa giỡn với Ngài ; Quan Phi-la-tô cho phép kết án Ngài ; đám đông nhạo báng Ngài ; những lính la-mã đánh đòn Ngài, tàn nhẫn với Ngài và cuối cùng đóng đinh Ngài ; và Ma Quỷ dưới một hình thức nào đó nấp sau mọi tác động. Trong số những nhân vật chính yếu của lịch sử, Mẹ Maria có lẽ là người duy nhất thực sự vô tội. Phim của Mel Gibson nắm vững được yếu tố này của những bài tường thuật về sự thương khó. Người ta không thể nói được là chỉ có một người hay một nhóm người tác động một cách biệt lập là có trách nhiệm : tất cả đều có trách nhiệm.

 

Zenit : Có phải Cha đang nói là không có ai cách đặc biệt có trách nhiệm về cuộc khổ nạn và cuộc tử nạn của Đức Kitô ?

 

Cha Di Noia : Đúng thế. Tôi nghĩ rằng đó là điều tôi đang nói - chắc chắn trong một ý nghĩa bi thảm. Nhưng cũng dưới một quan điểm thần học, Mel Gibson đã diễn tả một cách rất hữu hiệu yếu tố khó khăn này trong sự thấu hiểu cuộc khổ nạn và tử nạn của Đức Kitô. Bài tường thuật cho thấy các tội lỗi của tất cả những người này đóng góp vào việc gây ra nỗi thống khổ và cuộc tử nạn của Đức Kitô như thế nào và gợi lên như thế chân lý căn bản theo đó tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. Chính là những tội lỗi của họ và của chúng ta đưa dẫn Đức Kitô lên thập tự và Ngài đã gánh những tội ấy tự ý Ngài. Vì lý do đó mà khi người ta tìm cách gây mặc cảm tội lỗi cho một nhân vật hay một nhóm, hay khi người ta tìm cách tự bỏ đi mặc cảm tội lỗi, người ta phạm vào một lỗi giải thích Kinh Thánh cách sai lầm trầm trọng. Vấn đề với sự nhận thấy này là nếu tôi không thuộc thành phần những kẻ có trách nhiệm, làm thế nào tôi có thể trở nên thành phần của những kẻ sẽ chia sẻ những lợi nhuận của thập tự ? Điều đó làm tôi nghĩ đến một đoạn của một bài ca Giáng Sinh : « Lòng thương xót của Ngài tuôn chảy xa mãi đến tận nơi mà sự nguyền rủa lan tràn tới ». Chúng ta phải chấp nhận thực tại là tội lỗi của chúng ta là một phần của những tội lỗi mà Đức Kitô đã gánh, để được kể vào trong lời nguyện của Ngài : « Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết điều chúng làm ». Chúng ta không muốn, với bất cứ giá nào, bị loại bỏ ra ngoài lời kinh nguyện này. Người Kitô hữu được gọi để tìm chỗ của mình trong bi kịch của sự cứu độ này. Điều này là rõ ràng trong bài đọc công cộng trọng thể của những bài kể về sự thưong khó trong khung cảnh của nghi thức phụng vụ công giáo trong Tuần Thánh, khi những tín hữu đóng vai đám đông gào thét những câu như : « đóng đinh nó đi ! ». Một cách ngược đời, nghi thức phụng vụ giúp chúng ta hiểu những lời gào thét này mà đối với chúng ta, nếu không có vẻ giống như những tiếng kêu gào rùng rợn, như một lời kinh nguyện. Điều hiển nhiên là chúng ta không muốn, một cách « văn chương », là Đức Kitô phải bị đóng đinh, nhưng chúng ta muốn được cứu vớt khỏi tội lỗi chúng ta. Trong một viễn tượng của Đức Tin, ngay như câu diễn tả khiếp đảm « hãy để máu của ông ta đổ xuống trên chúng tôi và trên con cháu chúng tôi », phải được hiểu không như là một lời nhục mạ nhưng như một kinh nguyện. Thực tế, điều mà chúng ta muốn, và điều mà ngay cả đám đông tụ tập trước Phi-la-tô muốn một cách vô ý thức, là, như sách Khải Huyền viết, « được thanh tẩy trong máu của Con Chiên ».

 

Zenit : Một số ngưòi đã khẳng định là cuộn phim có tính cách chống người Do Thái. Cha nghĩ gì về điều đó  ?

 

Cha Di Noia : Với tư cách là một thần học gia công giáo, tôi không thể không lên án sự kỳ thị Do Thái hay kỳ thị Do Thái Giáo trong tất cả sự miêu tả sự khổ nạn và cuộc tử nạn của Đức Kitô – không chỉ vì sự dữ khủng khiếp đã được gây ra cho dân Do Thái trong lãnh vực này, những cũng là vì, như tôi đã nói, điều này gây dựng nên một lối giải thích lầm trầm trọng về những bài thương khó. Nhưng hãy để tôi trả lời cách minh bạch cho câu hỏi của ông : không có gì là kỳ thị người Do Thái hay Kỳ Thị tín đồ do thái trong cuốn phim của Mel Gibson. Thật đáng tiếc là những người chưa coi cuốn phim nhưng chỉ tìm cách khám nghiệm những ấn bản chưa được cố định về kịch bản, đã lên án « Sự khổ nạn của Đức Kitô » là kỳ thị do thái. Tôi tự tin rằng khi cuốn phim được ra mắt quần chúng, và thiên hạ sẽ có thể được coi, sự kết án kỳ thị do thái sẽ biến mất cách trọn vẹn. Cuốn phim không phóng đại vai trò của những chánh quyền Do Thái trong thủ tục pháp lý của vụ kết án Chúa Giê-su và cũng không thu nhỏ vai trò đó. Thực ra chính vì cuốn phim trình bầy một báo cáo tổng quát điều mà người ta có thể gọi là « sự tính toán của trách nhiệm » trong cuộc khổ nạn và cuộc tử nạn của Đức Kitô, có lẽ sẽ có thể bóp nghẹt kỳ thị do thái chủ nghĩa trong cử tọa hơn là kích thích chủ nghĩa đó.

 

Về một quan điểm thần học, điều còn quan trọng hơn nữa là chính cuốn phim lấy lại một yếu tố mà những tác giả kinh thánh và Giáo Hội đã luôn thấy sáng tỏ là : kinh nghiệm của Đức Kitô từ vườn Giệt-si-ma-ni đến Núi Sọ (Golgotha) và xa hơn nữa, sẽ hoàn toàn không thể hiểu được nếu không có sự giao ước của Thiên Chúa với dân tộc Do Thái. Khung cảnh ý niệm được định nghĩa gần như trọn vẹn bởi lịch sử và văn chương, những tiên tri và những anh hùng, những sử tích và những huyền thoại, những biểu tượng, những nghi thức, những điều phải tuân giữ và để kết thúc tất cả văn hóa của Do Thái Giáo. Chính khung cảnh này, một cách căn bản, làm cho hiểu được và diễn tả được nhu cầu tự nhiên của thỏa mãn và của sự cứu chuộc trước tội lỗi của con người và sự quả quyết đầy tình yêu, về phần Thiên Chúa, để thỏa mãn nhu cầu này. Không hề có ý định khơi lại thuyết bài trừ do thái hay chủ nghĩa chống đạo do thái, cuốn phim của Mel Gibson bắt buộc cử tọa đào sâu sự hiểu biết của mình về bối cảnh cần thiết này của cuộc khổ nạn và cuộc tử nạn của Giê-su thành Na-gia-rét, Người Đầy Tớ Đau Khổ.

 

Zenit : Theo Cha cuốn phim sẽ có tác động nào ?

 

Cha Di Noia : Dọc suốt lịch sử kitô giáo, người ta đã khích lệ những tín hữu suy niệm sự thương khó của Đức Kitô. Linh đạo của các bậc đại thánh - những tên của thánh Phan-xi-cô, Thánh Đa-Minh, Thánh Nữ Ca-ta-ri-na đệ-Si-ê-na đến ngay trong đầu – đã được đánh dấu bởi một sự sùng kính cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Tại sao ? Bởi vì người ta đã nhìn nhận là không có một con đường nào chắc chắn hơn để làm tỏa hiện trong trái tim con người tình yêu bắt đầu trả lời được một cách tương xứng cho tình yêu của Thiên Chúa đã ban Con Ngài cho chúng ta. Tôi tin rằng loại tình yêu này sẽ được phim của Mel Gibson làm triển nở trong những con tim. Phải có một trái tim bằng sỏi đá để không tự để cho mình rung cảm bởi cuốn phim tuyệt vời này và bởi sự sâu thẳm lạ lùng của tình yêu Thiên Chúa mà cuộn phim tìm cách truyền qua màn ảnh.

 

Trần văn Toàn


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà