ÐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở sự cần thiết khắc phục những nguyên do của khủng bố

 

 

Vatican ngày 11/1/2004

 

Sáng thứ bẩy, trong bài diễn văn với tân đại sứ Nam Dương tại Toà Thánh, ông Bambang Prayitno, ÐGH đã khẳng định rằng câu trả lời cho khủng bố không được thúc đẩy bằng « sự thù hận » và không được dựa trên « những biện pháp thuần tuý trừng phạt hay trấn áp ». Phải loại trừ những nguyên nhân của khủng bố.

 

ÐGH nhìn nhận rằng « tai hoạ » khủng bố trở nên « ác liệt hơn trong những năm gần đây, gây ra những cuộc tàn sát mãnh liệt, nó chỉ làm thêm trầm trọng những tình cảnh khó khăn, gia tăng những căng thẳng và giảm thiểu những triển vọng hoà bình giữa các dân tộc và các quốc gia ».

 

« Quê hương của quí vị không may đã thực nghiệm một cách trực tiếp những hành vi bạo động thù hận này và sự coi thường tính cách bất khả xâm phạm của sự sống của con người vô tội ».

 

Sau một chuỗi những cuộc mưu sát khủng bố tại Nam Dương, theo nguồn tin của cảnh sát thì thứ bẩy vừa qua, trong một quán cà phê tại Palopo trên đảo Sulawesi, một vụ nổ đã gây ra cái chết của bốn người và ít nhất ba người bị thương.             

 

Ngày 12/10/2002, những người được coi như là cực đoan thuộc nhóm Jemaah Islamiya có liên quan với mạng lưới khủng bố al – Quaida đã phá huỷ hai phòng nhẩy trên đảo du lịch Bali gây thiệt mạng cho 202 người, phần đông là khách du lịch ngoại quốc. Cuộc mưu sát này « vẫn còn hiện diện trong tâm trí và con tim của cộng đồng quốc tế ».

 

Nhóm Jemaah Islamiya cũng là tác giả của cuộc mưu sát ngày 5/8/2003 tại khách sạn J. W. Marriot ở Jakarta làm 12 người chết và 150 người bị thương.

 

ÐGH nói rõ : « Mặc dù sự coi thường đời sống con người của những vụ mưu sát này, câu trả lời của chúng ta không bao giờ được là câu trả lời của thù hằn và rửa hận. Những biện pháp thuần tuý trừng phạt hay trấn áp tự nó vẫn không đủ. Cuộc chiến chống lại khủng bố cũng phải được tiến hành trên phương diện chính trị và giáo dục ».

 

Ngài tiếp : « Sự huy động chính trị là điều cần thiết để loại trừ những nguyên nhân của những tình trạng bất công, nó có thể dẫn người ta đến những hành vi tuyệt vọng và bạo động ».

 

ÐGH cũng nghĩ đến sự cần thiết dấn thân để khuyến khích những « chương trình giáo dục dựa trên sự tôn trọng sự sống con người trong mọi hoàn cảnh ».

 

Ngài tuyên bố : « Như thế sự hiệp nhất của loài người sẽ mạnh mẽ hơn là tất cả những chia rẽ không quan trọng giữa những cá nhân, những nhóm và những dân tộc. Ðó là điểm mà những tôn giáo lớn trên thế giới có một vai trò quan trọng phải làm ».

 

« Sự thông hiểu và cộng tác liên tôn giáo sẽ làm rất nhiều để đề cao một ý nghĩa rõ ràng hơn về sự cởi mở của toàn nhân loại, góp phần loại trừ những nguyên nhân xã hội và văn hoá của khủng bố ».

 

« Tôi tin chắc rằng những nhà lãnh đạo tôn giáo, những tín hữu Hồi Giáo, Kitô Giáo và Do Thái Giáo phải là những người đầu tiên lên án khủng bố và từ chối mọi hình thức chính đáng tôn giáo hay đạo đức đối với những kẻ khủng bố ».

 

ÐGH nhận định rằng cần phải đề cao sự đối thoại như « phương tiện để vượt qua những khác biệt theo phương cách hoà bình ». Ngài kết luận : « Ðó là phương cách duy nhất để bảo đảm sự hợp nhất, bảo đảm sự vững chắc và xây dựng một nền dân chủ mà quốc gia lớn mà ngài đại diện mong muốn một cách mãnh liệt ».

 

Trong buổi tiếp kiến với đại sứ Bambang Prayitno, ÐGH có gợi lại cuộc thăm viếng Nam Dương của ngài vào năm 1989, ngài nhấn mạnh đến « lòng hiếu khách, sự nhiệt tình và những truyền thống văn hoá phong phú của dân Nam Dương ».

 

Nam Dương gồm 234 triệu dân với 88% người Hồi Giáo, 5% người Tin lành, 3% người Công Giáo Rôma, 2% người Ấn Ðộ Giáo, 1% người Phật Giáo.  

                                     

       

Thông tấn Zenit                      

Lang Biang dịch

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà