Tôn Giáo, Sức Mạnh Ðể Xây Dựng Hoà Bình

 

Vatican ngày 12/1/2004

 

 

Trong bài diễn văn với các nhà ngoại giao tại Toà Thánh, Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo như sức mạnh để xây dựng hoà bình và tầm quan trọng của sự hiệp nhất những người Kitô Giáo cho một thế giới  “đoàn kết ” hơn.

 

Ngài nói : “ Mặc dù tôi nói với quý vị nhân danh Giáo Hội Công Giáo, tôi biết rằng những người Kitô giáo khác cũng như những tín đồ tôn giáo khác đều tự coi mình như những chứng nhân cho một Thượng Ðế của công bằng và hoà bình ”.

      

Gioan Phaolô II xác định : “ Khi người ta tin rằng mỗi người đã nhận từ Ðấng Tạo Hoá một phẩm cách duy nhất, rằng mỗi người trong chúng ta có những quyền và những tự do không thể chuyển nhượng, rằng phục vụ tha nhân là lớn lên trong tình nhân loại, người ta có thể dễ hiểu tầm quan trọng của những cộng đồng tôn giáo trong việc xây dựng một thế giới được hoà bình và có bản chất thanh bình ”.

 

Ngài khẳng định niềm hy vọng này : “ Ở bất cứ đâu mà hoà bình bị đe doạ thì cũng có những người Kitô giáo để xác nhận bằng lời nói và hành động rằng hoà bình là điều có thể. Ðó là ý nghĩa, như các ngài biết, của sự can thiệp của Toà Thánh trong những cuộc thảo luận quốc tế ”.

 

Bởi thế ÐGH kêu gọi sự hiệp nhất của những người Kitô hữu : “ Như các ngài biết, sự dấn thân hiệp nhất là một trong những điều chú tâm trong triều giáo hoàng của tôi. Thật vậy, tôi tin chắc rằng nếu những người Kitô hữu có khả năng vượt lên trên những chia rẽ của họ thì thế giới sẽ đoàn kết hơn ”.

 

Ngài nhấn mạnh : “ Cùng chung nhau, chúng ta có thể đóng góp một cách hữu hiệu vào sự tôn trọng sự sống, sự bảo vệ nhân phẩm con người cũng như những quyền không thể chuyển nhượng của nó, vào công bằng xã hội và vào sự bảo vệ môi trường. Người ta chưa đo lường đủ ảnh hưởng có tính cách hoà bình mà những người Kitô hữu hiệp nhất có thể có trong cộng đồng riêng của họ cũng như trong xã hội dân sự. Nếu tôi nói điều đó thì không những để nhắc nhở những người tin vào Ðức Kitô sự cần thiết cấp bách quyết tâm đi trên con đường dẫn tới sự hiệp nhất như Ðức Kitô mong muốn, mà còn để chỉ cho những nhà trách nhiệm trong xã hội những tiềm năng mà họ có thể dùng trong di sản Kitô giáo, cũng như những người sống dựa trên di sản này. Trong lãnh vực này, một thí dụ cụ thể có thể được nêu lên : sự giáo dục về  hoà bình. Dưới ánh sáng của Lý Trí và Ðức Tin, Giáo Hội đề nghị một nền giáo dục về hoà bình để chuẩn bị cho những thời tốt hơn ”.

                                                         

   

Thông tấn Zenit                      

Lang Biang dịch

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà