Xuất bản bản tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội

 

 

Vatican ngày 25/10/2004

 

Xây dựng một thuyết nhân bản mới dựa trên giáo huấn xã hội của các ĐGH và thẩm quyền của Giáo Hội cũng như dựa trên hành động của người tín hữu trong đời sống chung dân sự. Đó là điều mà bản tóm lược những giáo huấn xã hội của Giáo Hội có thể giúp và cũng là sự mong muốn của ĐHY Martino.

  

Sau 5 năm làm việc, toà Vatican ấn hành bản tổng kết những giáo huấn xã hội của Giáo Hội trong một tập duy nhất. Sự xuất bản này đã rất được mong đợi và đã được loan báo trong lúc chuẩn bị Năm Thánh 2000. Tập sách nhắm đến không chỉ những người có trách nhiệm chính trị mà còn cho tất cả những người thực thi những giáo huấn xã hội của Giáo Hội, những chủ nhân và những công đoàn. Công trình này đã bắt đầu cách đây 5 năm dưới sự chủ toạ của ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

 

ĐHY Renato Raffaele Martino, ĐGM Giampaolo Crepaldi và ĐGM Frank Dewane, theo thứ tự là chủ tịch, thư ký và phó thư ký của Uỷ Ban Giáo hoàng về Công Lý và Hoà Bình đã trình bầy tập sách này, được in bằng tiếng Ý và tiếng Anh bởi nhà xuất bản Vatican (bản tiếng Pháp sẽ được in vào dịp Giáng Sinh). Đó là một loại « la bàn » dành cho những người có trách nhiệm mục vụ và mọi người tín hữu, giúp họ hiểu những khía cạnh chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp của thời đại chúng ta và hành động phù hợp với Phúc Âm và Truyền Thống của Giáo Hội. 

 

ĐHY đã xác định rằng cuốn sách được đề tặng cho ĐGH Gioan Phaolô II, chính ngài đã chỉ dẫn trong tông huấn « Hàng Giáo Phẩm Hoa Kỳ » năm 1999 : « Có một bản tóm lược học thuyết xã hội công giáo bao gồm một giáo lý nêu rõ tương quan của nó với sự phúc âm hoá mới là điều hữu ích ». 

 

Cuốn sách gồm hơn 500 trang, 200 trang về phụ chú và 319 trang về văn bản của hơn 100 năm những giáo huấn của các ĐGH và Giáo Hội, đặc biệt trong những giáo huấn xã hội từ ĐGH Léon XIII đến ĐGH Gioan Phaolô II.

 

Cuốn sách mở đầu bằng bức thư của ĐHY quốc vụ khanh Angelo Sodano gửi cho ĐHY chủ tịch về Công Lý và Hoà Bình tựa đề là « Một học thuyết nhân bản trọn vẹn và liên đới ». 

 

Cuốn sách gồm ba phần và một kết luận với tựa đề « Cho một nền văn minh của sự sống ». Phần thứ nhất gồm 4 chương nói về những điểm nền tảng của học thuyết xã hội. Phần thứ hai gồm 7 chương nói về gia đình, lao động, đời sống kinh tế, cộng đồng chính trị, cộng đồng quốc tế, môi trường sống và hoà bình. Phần thứ ba chỉ có một chương gồm một số những lời khuyên về việc mang ra thực hành học thuyết xã hội trong những hoạt động mục vụ của Giáo Hội và trong đời sống của mọi tín hữu, nhất là những giáo dân ».

 

ĐHY Martino nhất mạnh rằng cuốn sách trình bầy một cấu trúc đơn giản và chân thật, một tập tài liệu chưa bao giờ thực hiện trước đó.

 

Điều mới mẻ quan trọng nhất của tập tài liệu là câu trả lời cho ba thách thức của thời đại chúng ta.

 

« Thách thức văn hoá » vì khi củng cố tính cách nhiều môn học, giáo huấn xã hội của Giáo Hội mở rộng trong thời gian « chân lý vĩnh cửu của Phúc Âm » trong tương quan với những tri thức tạo nên bởi con người.

 

Thách thức của « sự thờ ơ đạo đức và tôn giáo » để vượt qua sự phân chia giữa đạo đức và chính trị và để củng cố sự đối thoại với những tôn giáo khác về những đề tài như hoà bình và nhân quyền. ĐHY Martino nói : « Sự cộng tác liên tôn giáo sẽ là một trong những giá trị chiến lược cho sự lành của nhân loại, trọng điểm cho tương lai của học thuyết xã hội ».

 

Và thách thức mục vụ để giáo huấn xã hội của Giáo Hội được biết rõ hơn, ăn rễ, phát triển và tạo nên nhân chứng Kitô giáo. ĐHY Martino khuyến cáo : « Giáo huấn xã hội sẽ phục vụ con người trong hệ thống xã hội và kinh tế hơn nếu người ta không thu gọn nó trong một diễn văn có tính cách xã hội học hay ý thức hệ, một mệnh lệnh đạo đức hay một khoa học về sống tốt hoặc một « nền đạo đức cho những tình cảnh khó khăn » và nếu nó được biết đến, được giảng dậy, được sống và hiện thân một cách trọn vẹn cũng như được liên kết với Phúc Âm của Thiên Chúa ».

 

ĐHY Martino nhấn mạnh rằng giáo huấn này phải thấm nhuần trong mọi khía cạnh của đời sống và hành động của Giáo Hội. Mọi người, dù là công giáo, Kitô giáo hay tôn giáo khác hoặc những nguời có thiện chí đều có thể đọc tài liệu này. Đó là một khí cụ hữu ích giúp chúng ta có một cái nhìn đạo đức và mục vụ trong những biến cố phức tạp của thời đại chúng ta, một « tài liệu hướng dẫn », một « tài liệu giúp đỡ » cho người tín hữu, một khí cụ của người công giáo để củng cố sự đối thoại hiệp nhất và liên tôn giáo với những người tìm kiếm một cách chân thành điều tốt cho nhân loại.

 

ĐHY Martino kết luận : « Tôi ước muốn rằng « Bản bản tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội » làm chín mùi nhân cách của những người tín hữu chân chính và gợi hứng cho họ để họ trở nên những chứng nhân đáng tin cẩn, có khả năng thay đổi những cơ cấu của xã hội hiện đại bằng tư tưởng và hành động. Chúng ta cần những chứng nhân, những người tử đạo và những thánh nhân ngay trong lãnh vực xã hội »

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà