Giải pháp thay thế cho trào lưu cực đoan không phải là hồi giáo cấp tiến mà là hồi giáo bảo thủ

 

 

Rôma ngày 9/11/2004

 

Ông Massimo Introvigne, chuyên gia về tôn giáo tuyên bố rằng trào lưu cực đoan không phải là một hiện tượng duy nhất. Trong cuộc nói chuyện dành cho thông tấn Zenit, ông giải thích những loại khác nhau của trào lưu cực đoan. Ông là người sáng lập và là giám đốc Trung Tâm nghiên cứu về những tôn giáo mới. Ông phân tích hiện tượng phức tạp về trào lưu cực đoan trong cuốn sách với nhan đề là « Những trào lưu cực đoan, những khuôn mặt khác nhau của sự cố chấp tôn giáo », được xuất bản bằng tiếng Ý bởi nhà xuất bản Piemme (www.edizpiemme.it).

 

Zenit : Người ta có thể coi một thế giới không chắc chắn và bất ổn là cửa mở cho những trào lưu cực đoan tôn giáo không ?

 

Massimo Introvigne : Điều đó tuỳ thuộc vào sự định nghĩa của chữ « cực đoan » (fondamentalisme). Trong cuốn sách tôi phân chia sự đòi hỏi tôn giáo ra làm 5 loại : cực cấp tiến, cấp tiến, bảo thủ, cực đoan và tối cực đoan (ultra progressiste, progressiste, conservatrice, fondamentaliste et ultra fondamentaliste). Những tiêu chuẩn của mỗi loại thì khác nhau, một số có tính cách kỹ thuật hơn.

 

Zenit : Ông có thể cho thấy một thí dụ...

 

Massimo Introvigne : Chẳng hạn thái độ trước sự phân chia vào thế kỷ Những Ánh Sáng giữa tôn giáo và văn hoá, giữa tôn giáo và chính trị. Người cấp tiến chấp nhận sự phân chia như một điều không thể tránh, người cực cấp tiến chấp nhận điều đó với lòng phấn khởi. Người cực đoan từ chối nguyên tắc phân chia nhưng sẵn sàng chấp nhận một số nhượng bộ. Người tối cực đoan từ chối mọi nhượng bộ và tự tách rời hoàn toàn khỏi xã hội hay tìm cách buộc xã hội theo mình qua bạo động. Người bảo thủ (người ta xếp trong loại này phần đông những dân trên thế giới tuyên bố mình thuộc vào một tôn giáo) không chấp nhận sự phân chia hoàn toàn như thế kỷ Những Ánh Sáng, cũng không chấp nhận sự hoà hợp cực đoan giữa tôn giáo và văn hoá : họ muốn một sự phân biệt mà không có phân chia, một sự độc lập của văn hoá và của chính trị nhưng không cấm tôn giáo can thiệp vào trong những lãnh vực này.

 

Vì những lý do chính trị, dù là vấn đề Hồi Giáo hay Âu Châu, có một loại báo chí coi là « người cực đoan » tất cả những người bảo thủ, cực đoan hay tối cực đoan. Thực ra có rất nhiều khác biệt. Trong Hồi Giáo, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là một người bảo thủ, giáo sĩ của Al-Jazira, ông Yusuf al Qaradawi là một người cực đoan và Oussama Ben Laden là một người tối cực đoan. Trong thế giới Kitô Giáo, ông George Bush hay ông Rocco Buttiglione là những người bảo thủ, nhưng trong cuộc tranh luận chính trị người ta xếp họ vào loại những « người cực đoan ».

 

Zenit : Người cực đoan tôn giáo tìm gì : những thâm tín, sự trở lại quá khứ, chết để sống lại ?

 

Massimo Introvigne : Ở đây cũng thế, sự khác biệt giữa người bảo thủ, cực đoan hay tối cực đoan rất là quan trọng. Theo tôi cả ba loại người này đều không muốn trở lại quá khứ. Đặc biệt trong Hồi Giáo, sự cực đoan là một hình thức hiện đại nhằm phục hồi lại luật lệ hồi giáo với những khí cụ chính trị cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khác với những hình thức truyền thống như tại nước Arabie Saoudite, dựa trên những khí cụ truyền thống và tập trung trên nền đạo đức hơn là chính trị.

 

Zenit : Kinh tế có liên quan đến những người cực đoan không, hay đó chỉ là một đề tài thuần tuý « tinh thần » ?

 

Massimo Introvigne : Khi trào lưu tư tưởng xã hội học mà tôi dựa vào nói đến « thị trường tôn giáo » hay « kinh tế tôn giáo », nó dựa vào những khí cụ và những mô hình kinh tế để học hỏi tôn giáo. Nhưng đó chỉ là một thái độ phương pháp, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là thu gọn tôn giáo hay trào lưu cực đoan vào một hiện tượng được khích động trước tiên bởi những động lực kinh tế.  

 

Zenit : Tây Phương có trách nhiệm trong sự trỗi dậy của trào lưu cực đoan hồi giáo không ?

 

Massimo Introvigne : Điều đó có, bởi vì Tây Phương đã ủng hộ những chế độ quốc gia và tục hoá, như những chế độ độc tài quân phiệt tại những nước Magrheb và cả Saddam Hussein mà Tây Phương đã ủng hộ từ lâu. Những chế độ này đàn áp một cách mạnh mẽ những người bảo thủ, cực đoan và tối cực đoan. Nếu tất cả đều là nạn nhân của sự đàn áp, thì chỉ có những người tối cực đoan có khả năng hoạt động trong bóng tối.

 

Sự đàn áp nhằm loại trừ trào lưu cực đoan thật ra tạo cơ hội cho những hình thức cực đoan nhất.

 

Nói một cách tổng quát, Tây Phương mắc phải một loại « triệu chứng Voltaire » nên tìm kiếm những người hồi giáo cấp tiến và cực cấp tiến, những người này hoặc không có hoặc là những ông tướng có khả năng điều hành « nhờ sức mạnh của dao găm » hay những người trí thức, rất phù hợp để tham dự những hội nghị bên Âu châu nhưng lại không có quyền lực trong nước của họ hay trong cộng đồng những người di dân.

 

Giải pháp thay thế cho trào lưu cực đoan không phải là hồi giáo cấp tiến mà là hồi giáo bảo thủ.

 

Zenit : Với tư cách là chuyên gia, trong tương lai gần ông thấy ra sao về trào lưu cực đoan hồi giáo, nó sẽ gia tăng thêm ?  


Massimo Introvigne : Tôi nghĩ là không. Nếu những thị trường tôn giáo mở rộng cửa và có dân chủ trong xã hội, Hồi Giáo bảo thủ sẽ chiến thắng Hồi Giáo cực đoan ; trường hợp những nước Thổ Nhĩ Kỳ, Mã Lai và Nam Dương đã chứng minh điều đó.

 

Zenit : Ông có cảm tưởng gì về những trào lưu cực đoan tục hoá ? Đó có phải là một hiện tượng mới không ?

 

Massimo Introvigne : Chủ nghĩa chống giáo quyền là một hiện tượng đã xưa. Tuy nhiên những trào lưu cực đoan tục hoá mà chúng ta thấy biểu lộ bên Pháp trong đạo luật chống lại cái gọi là « các phái đạo » (sectes) và chống lại những biểu tượng tôn giáo, hay trong Liên Hiệp Âu Châu trường hợp của ông Buttiglione, là một phản ứng trước sự kiện là tôn giáo, theo những người ủng hộ sự tục hoá là phải biến mất, lại trở lại dưới những hình thức mới và không thể đoán trước.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch 

 




Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà