Không có chân lý, tự do trở thành ngục tù (phần I)

 

 

Vatican ngày 15/11/2004

 

Vì muốn coi tự do theo nghĩa một tình trạng phi luật lệ, từ chối chân lý về Thượng Đế và về con người, con người tự huỷ hoại mình. Chỉ có Đức Kitô mới có thể dẫn dắt con người trở lại tình trạng tự do nguyên thuỷ. Đó là điều mà ĐC Vitaliano Mattioli, giáo sư tại Đại Học Giáo Hoàng Urbanô và phó chủ tịch của Viện Giáo Hoàng Thánh Apollinaire, muốn giải thích trong tác phẩm cuối của ngài với nhan đề là « Libertà imprigionata » (Tự do bị giam trong tù) mới được xuất bản bằng tiếng Ý bởi nhà xuất bản Segno.

 

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Zenit, ĐC Mattioli trình bầy đề tài trọng tâm của cuốn sách, trong đó ngài đối lập một cách rõ ràng tương quan giữa chân lý và tự do.

 

Zenit : Tại sao lại có tựa đề « Tự do bị giam trong tù » ? ĐC có thể giải thích sự lựa chọn tựa đề này không ?

 

ĐC Mattioli : Đã nhiều năm nay tôi muốn viết về đề tài này. Tôi nhận thấy rằng con người tự giam hãm mình trong tù ngục qua những lựa chọn tiêu cực. Khi coi tự do của con người theo nghĩa phi luật lệ, con người không giải phóng chính mình mà lại tự trói buộc mình lại : con người bỏ tù tự do của mình.

 

Con người không còn tự chủ được chính mình, quan niệm sai lầm về sự sống và cách sống đẩy con người đi đến sự huỷ hoại chính mình. Trong phần chính của cuốn sách, tôi phân tích một số xiềng xích biểu tượng này và nối liền chúng với thái độ đã xưa nhưng thỉnh thoảng vẫn trỗi dậy qua bao thế kỷ : tổ chức đời sống như thể Thượng Đế không hiện hữu. Do đó cuốn sách có tiểu đề là « Tiểu luận về sự tự huỷ hoại của con người ». Làm sao để tránh thảm hoạ này ? Đó là chỗ mà khuôn mặt của Đức Kitô hiện lên, chỉ có Ngài mới có thể dẫn dắt con người đến tình trạng tự do nguyên thuỷ.  

 

Zenit : Trong  « Veritatis splendor », ĐTC nhấn mạnh sự kiện không có tự do mà không có chân lý. Một ý niệm mà Thẩm Quyền của Giáo Hội lập đi lập lại. ĐC có thể nói gì về điều này ?

 

ĐC Mattioli : Chính nhị thức « tự do/chân lý » này mà con người đã phá vỡ. Con người đã muốn che dấu sự thật về Thượng Đế, không còn coi Ngài như Đấng Tạo Hoá và Đấng phân phát mọi sự thiện, sự khởi đầu của hữu thể và Đấng ban phát mọi hiện hữu.

 

Thượng Đế siêu việt bị hạ bệ, con người Prométhée xuất hiện. Đây là một chân lý khác bị chối bỏ : chân lý về con người. Từ loài tạo hoá, con người tự gán cho mình danh hiệu kẻ sáng tạo. Từ chối Thượng Đế sáng tạo, con người tự mình sáng chế ra con người ; từ chối Thượng Đế lập pháp, con người tự tạo cho mình những luật lệ riêng, từ đó bắt nguồn Nhà Nước đạo đức.

 

Phủ nhận chân lý này, con người tự huỷ bỏ tự do. Không chỉ dưới nhãn quan cá nhân mà ngay cả nhãn quan chính trị : khi con người tự mình lên ngôi sau khi đã truất phế điều linh thiêng, con người tự coi mình là Thượng Đế, nhưng không phải là Thiên Chúa Cha mà đúng hơn là Thượng Đế ông chủ, nhà độc tài. Nhân quyền không còn được coi trọng ; con người tự khép mình sống trong một nhà ngục lớn. Như thế con người cũng mất tự do hiện hữu của mình.

 

Khi phủ nhận Thượng Đế, con người tự cho mình được tha thứ và trở nên miếng mồi cho chính những đam mê của mình : không còn phải là con người hành động mà là những tính thất thường, những ước muốn không lành mạnh thống trị và kiểm soát nó. Con người từ đó có khả năng thực thi bất cứ điều lệch lạc điên rồ nào.   

 

Lý do tại sao Thẩm Quyền của Giáo Hội nhấn mạnh đến sự bảo vệ nhị thức « tự do/chân lý »  không những chỉ nhằm đề nghị một cái nhìn Kitô giáo về sự sống mà còn nhằm ngăn chận để không ai tự huỷ hoại chính mình.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà