Làm thế nào để giúp người Kitô Giáo và Hồi Giáo sống chung với nhau (phần 2)

 

Cuộc nói chuyện với cha Samir Khalil Samir, giáo sư người Ai Cập, dòng tên

 

 

Rôma ngày 24/2/2004

 

Zenit : Người Kitô hữu cảm thấy càng ngày càng thắc mắc về Hồi Giáo,  Người Hồi Giáo có tự đặt những câu hỏi về Kitô Giáo không ?

 

Cha Samir Khalil Samir : Quả thật người Kitô Giáo tự đặt những câu hỏi về Hồi Giáo. Sống trong một môi trường hỗn tạp như tại Beyrouth, tôi phải nói là những người Kitô Giáo tự đặt những câu hỏi về Hồi Giáo và ngược lại, mặc dù tại Liban những người Hồi Giáo luôn nói với tôi rằng những người Kitô Giáo hiểu Hồi Giáo hơn là họ hiểu Kitô Giáo. Sự thật là chúng tôi có một vài khó khăn khi chúng tôi tổ chức những cuộc hội họp và ước muốn tìm thấy một thành viên Hồi Giáo thông hiểu Kitô Giáo.

 

Zenit : Hồi Giáo vẫn không được biết tới tại Âu Châu ?

 

Cha Samir Khalil Samir : Âu Châu không nên tự buộc tội mình vì không biết đến Hồi Giáo. Đó là điều hiển nhiên. Cũng như Âu châu không biết đến Phật Giáo hay những tôn giáo khác. Đối với tôi, vấn đề không phải là biết, mà là muốn biết.        

 

Làm việc chung là một điều tốt, nhưng cũng phải phê bình những điều không hợp với chúng ta trong văn hoá của họ, cũng như họ có quyền phê bình những khía cạnh của văn hoá tây phương không phù hợp với họ.

 

Thí dụ như quan niệm tục hoá dường như đối với họ là huỷ bỏ hiện tượng tôn giáo, nhưng nó sẽ xuất hiện lại. Sự phê phán này là đúng, nhưng nó cũng phải được thể hiện theo chiều ngược lại.

 

Cần nên nhắc rằng sự hiện diện của Hồi Giáo tại Âu Châu là điều mới đây. Thật là phi lý khi tưởng rằng Âu Châu là gốc rễ của mọi tôn giáo.

 

Theo tôi, sự hiện diện của người Hồi Giáo tại Âu Châu có thể là một phúc lành, với một số điều kiện. Chẳng hạn như nếu người ta tạo nên được một nền Hồi Giáo Âu Châu, có niềm tin Hồi Giáo và văn hoá Âu Châu, nghĩa là cũng có Kitô Giáo. Khi đó người ta có thể tiến tới việc đọc lại Kinh Coran, khởi điểm từ sự bình đẳng giữa người nam và người nữ, giữa người có đạo và người vô thần, với những nguyên tắc của một nền dân chủ và của văn minh tây phương, nhất là sự phân biệt giữa sự kiện tôn giáo và sự kiện chính trị.

 

Zenit : Có một số người phê bình cuốn sách của cha (100 câu hỏi về Hồi Giáo), khẳng định rằng cha đã quên những khía cạnh rất tích cực của Hồi Giáo như là ngành Hồi Giáo chiêm niệm (soufisme)  ?

 

Cha Samir Khalil Samir : Sự quan sát này có một phần đúng. Đúng là tôi đã không nói đến ngành Hồi Giáo chiêm niệm. Nhưng đó là một thực tại mà Hồi Giáo chính thống coi như một điều riêng tư hoặc ngay cả như một nhánh khác vậy. Nó không có tầm quan trọng nhiều.

 

Trong những sách được xuất bản nói về thế giới Á Rập Hồi Giáo, người ta gần như không thấy một cuốn sách nào nói về ngành Hồi Giáo chiêm niệm. Trái lại, bên tây phương thì có rất nhiều. Tại sao ? Tại vì người tây phương chú ý đến ngành này theo nhu cầu của họ, chứ họ không tìm hiểu Hồi Giáo một cách khách quan.

 

Đối với Hồi Giáo, luật lệ là điều thiết yếu trong những huấn từ và trong đời sống. Đó  không phải là một lời kết án hay một khía cạnh tiêu cực. Đó là thực tại và tôi phải tôn trọng sự thể như thế.

 

Còn hơn Hồi Giáo chiêm niệm, để hiểu thế giới Hồi Giáo, chúng ta phải thấu hiểu nguồn rễ của nó. Chẳng hạn như những câu phương ngôn (haddit) của Tiên Tri Mahomet rất là quan trọng nhưng lại hiếm được chuyển ngữ.

 

Zenit :  Đối với cha, điều khẩn trương nhất có phải là sự đọc lại Kinh Coran không ?

 

Cha Samir Khalil Samir : Điều quan trọng bây giờ là làm sao người ta phải đọc và chú giải Kinh Coran ngày hôm nay. Không may thay, có rất ít người Hồi Giáo đề nghị sự đọc lại Kinh Coran.

 

Kitô Giáo đã bắt đầu sự đọc có tính cách phê bình về những nguồn gốc của mình từ nhiều thế kỷ nay. Sự đọc phê bình này chưa được thực hiện trong thế giới Hồi Giáo và đó là điều cần thiết.

 

Suy tư lại Kinh Coran không có nghĩa là thay đổi bản văn nhưng là thay đổi việc đọc. Những nhà trí thức Hồi Giáo muốn làm điều này, nhưng họ không làm được bởi vì sức nặng của đa số theo truyền thống quá mạnh.

 

Tại Âu Châu, điều đó có thể làm được, với điều kiện là những nhóm bảo thủ được tiếp tay bởi những nước giầu trong vùng Vịnh không có chỗ đứng lợi thế. Họ xuất khẩu sang Âu Châu một thứ Hồi Giáo không phải là thứ Hồi Giáo mà người Hồi Giáo Âu Châu muốn. Họ kiểm soát nhiều nhà thờ Hồi Giáo (mosquée) do chính họ xây nên, chứ  không phải do từ những người di dân tới đây và những người lãnh đạo tôn giáo thì đến từ  nước Arabie hay một nước Hồi Giáo khác.

 

Zenit :  Đối với cha, Hồi Giáo là một điều tự nhiên. Với tư cách là một người  Kitô Hữu Á Rập, cha có cảm thấy mình có thể đóng vai trò trung gian không ?

 

Cha Samir Khalil Samir : Tôi rất có cảm tình với những người Hồi Giáo. Tôi thuộc về  nền văn hoá này. Tôi là một người Ả Rập Kitô Giáo trong một nền văn hoá Hồi Giáo, nhưng niềm tin của tôi là một niềm tin Kitô Giáo và tôi hài lòng với cả hai điều.

 

Hồi giáo là điều quen thuộc đối với tôi. Những người Á Rập Kitô Giáo chúng tôi đã học  biết những khía cạnh tích cực và tiêu cực của sự chung sống. Chúng tôi cũng có thể  giúp những người Kitô Hữu tây phương hiểu Hồi Giáo một cách trọn vẹn và sống với  tôn giáo này. Chúng tôi là những người trung gian và có thể mang đến những kinh  nghiệm của nhiều thế kỷ qua.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà