Cuốn phim « Cuộc khổ nạn của Đức Kitô » được ra mắt hôm nay tại Pháp

 

 

Paris ngày 31/3/2004

 

Hôm nay là ngày trình chiếu cuốn phim của Mel Gibson, « Cuộc khổ nạn của Đức Kitô » ; cuốn phim đã gây nhiều tranh luận trước khi khán giả toàn cầu được xem. Phim được ra mắt tại Pháp trong hơn năm trăm rạp chiếu bóng, cấm trẻ em dưới 12 tuổi và sau quyết định của toà án tại Paris. Thứ Hai vừa qua, toà án đã bác bỏ đơn xin cấm chiếu phim này vì lý do bài Do Thái. Toà án đã nêu rõ : « Coi cái chết của Đức Giêsu là nguyên cớ chính của sự bài Do Thái dẫn đến những đối xử tàn nhẫn qua nhiều thế kỷ đối với người Do Thái là một cái nhìn hạn hẹp và ngay cả ngớ ngẩn về cuốn phim của Mel Gibson ».

 

Có một mầu sắc scandale trên thế giới từ phim « Cuộc khổ nạn của Đức Kitô » mà nội dung gợi lại 12 giờ cuối cùng trong cuộc đời của Đức Giêsu. Tác phẩm là đối tượng của một cuộc tranh luận hiếm thấy trong phim ảnh. Ngay trước khi bắt đầu được quay tại Rôma, nhiều tin đồn và sự kết án của Hội Chống Lại Sự Xuyên Tạc đã thổi phồng và làm lạc đề cuộc tranh luận.

 

Hôm nay cuốn phim được trình chiếu và người ta có thể nói về nó nếu không một cách thanh thản hơn thì cũng vì được xem tận mắt. Cuộc tranh luận thật sự bắt đầu. Nó vừa mang tính cách thần học, nghệ thuật, chính trị và triết học. Cuốn phim không phải là « lời Phúc Âm », nhưng là một suy niệm riêng tư về Phúc Âm. Một số người thấy phim có quá nhiều bạo động, khát máu, thô kệch, xa vời với Kinh Thánh ; ngược lại một số người, có đạo hay không, lại thấy một cái nhìn sâu thẳm của tư tưởng Kitô Giáo về Sự Dữ và Sự Cứu Chuộc.

 

Người ta có thể tự đặt câu hỏi xem thảm trạng linh thiêng này có thể mang lên hình ảnh và trong mức độ nào, đìều đó hợp lý. Trong bài báo của Gérard Leclerc, ông nhắc lại rằng : « Sự cụ thể hoá bằng hình tượng trong Kitô Giáo cho thấy đến mức độ nào những biến cố liên quan đến Sự Nhập Thể có thể được hình ảnh hoá ». Tuy nhiên, « ý muốn của Mel Gibson không dấu diếm gì về sự kinh hoàng có thể làm cho những người xem không có kiến thức về Kitô Giáo nghĩ rằng đó là lời cuối cùng của Sự Thương Khó và của Thánh Giá ».

 

Về phương diện phim ảnh, cuốn phim của Mel Gibson có một nét trái ngược nhau. Ngoài tính cách đồ sộ và ý chí muốn thật hiện thực làm cho phim có vẻ là phim quá, người ta có thể coi cách đạo diễn vượt trên sự xúc động trực tiếp và dẫn đến một cái nhìn cực mạnh và nguy hiểm về thảm trạng này. Một uỷ ban của Hội Đồng Giám Mục Pháp nhận địng rằng : « Sự thành thực  của nhà đạo diễn thì không thể nghi ngờ (...), nhưng trong cuốn phim này, khuôn mặt của Đức Kitô hiện diện ít hơn là những nỗi phập phồng hiện đại : phập phồng về điều dữ, sự thu hút của bạo động, sự tìm kiếm những tội nhân ». Uỷ ban cũng xác định rằng cuốn phim « thu gọn thông điệp của Phúc Âm một cách đáng đặt nghi vấn ».

 

Nhà phát hành phim tại Pháp, Tarak Ben Ammar, nói rất đúng : « Cuốn phim này không phải là Phúc Âm. Đó là 12 giờ đau khổ của Đức Giêsu theo cái nhìn của Mel Gibson. Cái nhìn này không đại diện cho Toà Thánh Vatican hay những Giáo Hội Kitô Giáo, đó là một cái nhìn rất riêng tư của một người nghệ sĩ ». Hơn nữa trong Giáo Hội có nhiều phản ứng khác nhau. Tại Vatican, ĐHY Castrillon Hoyos, tổng trưởng của bộ các Giáo Sĩ, đã nói : « Tôi ước muốn rằng tất cả các linh mục trên thế giới đều coi phim này ».

 

Bên kia những tranh luận, cuốn phim « Cuộc khổ nạn của Đức Kitô » có giá trị vì nó mở ra cuộc tranh luận siêu hình nền tảng về sự hiện hữu của Sự Dữ, và như diễn viên Maria Morgenstern, người đóng vai mẹ Maria đã nhấn mạnh : « Cuốn phim mời gọi mỗi người hãy suy nghĩ về sự thiếu nhân bản của chúng ta, về tội trạng của tập thể và về bạo động đang hoành hành trên thế giới. Những thành kiến thì rất nhiều và thường vô lý. Cuốn phim tự nó có thể nói và dành cho mọi người, dù là thâm tín nào và tôn giáo nào ».

 


Mel Gibson muốn một sự đóng đinh rất hiện thực
(hình AFP)

Nhật báo LE FIGARO

Lang Biang dịch

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà