Nói chuyện với ĐHY Ratzinger : Kitô Giáo không phải là một thể chế,

nhưng là một sự gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô

 

 

Rôma ngày 10/5/2004

 

ĐHY Joseph Ratzinger, tổng trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin, khẳng định rằng nếu ngày hôm nay, Kitô Giáo không còn được nhìn như một nguồn suối của niềm vui thì điều đó là vì nó được nhận thức như một thể chế chứ không phải như một sự gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô.

 

Trong cuộc nói chuyện với ông Ivan Maffeis, giám đốc tuần báo của địa phận Trente « Vita Trentina », ĐHY Joseph Ratzinger khẳng định : « Tâm điểm của Kitô Giáo là một cuộc gặp gỡ luôn luôn mới, một biến cố nhờ đó mà chúng ta có thể gặp gỡ một Thiên Chúa nói với chúng ta, gần gũi và hiện diện như một người bạn của chúng ta ».

 

Nếu Kitô Giáo không phải là một cuộc gặp gỡ thì nó « hiện ra như một truyền thống xa xưa, với những điều răn xa xưa, một điều gì đó mà chúng ta đã biết và nó không nói thêm điều gì mới mẻ, một thể chế mạnh, một trong những thể chế lớn đè nặng trên vai chúng ta ».

 

« Đi đến điểm nền tảng của sự gặp gỡ riêng tư với Thiên Chúa là điều quan trọng ngay cho ngày hôm nay. Nếu người ta tìm thấy tâm điểm này thì người ta cũng hiểu những điều còn lại ; nhưng nếu biến cố đi vào con tim này không xẩy đến thì những điều khác chỉ là một gánh nặng, gần như một sự phi lý ».

 

ĐHY Ratzinger cũng giải thích rằng còn « nhiều điều » phải học hỏi ở Công Đồng Vatican II : « Tôi thấy rằng một thế hệ khó mà hấp thụ thực sự gia tài của một Công Đồng ».

 

Sau khi nhấn mạnh rằng « trọng tâm của sứ điệp của Công Đồng Vatican II » là « tâm điểm của Đức Kitô » và sự khẩn cấp của một sự tiếp cận « riêng tư » của tôn giáo, ĐHY đã khẳng định rằng « đáng tiếc thay chúng ta thường dừng chân bên những điều hào nhoáng » đến nỗi rằng « tâm điểm của sự riêng tư Kitô Giáo là điều còn phải được khám phá ».

 

Ngài thêm : « Công Đồng muốn chứng tỏ rằng Kitô Giáo không đi ngược lại lý trí hay sự hiện đại nhưng ngược lại nó là nguồn giúp đỡ cho phép lý trí làm việc trong sự toàn diện của nó, không những ở mức độ kỹ thuật mà còn ở mức độ của tri thức nhân bản, đạo đức và tôn giáo  ».

 

Liên quan đến sự mở rộng của Âu châu, tổng trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin xác định rằng những nước thành viên mới là những « nước còn nhiều điều phải làm về phương diện kinh tế, nhưng có thể họ cũng góp phần phát triển một thế giới kinh tế nhân bản hơn và làm Kitô Giáo hiện diện hơn trong cuộc sống của chúng ta và trong Âu châu ».

 

Để kết luận, ĐHY Ratzinger đã gợi đến tương quan giữa người Công Giáo và người Chính Thống Giáo, khẳng định rằng « sự cộng tác giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo đã không luôn dễ dàng » nhưng « dù đó là hai cách thức diễn tả của niềm tin Kitô Giáo đã lớn lên theo những hình thức khác nhau trong lịch sử thì chúng cũng là sinh đôi và phải được đoàn tụ chung lại » và « cho nhau tình bằng hữa Kitô Giáo sâu thẳm ».

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà