Trình bầy với báo chí bản báo cáo tài chánh của Vatican trong năm 2003 :

sự giầu có của Vatican ? một huyền thoại ! ngân quỹ trong đèn đỏ !

 

 

Vatican ngày 8/7/2004

 

ĐHY Sebastiani đã trả lời với nụ cười : “ Sự giầu có của Vatican ? Đó là một huyền thoại ! ”. Ngài đã tranh đấu từ năm 2000 để tình trạng tài chánh của Toà Thánh và của thành Vatican bớt “ trong đèn đỏ ” trong mức độ có thể. Một chương trình thắt lưng buộc bụng đã được thiết lập và sự thiếu hụt tài chánh đã giảm bớt so với năm 2002. Đây là năm thứ ba liên tiếp ngân quỹ bị thiếu hụt.

 

Trong buổi họp báo, câu hỏi của một nhà báo là cơ hội để ĐHY Sergio Sebastiani, chủ tịch bộ kinh tế của Toà Thánh, đính chính một ý tưởng sai lầm khá phổ biến về sự giầu có của Vatican : “ Nếu chúng tôi có nhiều tiền như thế thì chúng tôi không cần ngửa tay để xin giúp đỡ ”. Khoản 1271 của bản giáo luật mới, được phê chuẩn bởi ĐGH Gioan Phaolô II năm 1983, yêu cầu một cách rõ ràng các giáo phận khắp năm châu tham gia đóng góp vào những chi tiêu của Toà Thánh : “ Vì liên hệ của sự hiệp nhất và lòng bác ái, các ĐGM cung cấp cho Toà Thánh, tuỳ theo nguồn tài chánh của giáo phận mình, những phương tiện cần thiết để Toà Thánh có thể phục vụ Giáo Hội toàn cầu. Tuy nhiên sự tham gia của các giáo phận, tu viện, hội đoàn và giáo dân trong năm 2003 suy giảm từ 85,4 triệu dollars xuống 79,6 triệu dollars ( chỉ có quỹ đồng xu thánh Phêrô là tăng lên).     

 

Nếu một vài scandales của một số linh mục tại Hoa Kỳ gây khó khăn tài chánh cho một giáo phận như giáo phận Portland vì số tiền bồi thường phải trả, những đóng góp của giáo dân và các giáo phận Hoa Kỳ cho Toà Thánh vẫn quan trọng nhất (1).

 

Riêng những tác phẩm nghệ thuật mà thành Vatican phải chăm sóc và bảo đảm an ninh, ĐHY Sebastiani xác định rằng chúng không có một giá trị thương mại nào, trái với huyền thoại về sự giầu có của vatican, sự thật thì rất bình thường.

 

Điều gì đã làm ngân quỹ của Vatican rơi vào đèn đỏ mặc dù ĐGH Gioan Phaolô II đã giúp tìm lại mức quân bình ?

 

Những đóng góp quan trọng nhất là bằng dollar, sự mất giá của tiền dollars so với tiền euro (1 euro = 1,26 USD trong tháng 12 năm 2003) làm suy giảm nguồn tài chánh của Toà Thánh mà đồng tiền chính thức là euro. Nếu đồng dollar tăng giá thì hậu quả sẽ ngượi lại...

 

Một lý do khác giải thích sự thiếu hụt trong ba năm liền là sự khủng hoảng thế giới. ĐHY Sebastiani giải thích : “ Như mọi người biết, kinh tế thế giới từ cuối năm 2000 đã bắt đầu có những khó khăn, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi biến cố 9/11 và một chuỗi những khủng bố sau đó, bởi chiến tranh bên Irak và cuộc tranh chấp trường kỳ Do Thái – Palestine. Chỉ từ nửa năm 2003 người ta mới thấy giá cổ phần tăng lại. Tại Âu châu, sự đầu tư vẫn thiếu và nhất là nhu cầu tiêu thụ thì yếu, đồng euro tăng giá, nhất là so với dollar. Bối cảnh này ảnh hưởng đến tình trạng tài chánh của Toà Thánh với một sự thiếu hụt là 9 569 456 euro, tuy nhiên ít hơn so với thiếu hụt của năm trước là 13 506 722 euro ”.

 

Làm sao Toà Thánh giải quyết sự thiếu hụt này ? ĐGY Sebastiani trả lời : “ Bằng cách bù đắp từ tài sản của mình ”.

 

ĐHY Sebastiani cũng xác định rằng vì những thiếu hụt trước đây, toà Vatican đã làm theo những đề nghị của uỷ ban các ĐHY lo vấn đề này, với sự trợ giúp của những người quản lý các giáo phận lớn như New York hay Munich (ngân quỹ của điện Vatican có thể được so sánh với một địa phận lớn), họ mời gọi những người quản lý Rôma làm những điều mà chính họ đã làm để hạn chế những chi tiêu, đặc biệt số người làm việc. Ngài giải thích : “ Những chi tiêu quan trọng nhất liên quan đến việc tăng con số những người làm việc và chúng tôi đã giới hạn tối đa. Những chi tiêu bảo quản cũng thế, chúng tôi đã giới hạn tối đa, đặc biệt là trong 118 toà đại sứ tông đồ trên thế giới ”.

 

Những chi tiêu của Toà Thánh được phân biệt với những chi tiêu của thành Vatican. Riêng về Toà Thánh, ĐHY Sebastiani nhắc lại rằng ngân quỹ này bao gồm tất cả những gì liên quan đến hoạt động của những cơ quan trung ương của Giáo Hội : phủ quốc vụ khanh (hai ngành đối nội và đối ngoại), 9 bộ, 3 toà, 11 uỷ ban giáo hoàng, phòng báo chí Toà Thánh, cơ quan thông tin Vatican, hội đồng các ĐGM, 6 viện hàn lâm giáo hoàng, 118 đại diện Toà thánh trong các quốc gia và cơ quan quốc tế... 

 

Kết quả trong lãnh vực nhà cửa cho mướn lời 22,4 triệu euro mặc dù chi tiêu bảo quản gia tăng. Những dinh thự này đã được nhà nước Ý thời Moussolini nhượng bộ lại cho Giáo Hội qua Hiệp Ước Latran năm 1929 để đền bù lại những tước đoạt của cải của Giáo Hội trong thế kỷ trước đó. Hoạt động hiện nay trong lãnh vực tài chánh của thành Vatican cũng bắt nguồn từ thời đó : tiền đền bù của cải bị tước đoạt. Ông Paolo Trombetta, kế toán trưởng của bộ kinh tế của Toà Thánh, giải thích rằng số tiền được đầu tư nhằm để giữ giá trị của tài sản cho nên lời ít nhưng chắc chắn.  

 

Bản báo cáo tài chánh đã được kiểm soát bởi một uỷ ban kiểm toán quốc tế. ĐHY Sebastiani đã trình bầy với ĐGH Gioan Phaolô II ngày 1 tháng 7 và ngày 6 tháng 7 với Uỷ Ban các ĐHY về những vấn đề cơ cấu và kinh tế của Toà Thánh dưới sự chủ sự của ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch  

 

 

(1) Chú thích của người dịch : theo nguyệt san kinh tế L’ Expansion (số 01/2004), trong năm 2002,  5 Giáo Hội đóng góp cho Toà Thánh lớn nhất là : Giáo Hội Hoa Kỳ (23,5 triệu euro), Giáo Hội Ý (6,4 triệu euro), Giáo Hội Đức (3 triệu euro), Giáo Hội Tây Ban Nha (3 triệu euro) và Giáo Hội Pháp (1,6 triệu euro). 

 

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà