Cuộc nói chuyện với ĐHY Poupard về sự vô tín trên thế giới

 

 

Vatican ngày 25/7/2004

 

ĐHY Poupard, chủ tịch Uỷ Ban Giáo Hoàng về Văn Hoá, đã nhận xét rằng sự vô tín không còn là một hiện tượng giới hạn trong một thiểu số nữa nhưng trở thành một hiện tượng quần chúng; ba nước mà người ta thấy có nhiều người vô tín nhất là Pháp, Bỉ và Hà Lan.

 

Trong cuộc nói chuyện với thông tấn xã Zenit, ĐHY phác hoạ bản đồ những nơi vô tín trên thế giới. Đây là đề tài của Hội nghị của Uỷ Ban Giáo Hoàng về Văn Hoá trong những ngày từ 11 đến 13 tháng ba vừa qua.

 

Ngài giải thích : « Nhiều người nói đến sự trở lại với điều linh thiêng nhưng họ không xác định rằng điều đó có tính cách tôn giáo yếu, không dựa vào một Thượng Đế có chủ thể, một điều có  nhiều xúc cảm hơn là học thuyết. Chúng ta đang chứng kiến sự « phi chủ thể » (dépersonalisation) của Thượng Đế. Có những người tự xưng là Công Giáo nhưng lại không theo sứ điệp của Giáo Hội Công Giáo. Tính cách tôn giáo mới này không trùng hợp với sự trở lại của niềm tin và là một thách thức đối với Kitô Giáo ». 

 

Ngài giải thích rằng sự vô thần tranh đấu suy giảm trên thế giới nhưng lại có hiện tượng vô tín thực tiễn đang phát triển trong những môi trường văn hoá đậm nét tục hoá. Một hình thức văn hoá mà ngài gọi là tân đa thần (néo-paganisme) chủ trương tôn thờ những của cải vật chất, mang tính cách tôn giáo phiếm thần (panthéisme : coi mọi sự là Thượng Đế), phù hợp với những lý thuyết vũ trụ như phong trào Thời Mới (New Age). Rõ ràng là chúng ta phải phân tích hiện tượng này, tiêu biểu cho những văn hoá tục hoá của Tây Phương. 

 

Thưa ĐHY, đâu là những kết quả của sự nghiên cứu ?

 

ĐHY Poupard : Tình cảnh khác nhau theo quốc gia và theo lục địa.

 

Tại Phi Châu, sự vô tín liên quan đến những người có nguồn gốc Âu Châu và rất ảnh hưởng tại các thành phố lớn. Trong một nước như Nam Phi, có đến hơn 6 000 nhà thờ khác nhau, thật khó nói đến sự vô tín.

 

Tại Hoa Kỳ có 1% những người tuyên bố vô thần, 15% những người « không có Giáo Hội ». Phần đông người Hoa Kỳ cầu nguyện, chỉ 1% tuyên bố chưa bao giờ cầu nguyện. Tại Châu Mỹ La Tinh, Cuba là nước duy nhất còn một chính phủ chính thức vô thần. Sự kiện sau 30 năm được giáo dục theo kiểu vô thần, 86% người Cuba tự coi mình có niềm tin là điều rất có ý nghĩa mặc dù những người sống đạo chỉ có 15%. Mễ Tây Cơ là một trường hợp đặc biệt, quốc gia này đã có một chế độ kiểm soát bởi những nhóm chống lại hàng giáo phẩm trong 70 năm trời, nhưng 90% người Mễ Tây Cơ là người công giáo và 100% có lòng tôn sùng Đức Mẹ Guadalupe. Điều này chứng tỏ chiều sâu của cội rễ tôn giáo của quần chúng. Tại Trung Mỹ, lòng tôn sùng của người dân đủ sức mạnh để chống lại những cám dỗ của lối sống tục hoá.

 

Tại Ba Tây, nơi có đông đảo người công giáo nhất thế giới, có sự chuyển tiếp của những người có đạo từ Giáo Hội Công Giáo sang những nhóm Kitô Giáo khác. Trong những năm 50, 93,5% dân số là người công giáo. Hiện nay là 73,8%. Trong thời gian này, những người Kitô Giáo khác từ 0,5% tăng lên đến 15%.

 

Tại Argentine, 4% dân số tuyên bố vô thần và 12% tuyên bố theo bất khả tri thuyết (agnosticisme).

 

Tại Á Châu, tình trạng rất khác biệt như một giám mục á châu đã nói : « không có hiện tượng vô tín bởi vì ở đây không có niềm tin nào ». Thí dụ như tại Nhật đúng là một siêu thị về những tôn giáo. Nếu người ta tổng kết hết những người theo Thần Đạo (shintoisme), Đạo Lão (taoisme), Phật Giáo và Kitô Giáo thì người ta đạt tới 125% bởi vì nhiều người khẳng định thuộc về nhiều tôn giáo. Tại Phi Luật Tân, quốc gia Á Châu duy nhất có phần đông là người Kitô Giáo, 82,9% là người công giáo, 4,57% là người hồi giáo và chỉ có 0,3% tuyên bố không theo tôn giáo nào. Hàn Quốc là một nước đáng chú ý với một số người trở lại đạo công giáo đông nhất.

 

Nhưng ở đâu người ta thấy hiện tượng vô tín nhiều ?


ĐHY Poupard : Điều đau buồn đến từ Âu Châu với nhiều khác biệt quan trọng giữa các vùng Địa Trung Hải, Trung Âu và Bắc Âu. Tại Ý, 4% tuyên bố vô thần, 14% không coi trọng, phần đông có đạo dù sự tham gia vào đời sống Giáo Hội không đều đặn.

 
Tại Tây Ban Nha, một tiến trình huỷ hoại văn hoá và tôn giáo đang hoành hành với sự ủng hộ của những chính quyền có khuynh hướng xã hội.

 

Tại Tây Âu, ba nước có đông dân cư tuyên bố không có đạo nhất là Bỉ với 37%, Pháp với 43% và Hà Lan với 54%. Pháp là quốc gia có số người tuyên bố vô thần nhiều nhất : 14%.

 

Tại Anh quốc, 77% tuyên bố là Kitô Giáo, những người theo Anh giáo là phần đông nhưng nếu xét theo sự sống đạo, người công giáo đông hơn. 14% tuyên bố không có tôn giáo nào.

 

Trong những nước Bắc Âu (Islande, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy), người công giáo là một thiểu số nhưng gia tăng với những di dân gốc Phi Luật Tân và Đại Hàn. Tại Đan Mạch, 11% tuyên bố không theo tôn giáo nào, 11,6% tại Na Uy, 12,7% tại Phần Lan. Những nước này vừa có hiện tượng tục hoá vừa có hiện tượng tôn trọng thiên nhiên bắt nguồn từ những nguyên do thế tục coi thiên nhiên là điều linh thiêng.  

 

Tại Đức, 60% người Đông Đức tuyên bố không theo tôn giáo nào và con số người Tây Đức vô tín chỉ có 15%, nhất là trong những thành phố lớn.

 

Tại Ba Lan, rất ít có người vô tín nhưng chủ nghĩa vật chất của xã hội tiêu thụ đang thay thế chủ nghĩa vật chất mácxít và đó là ưu tư lớn.

 

Tại Hongrie, chỉ có 887 người tuyên bố vô thần trên dân số 10 triệu người, nhưng phần đông sống đạo theo cách riêng của mình. Tại Cộng Hoà Tchèque, nửa dân số tuyên bố vô thần hay không có đạo, nhưng nước Slovaquie thì theo Công Giáo.

 

Trong những nước phần đông Hồi Giáo thì những thống kê không đáng tin mấy, bởi vì nếu một người dù vô tín, họ không thể nói ra điều đó.  

 

Thưa ĐHY, kết luận của nghiên cứu này là gì ?

 

ĐHY Poupard : sự vô thần tranh đấu suy giảm. Sự vô tín không tăng trên thế giới, trừ trong những nước có khuôn mẫu văn hoá tục hoá. Sự thờ ơ tôn giáo dưới dạng vô thần thực tiễn gia tăng. Dưới khía cạnh mục vụ, điều đáng lo nhất là sự vô thần (athéisme) và vô tín (non croyance) cũng phát triển nơi nữ giới. Từ bao ngàn năm qua, niềm tin được thông truyền trong gia đình qua người mẹ, nhưng hiện nay có một khúc gẫy. Và sự kiện mới là con người thờ ơ xuất hiện : một người có thể tin mà không có lệ thuộc nào và lệ thuộc mà không thực hành. Con số người tuyên bố theo đạo nhưng không tham gia trong Giáo Hội và tin vào một số những thực hành gần như ảo thuật gia tăng.


Theo ĐHY, có những dấu chỉ hy vọng trong Giáo Hội Công Giáo không ?

 

ĐHY Poupard : Điều đó là chắc chắn. Tôi nghĩ đến những phong trào tôn giáo đã lớn mạnh trên thế giới từ một phần tư thế kỷ cả về con số lẫn sự thâm sâu tinh thần. Đó là một phản ứng sống qua Chúa Thánh Thần để chống lại nền văn hoá tục hoá. Trong một lúc mà dường như có sự tan rã, những phong trào này cho thấy một ý nghĩa mạnh về nhóm và chứng tỏ một tinh thần tôn giáo ăn rễ sâu trong sự gặp gỡ riêng tư và qua Giáo Hội với Đức Kitô : qua những bí tích của niềm tin cũng như trong lời cầu nguyện, trong nghi thức, trong việc cử hành thánh lễ, tất cả trở thành sự tham dự vào mầu nhiệm của Thiên Chúa sống động.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch 

 

 

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà