Tài liệu về sự cộng tác của nam giới và nữ giới

 

 

Vatican ngày 31/7/2004

 

Tập tài liệu của Bộ Tín Lý và Đức Tin với tựa đề « Thư gửi các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo về sự cộng tác của nam giới và nữ giới trong Giáo Hội và trên thế giới » đã được công bố hôm nay. Tài liệu này đề ngày 31 tháng 5, bằng những tiếng : Đức, Anh, Tân Ban Nha, Pháp, Ý, Ba Lan và Bồ Đào Nha. ĐGH đã chấp nhận bản văn này trong một cuộc yết kiến dành cho ĐHY Joseph Ratzinger và đã chỉ thị việc ấn hành.

 

Bản văn gồm 37 trang, bao gồm phần dẫn nhập, phần kết luận và bốn chương với tựa đề sau : « Vấn đề », « Những dữ kiện chính của nhân chủng học Kinh Thánh », « Những giá trị nữ giới hiện đại trong đời sống của xã hội », « Những giá trị nữ giới hiện đại trong đời sống của Giáo Hội ». Đức cha Angelo Amato, thư ký của Bộ, đã chú thích tài liệu trong cuộc phỏng vấn tại đài Radio Vatican mà chúng tôi đề nghị những đoạn trích sau.

 

Radio Vatican : Sau những bản văn giáo hoàng Mulieres Dignitatem (15/8/1988) và Thư cho Nữ giới (29/6/1995), tài liệu này của Bộ Tín Lý và Đức Tin mang lại điều gì mới mẻ ?

 

Đức cha Amato : Điều mới mẻ là câu trả lời về hai khuynh hướng của nền văn hoá hiện đại. Khuynh hướng thứ nhất nhấn mạnh đến điều kiện lệ thuộc của nữ giới, theo đó để là chính mình, nữ giới phải đối lập với nam giới. Người ta hạn định một sự đối nghịch quá khích như thế giữa hai giới tính, bản chất và chỗ đứng của giới này trái nghịch với giới kia. Để tránh sự đối nghịch này, khuynh hướng thứ hai nhắm xoá bỏ những khác biệt nam nữ. Sự khác biệt cơ thể về dục tính được coi nhẹ như hậu quả đơn giản của điều kiện xã hội–văn hoá và do đó nhấn mạnh thái quá chiều kích thuần văn hoá của nó. Từ đó xuất phát sự phản đối chống lại cơ cấu tự nhiên của gia đình gồm người cha và người mẹ, sự chấp nhận coi như ngang nhau sự đồng dục (homosexualité) và khác dục (hétérosexualité), sự đề nghị một dục tính đa dạng (sexualité polymorphe).

   

Radio Vatican : Khuynh hướng cuối này được giải thích ra sao ?

 

Đức cha Amato : Dục tính đa dạng nảy sinh từ ý tưởng cho rằng bản chất con người không có những tính chất quyết định tuyệt đối về phái tính. Mỗi người, trên mọi tiền định sinh học, có thể lựa chọn là đàn ông hay đàn bà. Trước một sai lầm như thế, Giáo Hội nhắc nhở một vài khía cạnh chính của nhân chủng học Kitô giáo được dựa trên mạc khải của Sách Thánh.

 

Radio Vatican : Sách Thánh nói gì về vấn đề này ?

 

Đức cha Amato : Phần lớn của tài liệu phản ảnh suy tư trong những bản văn của Sách Thánh liên quan đến sự sáng tạo người nam và người nữ. Bản văn đầu tiên trong sách Sáng Thế Ký (1,1-24) mô tả quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa, từ sự hỗn độn, Ngài tạo nên ánh sáng và đêm tối, biển cả và trái đất, cây cối và động vật để cuối cùng tạo nên con người. « Người nam và người nữ được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa ». Bản văn thứ hai về sự sáng tạo (2,4-25) khẳng định tầm quan trọng nền tảng của sự khác biệt phái tính. Thiên Chúa đặt bên Adam người nữ được tạo thành từ xác thịt ông và cùng có sự huyền nhiệm. 

 

Radio Vatican : Điều này có nghĩa là gì ?

 

Đức cha Amato : Kinh Thánh cung cấp ba dấu chỉ quan trọng. Con người là một chủ thể, bình đẳng giữa nam và nữ trong tương quan bổ túc nhau. Điều thứ hai là thân xác con người, được đánh dấu bằng nam tính và nữ tính, được mời gọi chung sống trong sự hiến tặng cho nhau. Bởi thế hôn nhân là chiều kích đầu tiên và nền tảng của ơn gọi này. Điều thứ ba là mặc dù bị đe doạ bởi tội lỗi, trạng huống nguyên thuỷ này của Đấng Tạo Hoá sẽ không bao giờ có thể được huỷ bỏ. Nhân chủng học Kinh Thánh gợi ý một cái nhìn trong tương quan chứ không phải trong cạnh tranh giữa nam giới và nữ giới, trong riêng tư cũng như nơi công cộng.

 

Radio Vatican : Có những dấu chỉ khác của Kinh Thánh không ?

 

Đức cha Amato : Tài liệu này cũng cống hiến những ý tưởng thần học về ơn cứu chuộc. Thí dụ trong Cựu Ước, ơn cứu chuộc bao gồm sự tham gia của nam giới và nữ giới qua biểu tượng vợ chồng hay sự liên kết. Trong Tân Ước, Đức Maria biểu hiệu cho Israel-phu nhân đang chờ ngày cứu chuộc và Đức Giêsu như tình yêu của Thiên Chúa đối với dân của Ngài, giống như tình yêu của người chồng đối với vợ mình. Thánh Phaolô khai triển ý nghĩa hôn nhân của ơn cứu chuộc bằng cách trình bầy đời sống Kitô hữu như một mầu nhiệm hôn nhân giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Trong mầu nhiệm này, vợ chồng người Kitô giáo có thể chung sống trong tình yêu và chung thuỷ mặc dù tội lỗi và những hậu quả của nó. Bởi thế người nam và người nữ khác nhau không phải như thù địch hay đối chọi, nhưng như hài hoà và cộng tác.

 

Radio Vatican : Đâu là những đóng góp của nữ giới trong đời sống xã hội ?

 

Đức cha Amato : Khác với nam giới, nữ giới có một bản năng hướng về tha nhân, một loại trực giác do từ khả năng cơ thể có thể sinh đẻ giúp họ có khuynh hướng bảo vệ và nuôi dưỡng tha nhân. Đó là điều thiên phú của người phụ nữ giúp họ mau trưởng thành, biết trách nhiệm, tôn trọng những điều cụ thể và chống lại sự hằn thù. Những đức tính này làm người nữ hoạt bát trong gia đình và trong xã hội, đem lại những giải đáp và nhiều khi còn canh tân trong lãnh vực xã hội-kinh tế.

 

Radio Vatican : Làm sau dung hoà được người nữ, việc làm và vai trò trong gia đình ?

 

Đức cha Amato : Đó là một vấn đề rất quan trọng. Xã hội phải đánh giá một cách thận trọng công việc mà người nữ làm trong gia đình và trong việc dậy dỗ con cái, cũng như sự nhìn nhận giá trị xã hội và kinh tế của chúng.

 

Radio Vatican : Sự đóng góp của nữ giới trong đời sống Giáo Hội hiện nay ra sao ?

 

Đức cha Amato : Chỗ đứng của người phụ nữ trong Giáo Hội chưa bao giờ trọng điểm và phong phú như hôm nay. Từ lúc đầu, Giáo Hội đã tự coi mình như cộng đồng được liên kết với Đức Kitô bằng tình yêu. Là phu nhân của Đức Kitô, Giáo Hội đã luôn nhìn Mẹ Maria như người mẹ gương mẫu của mình. Theo gương Mẹ Maria luôn sẵn sàng lắng nghe, đón nhận, khiêm nhường, trung tín, tán tụng và chờ đợi, Giáo Hội luôn đi bên cạnh Israel. Đó là thái độ chung của những người được thanh tẩy, nhưng người nữ sống điều đó một cách mãnh liệt hơn. Họ đóng một vai trò tối quan trọng trong Giáo Hội bởi vì họ là gương mẫu Kitô giáo về tình yêu của người vợ đối với người chồng. Họ cho thấy theo cách thức độc nhất của họ rằng Giáo Hội là mẹ của những người Kitô giáo.

 

Radio Vatican : Và để kết luận ?

 

Đức cha Amato : Hai sứ điệp : khám phá lại và hoán cải. Phải khám phá lại nhân phẩm chung của nam giới và nữ giới trong sự nhìn nhận song phương và sự cộng tác. Nam giới và nữ giới phải trở lại với bản thể nguyên thuỷ của mình, đó là những hình ảnh của Thiên Chúa, mỗi giới theo ân sủng riêng của mình.

 

Phần dẫn nhập của bức thư xác định : « chuyên gia về nhân bản, Giáo Hội đã luôn luôn chú ý đến những gì liên quan đến nam giới và nữ giới. Trong thời gian gần đây đã có nhiều suy tư về nhân phẩm của người nữ, những quyền và những bổn phận của họ trong các lãnh vực của đời sống xã hội và tôn giáo. Giáo Hội đã góp phần đào sâu đề tài nền tảng này, đặc biệt qua huấn từ của ĐGH Gioan Phaolô II; ngày hôm nay, Giáo Hội đứng trước một số trào lưu tư tưởng thường không trùng hợp với những viễn tượng chính đáng của sự đề cao nữ giới. Sau một sự trình bầy ngắn gọn và một sự ước lượng có tính cách phán đoán về một số ý niệm nhân chủng học hiện đại, tài liệu này nhằm đề nghị những suy tư được hứng theo những dữ kiện lý thuyết của nhân chủng học Kinh Thánh, đưa ra một ý niệm đúng đắn về sự cộng tác tích cực giữa nam giới và nữ giới trong Giáo Hội và trên thế giới, với sự nhìn nhận những khác biệt giữa hai phái. Mặt khác, những suy tư này được coi như bước khởi đầu của sự đào sâu tìm hiểu trong Giáo Hội và sự thiết lập những đối thoại với những người nam và người nữ có thiện chí, trong sự tìm kiếm sự thật một cách chân thành và nhằm tới sự dấn thân chung để xây dựng những tương quan luôn luôn chính đáng hơn ». 

 

 

Vatican Information Service

Lang Biang dịch

 

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà