Bốn thách thức lớn của nhân loại theo ĐGH : sự sống, bánh ăn, hoà bình, tự do

 

 

Vatican ngày 10/1/2005

 

Sáng hôm nay, trong buổi gặp gỡ truyền thống đầu năm với các đại sứ của 174 nước có tương quan ngoại giao với Toà Thánh, ĐGH Gioan Phaolô II đã trình bầy một bản phân tích dài về sự sống, bánh ăn, hoà bình và tự do. Ngài nhận định rằng đó là bốn thách thức lớn mà nhân loại phải đối đầu hiện nay.

 

Sự sống và gia đình

 

Theo ngài, thách thức đầu tiên là sự sống. Nhà Nước phải có nhiệm vụ bảo vệ và đề cao sự sống con người và điều càng ngày càng quan trọng là lúc bắt đầu của sự sống con người, lúc mà con người yếu đuối nhất và cần được bảo vệ nhất. Quan điểm của Giáo Hội dựa trên lý trí và khoa học thì rõ ràng : bào thai con người là một chủ thể như một trẻ em sẽ được sinh ra và như một trẻ em đã sinh ra từ bào thai này. Bởi thế, những gì làm tổn thương đến tính cách trọn vẹn và nhân phẩm thì không thể chấp nhận được trên lãnh vực đạo đức. Một sự nghiên cứu khoa học coi bào thai như một thứ vật trong phòng thí nghiệm thì không xứng đáng với con người. Sự nghiên cứu khoa học trong lãnh vực sinh học cần phải được khích lệ và đề cao, nhưng cũng như các hoạt động khác của con người, nó không thể tách rời khỏi những mệnh lệnh đạo đức.

 

Ngài giải thích rằng thách thức của sự sống cũng thể hiện trong cái cốt yếu của sự sống là gia đình, thường bị đe doạ hiện nay bởi những yếu tố xã hội và văn hoá làm gia đình trở nên không vững chắc. Trong một số nước, gia đình cũng bị đe doạ bởi một nền luật pháp làm tổn thương đến cơ cấu tự nhiên của nó : sự kết hợp giữa người nam và người nữ dựa trên hôn nhân. Gia đình là nguồn gốc phong phú của sự sống, điều kiện căn bản của hạnh phúc vợ chồng, sự giáo dục con cái và hạnh phúc sống xã hội và ngay cả sự phồn thịnh vật chất của quốc gia. ĐGH ước mong một quan niệm chính đáng, tinh khiết về tình yêu nhân loại mà gia đình là biểu hiệu nền tảng.

 

Bánh ăn

 

Thách thức thứ hai là « bánh ăn ». ĐGH nhấn mạnh rằng hằng trăm triệu người bị thiếu ăn trầm trọng và hằng năm hằng triệu trẻ em chết vì đói và hậu quả của nó. Ngài nhìn nhận rằng rất nhiều sáng kiến chống nạn đói đã được thiết lập, nhưng điều đó chưa đủ. Để trả lời cho sự cần thiết này, cần phải có một sự vận động mạnh mẽ trong quần chúng và nhất là những nhà lãnh đạo chính trị, đặc biệt trong những nước có một trình độ sống thoả đáng và giầu có. Ngài xác định : « Tôi muốn nhắc lại một nguyên tắc quan trọng của Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội, đó là nguyên tắc về tính chất sở hữu phổ quát của những sản phẩm của trái đất. Nguyên tắc này không thể biện minh cho những hình thức tập thể của chính sách kinh tế, nhưng nó phải động viên một sự dấn thân thật sự cho công lý và một cố gắng liên đới cam quyết hơn. Đó là sự lành có thể chiến thắng sự dữ của sự đói khát và sự nghèo nàn bất công ».

 

Hoà bình

 

Hoà bình là thách thức thứ ba. ĐGH kêu lên rằng hiện nay còn bao nhiêu chiến tranh và xung đột đẫm máu nữa ! Từ đầu này đến đầu kia của trái đất, chúng đã tạo ra bao nhiêu nạn nhân vô tội và là nguồn gốc của bao nhiêu điều dữ khác. Thêm vào đó là hiện tượng tàn nhẫn vô nhân đạo của nạn khủng bố, một nạn có chiều kích toàn thế giới mà bao thế hệ chưa thấy. Ngài khẳng định : « Như những vị tiền nhiệm, chính tôi đã can thiệp một cách công khai nhiều lần, đặc biệt bằng sứ điệp hằng năm Ngày Thế Giới Hoà Bình cũng như qua hoạt động ngoại giao của Toà Thánh. Tôi tiếp tục làm điều đó để chỉ lối hoà bình và để mời gọi dấn thân với can đảm và kiên nhẫn : chúng ta phải lấy lý trí đối đầu với ý chí quyền lực, sự đối thoại để đối đầu với sự xung đột bằng sức mạnh, bàn tay ngửa ra đối đầu với vũ khí hăm he, sự lành đối đầu với sự dữ. Nhưng để có một nền hoà bình thực sự và lâu bền trên tráo đất đẫm máu, cần phài có một lực lượng hoà bình không lùi bước trước một khó khăn nào. Đó là một lực lượng mà con người tự mình không thể có và giữ được. Đó là một món quà của Thượng Đế. Ngài yêu thương con người và muốn hoà bình cho con người. Chúng ta được mời gọi trở nên những khí cụ tích cực làm sự lành chiến thắng sự dữ ».

 

Tự do, đặc biệt tự do tôn giáo

 

Thách thức thứ tư mà ĐGH đề cập đến là tự do, đặc biệt tự do tôn giáo. Ngài giải thích : « Tự do tôn giáo nằm sâu trong lòng tự do của con người, bởi vì nó liên quan đến tương quan căn bản nhất của con người là tương quan với Thượng Đế. Người ta không nên sợ rằng tự do tôn giáo đúng đắn giới hạn những tự do khác hay làm xấu những tương quan trong xã hội. Trái lại, nhờ tự do tôn giáo mà các tự do khác phát triển, bởi vì tự do là một điều lành không thể chia cắt, nó thuộc về bản vị và nhân phẩm con người. Người ta cũng đừng sợ rằng tự do tôn giáo, một khi đã được nhìn nhận đối với Giáo Hội Công Giáo, dẫm chân lên tự do chính trị và thẩm quyền đặc biệt của Nhà Nước. Giáo Hội biết phân biệt, đó là một bổn phận, điều thuộc về César và điều thuộc về Thiên Chúa (Mt 22,21). Giáo Hội cộng tác tích cực cho ích lợi chung của xã hội, bởi vì Giáo Hội không chấp nhận điều dối trá và giáo dục sự thật, kết án hận thù và sự khinh miệt và mời gọi tình huynh đệ, Giáo Hội luôn đề cao mọi nơi, như điều đó dễ thấy trong lịch sử, những công việc bác ái, những khoa học và nghệ thuật. Tự do thực sự luôn là để chiến thắng sự dữ bằng sự lành ».

 

ĐGH đã đọc đoạn đầu và đoạn cuối của bài diễn văn dài. Ngài đã để một trong những cộng sự viên của ngài đọc phần còn lại. Sau đó ĐGH đã đích thân chào tất cả các vị đại sứ và thân quyến của họ.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục