ĐGH Bênêđictô XVI và 7 di sản

(phần 1)

 

 

Rôma ngày 24/10/2005

 

Tựa đề “ ĐGH Bênêđictô XVI và 7 di sản ” là tựa đề của cuốn sách của ông Alain de Penanster nói về triều giáo hoàng (Editions CLD, Tours, 228 trang, 18 euro), trong đó ông phân tích 7 di sản của ĐGH Gioan Phaolô II để lại cho những vị kế vị. Zenit đã có một cuộc phỏng vấn với ông.

 

Zenit : Lại một cuốn sách nữa nói về ĐGH Bênêđictô XVI...  

 

A. de Penanster : Sai ! Đây là một cuốn sách về triều giáo hoàng. Nó cho thấy làm sao những nhân vật khác nhau bảo đảm sự liên tục của sứ vụ giáo hoàng, mỗi vị với tài năng của mình.

 

Zenit : Nhưng thẩm quyền của ông là gì để viết về triều giáo hoàng ?

 

A. de Penanster : Tôi đã được chính thức chấp nhận làm việc với văn phòng báo chí Vatican trong vòng 15 năm. Tôi đã tháp tùng 26 lần những cuộc hành hương của ĐGH Gioan Phaolô II trên thế giới. Tôi đã thường gặp ĐGH tương lai Bênêđictô XVI. Tại Pháp, tôi là chủ tịch của hội chuyên nghiệp những nhà báo chuyên về thông tin tôn giáo (AJIR).

 

Zenit : Nhưng cuốn sách của ông có gì đặc biệt không ?

 

A. de Penanster : Cuốn sách bắt đầu từ giai đoạn chuyển tiếp giữa hai triều giáo hoàng mà chúng ta tham gia. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của triều giáo hoàng của ĐGH Bênêđictô XVI. Nhưng chúng ta cũng vẫn đứng trước sự chiếu dọi của ĐGH Gioan Phaolô II. Triều giáo hoàng của ngài đã rất lớn lao vì thời gian (26,5 năm) và vì sức mạnh của nó. Cuốn sách chọn 7 di sản tinh thần của ĐGH Gioan Phaolô II để lại cho những vị kế vị.

 

Zenit : Tại sao 7 ? Có phải vì đó là một con số trong Kinh Thánh không ?

 

A. de Penanster : Không chỉ vậy. 12 cũng là một con số trong Kinh Thánh. Nhưng tôi muốn tập trung sự chú ý của người đọc đến 7 lãnh vực quan trọng. Điều đó như thế là đủ.

 

Zenit : Đó có phải là một sự lựa chọn độc đoán không ?

 

A. de Penanster : Như mọi lựa chọn ! Trong triều giáo hoàng phức tạp và phong phú của ĐGH Gioan Phaolô II, tôi phân biệt 7 đường hướng mạnh. Hơn nữa bản tổng hợp đang là mốt hiện nay. Nó giúp những người đọc bận rộn hay sợ những cuốn sách dầy đặc nói về ĐGH Gioan Phaolô II. Hay đơn giản hơn nữa là việc đọc những văn bản của ngài.   

 

Zenit : Trước khi nói về những di sản của ĐGH Gioan Phaolô II, người ta có thể tự đặt một câu hỏi. Vì ông thông hiểu những vấn đề của Giáo Hội, tại sao ông không bàn về tương lai có hơn không ? Những công trường lớn ? Về trách nhiệm lớn lao đang đợi ĐGH Bênêđictô XVI ?

 

A. de Penanster : Bởi vì tôi không tự phụ có thể diễn tả những quan điểm của Thiên Chúa về những cải cách phải làm trong Giáo hội. Chính ĐGH Bênêđictô XVI đã nói ngài không có chương trình điều hành Giáo Hội. Ngài muốn cùng toàn thể Giáo Hội lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn của Ngài hướng dẫn Giáo Hội. Tôi muốn có cùng thái độ như thế đối với Thánh Linh. Những văn sĩ kiên quyết bàn về những « công trường lớn của Giáo Hội » thường dễ đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa. Họ trình bầy những cải cách mà họ thích và mời gọi ĐGH thực hiện chúng. Thường đó là những cải cách liên quan đến đạo đức hay kỷ luật của các giáo sĩ. Sau đó cách thức của những điều xẩy ra không bao giờ giống như chúng ta tưởng tượng. Từ đó những vị tiên tri này cho là mình bị hiểu lầm và đổ trách nhiệm cho ĐGH về những ảo tưởng của họ. Tôi không tự nhận mình là một tiên tri hay người coi bói. Tôi phân tích những sự kiện đã qua và đang diễn ra và cố gắng vạch ra ý nghĩa của chúng. Nhưng tôi tránh đề nghị với độc giả những lời tiên đoán hay những bài học đạo đức.

 

Zenit : Tuy nhiên ông đã cho ý kiến độc giả « đừng làm điều xấu để nhắm tới điều thiện ».

 

A. de Penanster : Điều đó không phải là tôi nói. Đó là một trích dẫn từ « Veritatis Splendor ».

 

Zenit : Những khác biệt chính nào ông thấy giữa hai vị giáo hoàng ?

 

A. de Penanster : Tôi thấy hai khác biệt. Khác biệt thứ nhất là ĐGH Bênêđictô XVI được bầu ở tuổi 78 trong khi ĐGH Gioan Phaolô II được bầu vào tuổi 58. Ngài có thời gian với ngài. Ngài đã có thể can thiệp vào nhiều lãnh vực khác biệt và phản ứng theo sự tiến triển của chúng. ĐGH Bênêđictô XVI biết ngài có ít thời gian với mình. Do đó ngài tập trung vào điều thiết yếu. Ngài có thể đơn giản hoá những viễn tượng và trao một số trách nhiệm theo nguyên tắc bổ trợ : điều mà một cộng sự viên của ngài có thể làm là một gánh nặng bớt cho ngài. Chính ĐHY Ratzinger đã là người chủ sự của bản « Giáo lý của Giáo Hội công giáo. Tổng hợp » mà bản Pháp ngữ đã được xuất bản vào tháng chín 2005. ĐGH Gioan Phaolô II là nguồn gốc của bản « Giáo lý của Giáo Hội công giáo » dầy 900 trang. Nhưng sau đó ngài đã yêu cầu ĐHY Ratzinger điều hành việc soạn thảo một bản tổng hợp xúc tích và dễ hiểu hơn. ĐGH Bênêđictô XVI đã tham gia vào việc soạn thảo di sản này và trở thành vị đầu tiên được hưởng với tư cách là đức giáo hoàng.

 

Zenit : Khác biệt thứ hai là gì thưa ông ?

 

A. de Penanster : Đó là sự đối nghịch trong style của hai vị trước những cuộc tụ họp của đám đông. Một cách tự nhiên, ĐGH Gioan Phaolô II tự hoà mình với sứ điệp mà ngài muốn loan truyền. Ngài làm điều đó với một sự hiện diện rất đặc biệt. Câu nói của ông Marshall MC Luhan người canada « người mang sứ điệp chính là sứ điệp » có thể được áp dụng cho ngài. Trái lại nó không áp dụng cho ĐGH Bênêđictô XVI vì ngài tìm cách xoá cá nhân mình đằng sau sứ điệp. Những người tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne đã cảm thấy rõ sự khiêm nhường này. 

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch




Về Trang Mục Lục