Việt Nam : Một cộng đồng kitô giáo tích cực và linh hoạt trong xã hội

 

 

Rôma ngày 22/11/2005

 

ĐHY Sepe nhận định rằng địa phận mới được ĐGH Bênêđictô XVI cho phép thành lập tại Việt Nam là lần đầu tiên từ 30 năm qua. Điều này chứng tỏ rằng cộng đồng công giáo tại đây rất linh hoạt và tích cực trong xã hội của quốc gia này.

 

ĐHY tổng trưởng Bộ Truyền Giáo Crescenzio Sepe sẽ du hành tới Việt Nam vào chủ nhật tới. Trên đài Radio Vatican hôm nay, ngài nhấn mạnh đến ý nghĩa của sự thiết lập một địa phận mới và của cuộc viếng thăm của ngài tại Việt Nam.

 

Địa phận mới có tên là Bà Rịa hiện nay thuộc địa phận Xuân Lộc. Địa phận mới bao gồm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu với dân số hơn 900 000 người, trong đó có khoảng 224 000 người công giáo, 78 giáo xứ, 91 linh mục triều và dòng, 61 chủng sinh và 598 tu sĩ nam nữ.

 

ĐHY nói : « Sự thiết lập một địa phận mới luôn luôn là một dấu chỉ của sức sống của cộng đồng kitô giáo, của sự lan rộng và do đó cần phải có một vị chủ chăn tại chỗ. Một mặt các giáo phận mẹ có một lãnh thổ rất lớn và thường có những khó khăn về thông tin, mặt khác sự hiện diện tích cực hơn của một giám mục mới chắc chắn sẽ nuôi dưỡng hơn đời sống kitô giáo của người dân. Đó là điều xẩy ra mỗi khi chúng tôi thiết lập những địa phận mới tại Á châu, Phi châu, Mỹ châu... Trường hợp địa phận Bà Rịa thì rất đặc biệt, bởi vì trong tương lai người ta có thể dự đoán sự chia cắt các địa phận khác mà sự hiện diện của một giám mục là điều cần thiết ».

 

ĐHY Sepe cũng khẳng định tương quan tốt hơn giữa Giáo Hội và Nhà Nước Việt Nam. Ngài nói : « Đó là một dấu chỉ rất tích cực và là biểu hiệu của sự cởi mở của chính quyền đối với thực tại kitô giáo sống động và đang trở thành tiên phong của đời sống tôn giáo cũng như đời sống xã hội tại Việt Nam ». Ngài nhấn mạnh : « Đó là một cộng đồng rất tích cực, rất linh hoạt. Người ta có thể thấy những thống kê về ơn gọi, về các chủng viện đã đầy và cần có thêm cơ sở mới để có thể đáp ứng những đơn xin ; một sự tham dự các bí tích và vào đời sống của Giáo Hội ở một phần trăm rất cao, điều mà người ta không còn thấy tại Âu châu ; sự linh động của đời sống tu trì với các nhà dòng mới; một khía cạnh rất đẹp là chiều kích truyền giáo của người kitô hữu việt nam, ngày hôm nay họ có thể gửi các linh mục và tu sĩ cũng như ngay cả giáo dân đến các nước lánh giềng để truyền giáo : Cam Bốt, Lào, Miến Điện... ». 

 

Về cuộc thăm viếng Việt Nam, ĐHY Sepe thổ lộ : « Mục đích luôn luôn là một mỗi khi tôi thăm viếng một Giáo Hội trong những vùng truyền giáo, đó là mục đích mục vụ, bởi vì đó là sự tiếp xúc với Giáo Hội này, cho họ cảm thấy sự hiện diện của ĐTC và Giáo Hội phổ quát, khuyến khích họ lớn lên và sống niềm tin kitô giáo với lòng hăng hái như các quốc gia mà Kitô giáo thật sự được sống một cách sâu xa. Do đó mục vụ theo nghĩa là tôi sẽ tiếp xúc với các giám mục, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các giáo dân, các bạn trẻ và các gia đình. Đó là cách để nói với họ rằng ĐGH và Giáo Hội sống với họ và để gợi lên trong họ nhiều nhiệt thành hơn để sống niềm tin kitô giáo với niềm vui, lòng hăng hái và tự hào »

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục