ĐGH Gioan Phaolô II đã qua đời

 

 

Phát ngôn viên của Toà Thánh, ông Joaquin Navarro-Valls đã loan báo rằng ĐGH Gioan Phaolô II đã qua đời tại Vatican thọ 84 tuổi sau một thời gian hấp hối dài : « ĐTC đã chết tối nay lúc 21 giờ 37 phút trong phòng của ngài ». Ông thêm : « Tất cả những dự liệu trong Hiến Chương Tông Đồ « Universi Dominici Gregis » được công bố bởi ĐGH Giaon Phaolô II sẽ được áp dụng ».

 

Cái chết của ĐGH đã được loan báo với đám đông quy tụ tại Công Trường Thánh Phêrô đã bắt đầu cầu nguyện từ 21 giờ do ĐHY Camillo Ruini, cha phó của ĐTC tại Rôma chủ sự theo như truyền thống. Gần 60 ngàn người tham gia vào buổi cầu nguyện này và nhiều người đã không cầm được nước mắt khi tin buồn được loan báo. Nỗi đau đớn hiện rõ trên khuôn mặt của nhiều tín hữu và tu sĩ. ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano sau đó đã đến công trường và hát bài De Profundis. Một sự thinh lặng vụt đến trên Công Trường Thánh Phêrô khi những tiếng chuông các nhà thờ tại Rôma vang lên. Chuông đồng lớn tại Thánh Đường Thánh Phêrô vang lên báo tin buồn.

 

Một giáo dân phát biểu : « Tôi cảm thấy một sư ớn lạnh trong người. Chúng tôi đã được chuẩn bị, nhưng mọi sự như một ảo tưởng ».

 

ĐGH điều hành Giáo Hội trong hơn 26 năm từ khi ngài được bầu ngày 16/10/1978. Triều giáo hoàng của ngài, lâu dài hạng thứ ba trong lịch sử của Giáo Hội, đã gắn liền với bước tiến của thế giới. Mặc dù bị đau yếu nằm nhà thương, ĐGH không bao giờ muốn từ bỏ sứ vụ của mình.

 

ĐGH Karol Wojtyla sinh ngày 18/05/1920 tại Wadowice gần Cracovie. Ngày 16/10/1978, ngài trở thành vị kế nhiệm thánh Phêrô thứ 263 và là vị giáo hoàng không phải là người Ý từ 455 năm nay. Tổng giám mục Cracovie từ năm 1964, trở thành hồng y từ năm 1967, ngài kế vị ĐGH Gioan Phaolô I mà triều giáo hoàng chỉ kéo dài 33 ngày. ĐGH Gioan Phaolô II thích chơi thể thao, ham thơ phú và là diễn viên sân khấu a-ma-tơ lúc còn trẻ. Ngài được mệnh danh là « lực sĩ của Thiên Chúa » và đã tạo ấn tượng ngay lúc đầu bằng ý chí và nghệ thuật xử dụng các phương tiện truyền thông. Những cuộc hành hương của ngài tại quê hương Ba Lan lúc đó còn là chế độ cộng sản vào những năm 1979, 1983 và 1987 đã góp phần làm lung lay triều đại Liên Sô.

 

Ngày 13/05/1981, ngài là nạn nhân của vụ khủng bố tại Công Trường Thánh Phêrô. Tác giả của ba phát súng đã làm ngài trọng thương, Ali Agca, là thành viên của một phong trào cực hữu Thổ Nhĩ Kỳ. ĐGH Gioan Phaolô II tin chắc rằng vụ bắn ngài đã có người dật dây, nhưng không rõ là ai. Vị giáo hoàng chiêm niệm này tôn sùng đặc biệt Đức Mẹ Maria Đồng Trinh và luôn nghĩ là chính Mẹ đã cứu ngài sống.

 

Trong 26 năm làm giáo hoàng, ngài đã đi khắp thế giới qua 104 cuộc hành hương viếng thăm trên khắp năm châu, lôi kéo một quần chúng đông đảo. Tuy nhiên, dù rất muốn nhưng ngài đã  không thể đến Nga vì sự hậm hừ của Giáo Hội Chính Thống, cũng không đến được Trung Hoa, nơi mà các tôn giáo bị chính quyền kiểm soát.

 

ĐGH Gioan Phaolô II đã biết thực hành những đường lối của Công Đồng Vatican II đối với thế giới và các tôn giáo khác, nhưng ngài cũng biểu hiệu cho sự bảo thủ của Giáo Hội trước những thay đổi của phong tục tập quán. Ngài đã chiếm được thiện cảm của hàng triệu triệu người ngoài Công Giáo như là người đề cao một văn hoá của hoà bình. Ngài chống lại cuộc chiến Vịnh năm 1991 cũng như cuộc chiến Hoa Kỳ tại Irak năm 2003. Ngài đã tiến hành sự hoà giải giữa Giáo Hội và người Do Thái, đã bắt đầu sự đối thoại với Hồi Giáo và đã dẫn Giáo Hội đến sự nhìn nhận những « bất công » vấp phạm qua các thế kỷ.

 

Trong lãnh vực xã hội, ĐGH Gioan Phaolô II hành động như người đề cao nhân phẩm con người và ủng hộ một sự toàn cầu hoá không dựa trên một lô-gíc kinh tế, nhưng ngài đã kết án những phong trào muốn chủ trương một cuộc cách mạnh xã hội và sự loan báo tin mừng như tại Châu Mỹ La Tinh với học thuyết thần học giải phóng.

 

ĐGH Gioan Phaolô II đã bị nhiều bệnh theo thời gian, những năm cuối đời ngài đã bị bệnh Parkinson bắt ngài phải từ từ giảm bớt những hoạt động của ngài.   

 

Ngài luôn luôn dành ưu tiên cho sự tiếp xúc trực tiếp với những người tín hữu và giao quyền điều hành Giáo Hội một phần lớn cho ban quản trị Toà Thánh. Nhưng ngài đã không thể ngăn cản sự đi xuống của ảnh hưởng của đạo Công Giáo trên thế giới.

 

 

Lang Biang dịch theo nhật báo Le Figaro và AFP tối ngày 2/4/2005

 

 

 


Về Trang Mục Lục