ĐHY Gantin mô tả chân dung ĐGH Biển Đức XVI.

Một nhân vật của văn-hóa, biết lắng nghe và sẽ dậy chúng ta đi đến điểm chính yếu.

La-mã, thứ sáu ngày 29 tháng 04 năm 2005 (Zenit.org). ĐHY Gantin tuyên bố về Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI : « Đó là một nhân vật của văn-hóa cũng biết lắng nghe nữa. Ngài sẽ dậy chúng ta đi đến điểm chính yếu. Được nuôi dưỡng bởi Công Đồng, Ngài sẽ giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn về Công Đồng ».

Chúng tôi ấn hành dưới đây cuộc đàm thoại mà ĐHY Bernardin GANTIN, Cựu Hồng Y Trưởng của Hồng Y Đoàn, đã chấp thuận ngày thứ tư vừa qua cho nhật báo Ý « Avvenire », mà trong đó Ngài đã lược tả chân dung của Đức Tân Giáo Hoàng.

Ngày 27 tháng 06 năm 1977, ĐGH Phaolô VI, vào dịp hội nghị Hồng Y cuối cùng của Ngài, đã nâng lên phẩm trật Hồng Y bốn vị. Hai trong bốn vị vẫn còn tại thế : ĐHY Gantin và ĐGH Biển Đức XVI. ĐHY Gantin đã được Đức Tân Giáo Hoàng, ngày thứ năm hôm qua, tiếp kiến.

Hỏi : Thưa Đức Hồng Y đã quen biết Đức Biển Đức XVI khi nào ?

ĐHY Gantin : Tôi biết Josef Ratzinger như một thần học gia nổi tiếng từ thời Công Đồng. Nhưng tôi đã quen Ngài cách cá biệt khi ĐGH Phaolô VI nâng Ngài lên chức Tổng Giám Mục thành phồ Munich và Freising. Một linh mục trẻ cùng quê với tôi, nước Bê-Nin, đã nhận bằng Cao Học Thần Học cùng với Ngài, đúng ngày mà Ngài được nâng lên hàng Tổng Giám Mục, và như thế tôi đã có dịp may tham dự lễ phong chức của Ngài tại thủ đô vùng Ba-va-roa ngày 28 tháng 05 năm 1977, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Hỏi : Một tháng sau Hội Nghị Hồng Y bắt đầu ?

ĐHY Gantin : Đối với tôi, thực là một vinh hạnh đã được phong chức Hồng Y bởi ĐGH Phaolô VI vĩ đại với những nhân vật nhất hạng như ĐHY Giovanni Benelli, Josef Ratzinger, Maria Luigi Ciappi và Frantisek Tomasek. Ngày nay, chỉ còn lại hai chúng tôi thôi. Khi chúng tôi gặp lại nhau, ĐHY Ratzinger luôn lập lại với tôi « chúng ta là những kẻ sống sót … ».

Chính vào dịp này ĐHY Ratzinger đã làm quen với thân mẫu của tôi, mẹ Anna đáng yêu của tôi đã rất ngạc nhiên trước sự đơn sơ và lịch thiệp của Ngài. Về giai thoại này tôi không thể nào quên được điều đã xẩy ra sau đó, vào năm 1992. Chúng tôi cùng gặp nhau tại Giê-ru-sa-lem vào một dịp hành hương bên Đất Thánh. ĐHY Josef Tomko bấy giờ cũng có mặt ở đó. Thân mẫu tôi đã về Nhà Chúa chính vào giai đoạn này. Tôi còn nhớ với một thái độ dịu hiền trong tình huynh đệ, ĐHY Ratzinger và ĐHY Tomko đã bộc lộ sự gần gũi của các Ngài trong lúc đớn đau này.

Hỏi : Đức Hồng Y đã làm việc gần 30 năm tại tòa thánh La-mã và ĐGH hiện nay ở La-mã hơn 20 năm. Con nghĩ là Đức Hồng Y và ĐGH thường hay gặp nhau …

ĐHY Gantin : Chúng tôi thường hay gặp nhau vì công việc của chúng tôi là tại trung tâm tòa thánh. Tôi đã là thành viên của Bộ Tín Lý Đức Tin và ĐGH là thành viên của Bộ các Giám Mục mà tôi là Bộ Trưởng. Nhưng một đề tài vẫn luôn khắc ghi trong tôi. Vào dịp một trong những buổi họp đầu tiên tại đây, ở Vaticanô này, vị lúc bấy giờ còn là ĐHY Ratzinger, không bao giờ học tại La-Mã, tuyên bố : « Tiếng Ý của tôi chưa được thuần lắm. Vì thế, với sự cho phép của quý Hồng Y, tôi xin được phép đọc bài diễn văn của tôi bằng la-tinh…. ». Rồ Ngài bắt đầu nói một cách lưu loát ngôn ngữ này, ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội. Ai cũng đầy cảm phục !

Hỏi : Thưa Đức Hồng Y có còn những kỷ niệm nào đặc biệt về công việc chung của Đức Hồng Y và Đức Giáo Hoàng giữa lòng tòa thánh không ?

ĐHY Gantin : ĐGH luôn luôn kính trọng các đồng bạn. Ngài luôn lắng nghe tất cả với sự chú ý, trước khi diễn tả ý kiến của mình nhiều khi không trùng hợp với ý kiến của vị đã nói trước Ngài.

Hỏi : Thưa Đức Hồng Y, xin Đức Hồng Y diễn tả cho chúng con bức chân dung của vị Tân Giám Mục thành La Mã mà Đức Hồng Y đã được thấy gần.

ĐHY Gantin : Ngài lấy tên là Biển Đức, nhưng đối với tôi Ngài cũng là một « của quý được dâng tặng » (Benedetto từ tiếng Ý trong bản văn đã được ĐHY Gantin biến chuyển thành « Bene (của quý) – dato (cho, trao tặng) » cho Giáo Hội của Chúa Giê-su. Ngài là một nhân vật với một trình độ văn hóa rất cao. Nhưng nhất là một con người của một đức tin mãnh liệt và một lòng đạo đức cao vời. Ngài là một người của kinh nguyện. Ngài là một người được nuôi dưỡng bởi Công Đồng Vaticanô II, và một con người hiểu biết Truyền Thống, hiểu biết các Đấng Tổ Phụ của Giáo Hội. Nhiếu người đã không đọc Công Đồng Vaticanô II và ước muốn một Công Đồng khác. Ngược lại phải học hỏi và đào sâu Công Đồng hơn.

Hỏi : Thưa Đức Hồng Y, theo Đức Hồng Y, triều đại giáo hoàng của Đức Biển Đức XVI sẽ như thế nào ?

ĐHY Gantin : Nói theo khía cạnh con người,  thiên hạ có thể nghĩ rằng đây là một triều đại giáo hoàng không lâu dài, dù cho chúng ta sẽ không mỏi mệt cầu xin sao cho điều trái ngược được xẩy ra. Chất có giá hơn là lượng đối với Đức Biển Đức XVI. Triều đại giáo hoàng của Ngài sẽ là một triều đại mộc mạc, đơn sơ, trực tiếp, tập trung vào điểm chính yếu.

Hỏi : Một số người khẳng định rằng ĐGH có vẻ « lạnh lùng » về mặt mục vụ …

ĐHY Gantin : Mỗi Giáo Hoàng có tính tình của mình. Cũng chẳng cần thiết là Đức Tân Giáo Hoàng phải bắt tay mọi người. Và có lẽ hay hơn là Ngài tập trung vào điểm chính yếu của nhiệm kỳ của mình. Mặc dù chiều tối hôm nọ trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô, tôi đã thấy Đức Biển Đức vuốt ve mặt một vài bệnh nhân và một vài trẻ em.

Hỏi : Đức Hồng Y đã không tham dự Mật Nghị viện nhưng Đức Hồng Y đã tham dự tất cả những hội nghị khoáng đại các Hồng Y trước đó. Những hội nghị khoáng đại được hướng dẫn bởi Đức Hồng Y trưởng ..

ĐHY Gantin : Về giai thoại này, tôi chỉ có thể nói rằng vị mà lúc đó còn là ĐHY Ratzinger đã hướng dẫn các Hồng Y một cách oai phong, đến độ đã được các đồng bạn của mình vỗ tay nhiều lần.

Hỏi : Theo những sự bộc lộ của các ký giả, trong một vài hội nghị khoáng đại, các vị có thể cũng đã đề cập về giới hạn của 80 tuổi đối với các Hồng Y cử-tri. Đức Hồng Y có nghĩ là Đức Tân Giáo Hoàng sẽ thay đổi chút gì về điều khoản này không ?

ĐHY Gantin : Đức Gioan-Phaolô II đã giải thích nhiều lần là Ngài tự cảm thấy buộc chặt, về điểm này, vào điều đã được thiết lập bởi Vị đi trước Ngài, ĐGH Phaolô VI. Tôi không biết Đức Biển Đức XVI sẽ cảm thấy bị buộc chặt cùng một cách thức vào quyết định của ĐGH Montini không. Riêng cá nhân tôi, tôi đã tham dự hai mật nghị của năm 1978 và điều đó quá đủ cho tôi. Bầu phiếu để lựa chọn kẻ kế vị thánh Phêrô không phải là một vinh dự, nhưng là một trọng trách. Có thể ĐGH hiện nay sẽ tăng con số các Hồng Y cử tri hơn 120, vì số các tu sĩ linh mục, giám mục đáng được phẩm phục hồng y rất là đông. Nhưng điều đó là do Ngài sẽ quyết định.

Hỏi : Đức Hồng Y có hy vọng là được gặp ĐGH trước khi trở về Bê-nin không  ?

ĐHY Gantin : Nhờ ơn Chúa, ĐGH đã có lòng tốt chấp thuận cho tôi một buổi yết kiến sáng mai. Tôi đang viết những điều mà tôi phải trình bày với Ngài. Tôi không muốn làm mất thì giờ quý báu của Ngài. Tôi chắc chắn sẽ nói với Ngài đặc biệt về Châu Phi « của tôi », nơi mà tôi sẽ trở về ngày thứ hai 02 tháng 05 để tiếp tục là một sứ giả La-mã đơn thuần mà tôi đã quyết định trở thành khi tôi trở về Bê-Nin.

Trần Văn-Toàn

 


Về Trang Mục Lục