Kỷ niệm năm thứ 60 biến cố Hiroshima : không bạo động, con đường của hoà bình

 

 

Rôma ngày 15/7/2005

 

Theo thông tấn Các Giáo Hội Á Châu của hội truyền giáo Paris, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 60 những cuộc thả bom nguyên tử (Hiroshima ngày 6/8/1945 và Nagasaki ngày 9/8/1945) và việc kết thúc chiến tranh (ngày 15/8/1945), các đức giám mục Công giáo Nhật đã khẳng định lại qua một tài liệu rằng sự không bạo động là con đường dẫn tới hoà bình.

 

Qua bản văn ngắn hai trang này, các ĐGM nhìn nhận lại, như năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 50 năm những biến cố này, rằng Giáo Hội Công Giáo đã « thiếu ý thức » trước và trong cuộc chiến trong việc đảm nhiệm vai trò ngôn sứ bảo vệ đời sống con người của mình. Một lời xin tha thứ với « Thiên Chúa và các dân tộc đã chịu nhiều đau đớn vì cuộc chiến tranh » đã được ghi trong tài liệu. Mọi sự đều dựa trên hoà bình, điều kiện của nhân phẩm con người. Các ĐGM lấy sự thâm tín này từ Kinh Thánh và nhận ra rằng khái niệm này cũng được chỉ rõ trong Bản Tuyên Bố phổ quát về nhân quyền và trong Hiến Chương Nhật.

 

Các ĐGM cũng phân tích những cuộc biểu tình chống Nhật những tháng vừa qua tại Trung Hoa và Nam Triều Tiên liên quan đến việc giải thích lại lịch sử được chấp nhận trong một cuốn sách dậy trong trường học, cuộc thăm viếng đền shintô Yasukuni của thủ tướng Nhật, nơi tưởng nhớ các chiến sĩ đã chết trên chiến trường mà trong đó có những tội nhân chiến tranh đã bị kết án bởi Toà Án quốc tế Tokyo. Các ĐGM nhắc lại lời tuyên bố của ĐGH Gioan Phaolô II tại Hiroshima : « nhớ lại quá khứ của mình có nghĩa là dấn thân cho tương lai ». Dựa trên nguyên tắc này, các Ngài viết : « người Nhật chúng tôi được mời gọi chấp nhận một cách thành thực lịch sử của mình, một lịch sử bao gồm sự xâm chiếm bắt làm thuộc địa các nước khác, chúng tôi được kêu gọi suy nghĩ về lịch sử này và chia sẻ sự nhìn nhận của lịch sử này ». Các ngài kêu gọi sự tôn trọng và sự bảo vệ nguyên tắc tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước được ghi trong Hiến Pháp. Đó là sự biểu lộ lòng cương quyết của Giáo Hội Nhật không phạm lại sai lầm như trong quá khứ : « Chúng tôi tin rằng chúng tôi phải cương quyết giữ lập trường về vấn đề này để các nước miền Đông Á châu có thể tin tưởng và làm việc chung cho hoà bình ».

 

Các ngài yêu cầu một sự chia sẻ tốt đẹp hơn sự giầu có tại Nhật cũng như ngoài Nhật, bởi vì cùng với sự không bạo động, đó là phương tiện để thoát ra khỏi vòng bạo động mà thế giới dấn thân vào từ những cuộc khủng bố ngày 11/9/2001. Các ngài kêu gọi một sự thay đổi trong lối sống, trong các mô hình sản xuất và tiêu thụ và sự cải cách « các cơ cấu quyền hành trong xã hội ». Các ĐGM nhận định rằng vì Nhật Bản đã từ chối chiến tranh trong Hiến Chương nên người Nhật hiện nay có tinh thần không bạo động : « làm sao chúng tôi không tự hào vì từ 60 năm nay, chúng tôi không giết ai trong chiến tranh và không ai trong chúng tôi bị giết trong chiến tranh ? »

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 


Về Trang Mục Lục