ĐGH muốn đề cao sự đối thoại với Hồi Giáo

 

 

Sau những cuộc khủng bố tại Luân Đôn, phong trào cực đoan tôn giáo và cuộc chiến chống lại nạn khủng bố chưa bao giờ hết trở nên những thách thức lớn của triều giáo hoàng mới. ĐGH Bênêđictô XVI hy vọng nhiều vào việc thăm viếng một nhà thờ Hồi Giáo và sự gặp gỡ những người theo đạo Hồi Giáo trong dịp ngài sẽ đến Cologne để tiến triển trong cuộc đấu tranh này. Hôm chủ nhật vừa qua, ngài đã nhắc lại rằng trong cuộc đấu tranh này, « Âu châu không biên giới » phải ý thức sự hiệp nhất tinh thần dựa trên những giá trị Kitô Giáo, trong đó « niềm tin và lý trí » phải cộng tác với nhau với một sự đối thoại phong phú để thiết lập một nền hoà bình chính đáng.

 

Trong thánh lễ khai mạc triều giáo hoàng, ĐGH Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh ý muốn của Giáo Hội công giáo « tiếp tục thiết lập những chiếc cầu huynh đệ » giữa các tôn giáo và kêu gọi tất cả các truyền thống tôn giáo trở thành « những người thợ cho hoà bình ». Ngài đã hưởng ứng « những tiến bộ trong việc đối thoại giữa người Hồi Giáo và người Công Giáo » dưới triều của ĐGH Gioan Phaolô II. Nhưng những lời tuyên bố này không cho thấy có sự tiếp nối ngay.

 

Những cuộc khủng bố gần đây đặt lại vấn đề. Trong những cuộc yết kiến chung, ĐGH đã không ngừng lên án, qua những lời tuyên bố với báo chí hay bằng những bức điện gửi đến nước Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, những hành động ghê tởm, những cuộc khủng bố đáng phỉ nhổ do những nhóm quá khích gây nên. Ngài đã yêu cầu những kẻ khủng bố cực đoan Hồi Giáo hãy ngưng ngay hành động này nhân danh Thượng Đế, vì ngài từ chối ý niệm của một sự « tranh chấp của các nền văn minh » giữa Tây Phương Kitô giáo và thế giới Hồi Giáo. Những cuộc khủng bố không đặc biệt để chống lại Kitô Giáo. ĐGH giải thích rằng nạn khủng bố là điều phi lý và sự đối thoại liên tôn giáo ít nhất phải là một yếu tố, một lời mời gọi từ bỏ nạn khủng bố. Tuy nhiên phải tìm trong Hồi Giáo những yếu tố tốt đẹp nhất cho cuộc đối thoại này và việc loại trừ chủ nghĩa cực đoan (fondamentalisme) cũng phải được thể hiện qua những lựa chọn triết học của Âu châu.

 

Thật vậy, trước khi được bầu, ĐHY Ratzinger nghĩ rằng một « nền độc tài của chủ nghĩa tương đối » là một nhân tố của chủ nghĩa cực đoan. Cá nhân ngài chống lại việc gia nhập của nước Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên Hiệp Âu châu, vì đó là một lục địa khác luôn đối lập với Âu châu. Ngài cũng chống lại ý tưởng theo đó Âu châu phải từ chối gốc rễ Kitô giáo của mình vì sợ va chạm đến những người Hồi giáo sống tại Âu châu. Ngài đã tuyên bố rằng điều làm tổn thương đến Hồi giáo là sự vắng bóng của sự đối chiếu đến Thượng Đế, sự cao ngạo của lý trí, chính những điều này gây nên chủ nghĩa cực đoan. Sự hồi sinh của Hồi giáo đặc biệt là do từ ý thức rằng Hồi giáo có khả năng cống hiến một nền tảng tinh thần vững chắc, một nền tảng có lẽ đang vuột khỏi tầm tay của Âu châu cổ xưa. Một Âu châu dân quyền và theo thuyết tương đối do đó bất lực trước Hồi giáo. Trong bối cảnh một xã hội đa văn hoá, niềm tin Kitô giáo vẫn là một nhân tố có khả năng cung ứng một sức mạnh đạo đức và văn hoá cho những người Âu châu.    

 

 

Nhật báo Le Figaro ngày 27/7/2005

Lang Biang dịch

 

 


Về Trang Mục Lục