Sự tha thứ sau ngày 11 tháng 9

Phỏng vấn cha Aguilar, cựu tuyên uý của Hội Hồng Thập Tự tại New York

 

(Phần I)

 

Rôma ngày 11/9/2005

 

Người ta có thể nói gì với người phụ nữ đã mất người chồng, cha của những đứa con của bà trong vụ khủng bố ngày 11/9 ? Đó là một trong những câu hỏi mà thông tấn Zenit đã phỏng vấn cha Alfonso Aguilar, Chiến Binh của Đức Kitô, tuyên uý của Hội Hồng Thập Tự tại New York vào lúc cuộc khủng bố đôi cao ốc xẩy ra. Trong cuộc nói chuyện này, cha Aguilar, hiện là giáo sư triết học tại trường Regina Apostolorum ở Rôma, thuật lại những gì ngài thấy trong những giờ phút bi thảm mà các ống kính không cho thấy.

 

Zenit : Thưa cha có thể mô tả những người mà cha đã gặp gỡ không ? 

 

Cha A. Aguilar : Liên quan tới đạo, phần lớn những người mà tôi đã gặp gỡ là người Kitô giáo. Theo tôi hơn phân nửa là người công giáo. Tôi có thể đọc kinh Lậy Cha và Phúc Âm với gần như tất cả mọi người. Những người trưởng thành ở đủ tuổi, nhưng những người phụ nữ giữa 30 và 40 tuổi thì nhiều hơn. Tôi đã gặp nhiều người cha và người mẹ đã mất con, những người đang đính hôn. Tôi đã gặp nhiều những người vợ trẻ như Linda Thorpe vừa có con nhỏ và hai người bạn của cô. Họ đều mới lập gia đình. Cả ba đều rất hãnh diện về chồng của họ trong những việc từ thiện. Trên tấm hình họ cho tôi coi, ba người đàn ông trẻ hạnh phúc đang ăn trong một nhà hàng. Có ai có thể nghĩ là chỉ sau đó vài tuần, họ cùng về trước nhan Chúa ?

 

Zenit : Một vị tuyên uý nói những gì với những người đau đớn vì mất mát người thân trong bi kịch như thế ?

 

Cha A. Aguilar : Trong những hoàn cảnh như thế, vị tuyên uý chỉ làm và nói ít điều. Ngài an ủi và gợi lên niềm hy vọng qua sự hiện diện và sự liên đới của mình hơn là lời nói. Vị linh mục hỏi các gia đình xem họ ước mong điều gì, ngài nói vài lời an ủi và mời gọi một lời cầu nguyện đơn sơ như đọc kinh Lậy Cha. Dĩ nhiên trong lúc xúc động, con người không thể lắng nghe lời giảng hay cùng cầu nguyện nhiều. Phần lớn họ cảm thấy rất được an ủi với sự hiện diện của một linh mục trong những giây phút đó, dù có đạo hay không. Người ta chẳng bao giờ biết ảnh hưởng tâm lý và tinh thần của hành động, với Ân Sủng Linh Thiêng, trên những tâm hồn đau khổ. Nhiều ngày sau thảm trạng, Hội Hồng Thập Tự có gửi cho tôi một bức thư và một bằng ghi ơn, bởi vì họ nhận ra ảnh hưởng của sự hiện diện của một linh mục.

 

Zenit : Những thân nhân của các nạn nhân của vụ khủng bố phản ứng ra sao ? Cha có cảm thấy sự thù hằn đối với Thượng Đế và những kẻ khủng bố không ?

 

Cha A. Aguilar : Tôi đến với họ với một nỗi sợ. Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ từ chối một sự giúp đỡ tinh thần, rằng một số sẽ nguyền rủa Thượng Đế và những kẻ giết người. May thay điều xẩy đến lại khác. Phần lớn họ sẵn sàng đón tiếp vị tuyên uý và tôi không nghe thấy ai than phiền. Họ chấp nhận những đau đớn khủng khiếp với sự chịu đựng lạ lùng. Tôi tin chắc là có Ân Sủng đặc biệt của Thiên Chúa giúp họ chịu đựng đau khổ với lòng kiên nhẫn và không cay đắng. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa dành ân sủng này cho những trường hợp vô vọng như thế. Vả lại mặt khác, họ vẫn hy vọng rằng những người thân của họ vẫn còn sống. Hôm trước đó đã có năm người được cứu sống từ đống đá vụn. Không may thay, người ta không còn tìm thấy ai sống sót. Lúc đó tôi hiểu một điều rằng khi người ta yêu thương ai, người ta không mất hy vọng một cách dễ dàng, người ta tin ngay cả điều không thể có thể xẩy ra.

 

Zenit : Những tên khủng bố hồi giáo trong những vụ khủng bố tại Hoa Kỳ, Madrid, Do Thái và Irak, nếu chỉ kể những trường hợp bi thảm nhất, giết và gây ra những đau đớn khôn tả mà không có sự thương cảm hay ân hận. Làm sao người ta có thể tìm kiếm công lý mà không rơi vào hận thù ? Người Kitô hữu đau khổ vì khủng bố phải có thái độ nào ?

 

Cha A. Aguilar : Thái độ như thái độ của Đức Kitô. Đức Giêsu đã bị kết án, hành hạ, đóng đinh một cách bất công bởi những kẻ dù biết Ngài vô tội vẫn cố làm như thế. Ngài đã phản ứng thế nào ? Tận đáy lòng Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả. Ngài cầu nguyện : « xin Cha hãy tha thứ cho họ, bởi vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23,34). Sự tha thứ một cách vô điều kiện của Đức Kitô không thể đánh động lòng kẻ phạm tội nếu họ không nhìn nhận tội lỗi của mình, không ân hận và không tìm cách sửa đổi. Trong lời cầu xin tha thứ vô điều kiện, Đức Giêsu không nói với những kẻ giết Ngài, nhưng với Cha của Ngài. Khi người trộm cướp tự thú và nhìn nhận tội của mình, Đức Giêsu hứa : « Thật ra Ta nói với ngươi, ngày hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng cùng với Ta » (Lc 23,43).

 

Do đó chúng ta phải biết tha thứ cho mọi người với tất cả tấm lòng, không điều kiện dù rằng  chỉ có những kẻ thống hối và thay đổi thái độ mới có thể được tha thứ. Dù gì thì công lý cũng không được đối lập với sự tha thứ như trường hợp người trộm cắp đã ăn năn. Dù tha thứ cho người này, Đức Giêsu không cứu ông ta khỏi thập giá, nghĩa là hình phạt mà ông ta coi như « đúng ». Theo nghĩa này, tự thâm tâm chúng ta phải tha thứ cho mọi người, nhưng đồng thời công lý phải được thực hiện.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch



 

 

 


Về Trang Mục Lục