Thượng Đế và bạo động : suy tư của chủ tịch Hội Kinh Thánh Ý

 

 

Rôma ngày 13/10/2006

 

Từ ngày 11/9 đến 15/9 Tuần Kinh Thánh quốc gia do Hội Kinh Thánh Ý tổ chức đã diễn ra tại Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng Rôma với đề tài « bạo động trong Kinh Thánh ». Cha Rinaldo Fabris, chủ tịch Hội Kinh Thánh Ý, đã trả lời những câu hỏi của Zenit.

 

Zenit : Thưa cha, trong bối cảnh một hội nghị tại Ratisbonne, ĐGH Bênêđictô XVI đã lên án thánh chiến (djihad), bởi vì nó trái ngược với lý trí và Thương Đế...

 

Cha Fabris : Nếu djihad mà Kinh Coran nói đến nhiều lần trùng hợp với « thánh chiến », nghĩa là một cuộc chiến với vũ khí chống lại những kẻ địch - những người không trung thành với Hồi giáo hay những người tông đồ - được biện minh và thực hiện nhân danh Thượng Đế thì rõ ràng là djihad trái ngược lại với niềm tin tôn giáo bao gồm sự đi theo Thượng Đế với tự do của mình. Nó trái ngược với hình ảnh kitô giáo về Thượng Đế đươc mặc khải qua Đức Giêsu Kitô, Ngài đã tự lãnh nhận sự bạo động của con người và biến giải nó qua cái chết trên thập giá, hành vi tận cùng của sự trung thành đối với Thiên Chúa và sự liên đới cùng cực với thân phận con người. Tuy nhiên, trong cách chú giải hồi giáo về Kinh Coran, djihad không chỉ có nghĩa là « thánh chiến » nhưng trên hết đó là mọi dấn thân và nỗ lực chống lại sự dữ dưới mọi hình thức.

 

Zenit : Những kẻ cực đoan hồi giáo nhắc đến Thượng Đế khi chúng thực hiện những hành vi khủng bố tàn nhẫn. Người ta có thể phạm những hành vi tàn nhẫn và vô nhân đạo nhân danh Thượng Đế không thưa cha ?

 

Cha Fabris : Trong trường hợp được gọi là « tử đạo », hay từ ngữ kamikaze không có trong văn hoá ả rập hồi giáo, đó chỉ thuần là sự dụng cụ hoá có tính cách phạm thượng đối với niềm tin tôn giáo qua một hành động ghê rợn trên phương diện luân lý, cá nhân và xã hội. Người ta đã luôn luôn biện minh những hành vi khủng bố như sự bạo động cùng cực và phi lý nhân danh những ý thức hệ quốc gia, kỳ thị chủng tộc và trong những quốc gia đậm văn hoá tôn giáo thì nhân danh Thượng Đế.

 

Zenit : Hội Kinh Thánh Ý mà cha điều hành vừa kết thúc một hội nghị về đề tài sự bạo động trong Kinh Thánh. Hội đã suy tư về điều gì và đâu là những kết luận của hội nghị thưa cha ?

 

Cha Fabris : Để tổng kết những buổi thuyết trình với 160 tham dự viên – các giáo sư Kinh Thánh trong các khoa thần học và các Viện khoa học tôn giáo - người ta có thể nói rằng bạo động trong mọi hình thức của nó - thể xác, xã hội và luân lý - hiện diện trong lịch sử của Kinh Thánh, Cực Ước và Tân Ước. Đó là bạo động giữa con người với nhau, từ tội của Cain cho đến bạo động thực hiện nhân danh Thiên Chúa và hình ảnh bạo động của Thiên Chúa. Kinh Thánh nói đến « Yahvé Sabaot » (Thiên Chúa của quân đội) và sự giận dữ của Thiên Chúa, Đấng trừng phạt nghiêm khắc những sự bất tôn bằng sự kết án. Mặt khác trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nói với con người theo cách con người. Vì bạo động nằm trong kinh nghiệm lịch sử của nhân loại, tìm thấy nó trong Kinh Thánh là điều không có gì lạ. Trong tuần hội thảo, chúng tôi đã cố tìm ra đâu là những cội rễ của bạo động theo Kinh Thánh và làm sao có thể kiểm soát và hoá giải nó. Trong bối cảnh này, chúng tôi đã đề cập đến vai trò của luật lệ và luật pháp hình sự, chúng thường không có khả năng kiểm soát bạo động và ngay cả trở thành những nguyên tố cho bạo động mới. Trong bối cảnh này xuất hiện sự kiện phục sinh của cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, qua đó Thiên Chúa đi vào lịch sử con người về bạo động và đối đầu với nó. Hình ảnh này của Thiên Chúa đã hiện diện trong một số văn bản của Cựu Ước. Nhưng chỉ với sự sống lại của Đức Giêsu thì Thiên Chúa mới đăng quang lại con người chân chính mà không gây bạo động sau đó.

 

Zenit : Thưa cha, hội nghị có bàn đến đề tài « chiến tranh đúng » không ?

 

Cha Fabris : Trong tuần hội nghị này, chúng tôi không bàn trực tiếp đến đề tài chiến tranh, đề tài này đã được bàn đến nhiều qua những xuất bản nói về kinh thánh trong đó người ta nói đến « thánh chiến ». Thánh chiến hiện diện trong Kinh Thánh cũng như trong toàn vùng Cận Đông cổ xưa. Nó hàm chứa ý niệm herem - hiến tế - quân thù, nghĩa là sự huỷ diệt kẻ địch nhân danh Thiên Chúa. Loại chiến tranh đúng đã được biên soạn từ một vài suy tư của thánh Augustinô và vào thế kỷ 16 bởi một số nhà làm luật Tây Ban Nha, nó ấn định những điều kiện để một cuộc chiến trở nên đúng và chính đáng. Qua kinh nghiệm hai cuộc thế chiến và tình trạng bạo động khủng bố trên mức độ thế giới hiện nay, lý thuyết về chiến tranh đúng không chỉ lỗi thời mà còn nguy hiểm nữa. Tốt hơn nên nói đến quyền và bổn phận tự vệ chính đáng của con người và của các xã hội bằng những phương tiện và phương pháp không làm nẩy sinh các hình thức khác và hoàn cảnh khác của bạo động.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch 



 


Về Trang Mục Lục