Đối thoại liên tôn giáo : ĐGH Bênêđictô XVI chuyển từ đối thoại qua cử chỉ bằng sự đối chất tri thức

 

Phần 2

 

Rôma ngày 29/11/2006

 

 

Zenit : Thưa bà nhận định ra sao về tình trạng của những người kitô giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ ?

 

Bà Morali : Đúng là tôi nhận thấy một sự đau đớn lớn, một phần là do những kỳ thị và sự bách hại họ đã phải chịu trong quá khứ gần đây, và một phần khác thì liên quan tới tình trạng rải rác và nhiều cộng đồng kitô giáo khác nhau.

 

Việc sát hại cha Don Santoro rõ ràng là dấu chỉ có những nguy hiểm khách quan, nhất là cho những người dấn thân nhất. Như có một người nói với tôi, Hồi giáo Thổ không chỉ là trong những thành phố lớn như Istanbul, những nơi này giống như những thành phố tây phương hơn, nhưng còn là các thôn quê xa xôi, những ngôi làng nhỏ, những phần tử cực đoan.

 

Chúng ta thường quá đơn giản hoá khi nghĩ rằng Hồi giáo là một thực tại giống nhau, thật ra ngay những người bạn Thổ tôi có dịp nói chuyện cũng nhìn nhận rằng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hồi giáo bao hàm nhiều thực tại.

 

Mặt khác, những buổi đàm luận như tại đại học Marmara University ở Istanbul cho thấy có một sự thay đổi.

 

Tôi dẫn ra ba thí dụ : năm vừa qua tôi được mời thăm viếng Trung Tâm nghiên cứu Hồi giáo Istanbul, nhất là thư viện. Những người bạn Thổ cho tôi thấy với niềm hãnh diện phần thư viện dành cho những tác phẩm kitô giáo. Họ xếp đặt nhằm để các sinh viên hồi giáo có thể tiếp xúc trực tiếp với nguồn kitô giáo để hiểu biết truyền thống đức tin và lịch sử của chúng ta.

 

Tôi coi thử chi tiết các tác phẩm và nhận thấy rằng họ chọn rất kỹ lưỡng những cuốn sách này. Tuy nhiên họ nói với tôi là họ có gặp khó khăn để tìm ra những cuốn sách đáng tin tưởng trình bầy một quan điểm khách quan về tín lý và lịch sử kitô giáo tại các nhà xuất bản công giáo. Tôi cho là họ có lý, vì tôi cũng nhận thấy sự thiếu phẩm chất trong một số sách được các nhà xuất bản công giáo ấn hành, họ có khuynh hướng thích xuất bản những tác phẩm về thần học tương đối hơn là thần học lành mạnh công giáo.

 

Tôi biết có một người đồng nghiệp Thổ đã dịch thông điệp Fides et Radio ra tiếng Thổ và tự xuất bản lấy. Sáng kiến này không những giúp các sinh viên học về thần học so sánh mà còn cho những người kitô giáo không có phương tiện và ý chí để thực hiện những sáng kiến như thế.

 

Zenit : Thưa bà sống ra sao sự gần gũi với những người hồi giáo Thổ ?

 

Bà Morali : Với tư cách là một nhà thần học tín lý, tôi muốn nói với những người kitô giáo muốn đi vào sự đối thoại liên tôn giáo rằng điều kiện cần thiết cho một sự đối chất ở mức độ này là tránh sự ngẫu hứng.

 

Chẳng hạn riêng tôi, tôi không phải là chuyên viên về Hồi giáo và những người đối thoại với tôi biết điều đó ; cho nên trong những bài thuyết trình, tôi chỉ trình bầy lý thuyết công giáo và cha Maurice Borrmanns sau đó xét đến những bao hàm đối với Hồi giáo.

 

Những bài thuyết trình của tôi được tán thưởng bởi vì tôi nói với nhiều thẳng thắn về niềm tin của tôi mà không đợi những người nghe phải đồng ý với tôi.

 

Những cuộc gặp gỡ tại Istanbul đòi hỏi mỗi người tham dự phải có chuẩn bị trước. Riêng tôi, tôi làm việc và thường hỏi ý kiến cha Borrmanns nhằm chuẩn bị bài thuyết trình trong viễn tượng hấp dẫn nhất cho những người tham dự. Những bài thuyết trình của tôi rất thường là nền tảng cho sự đối chất mà cha Borrmanns, với sự thông hiểu lớn của ngài, nhấn mạnh bằng sự so sánh và đối chiếu qua các tác giả. Như thế, chuyên viên về thần học tín lý và chuyên viên công giáo về Hồi giáo trở thành diễn viên của một sự đối thoại rất xâu sắc. Điều này cũng cho thấy sự hời hợt của một số cách thức mà người ta thấy hiện nay trong thế giới công giáo khi người ta nói đến sự đối thoại giữa các tôn giáo, như thể là một tôn giáo thì bằng với một tôn giáo khác, hay khi người ta tổ chức « những sáng kiến đối thoại » mà không có một sự chuẩn bị thích đáng về niềm tin công giáo và về truyền thống của người đối diện mình.

 

Zenit : Tại sao bà chỉ trích một số cách đối thoại liên tôn giáo như thế, thưa bà ?

 

Bà Morali : Tôi nhớ lại năm vừa qua, trong một lúc đối thoại với hội nghị, một thính giả đã hỏi tôi rằng ít ra tôi có thể nhìn nhận rằng Đức Mahomet là vị tiên tri cuối cùng và là vị tiên tri vĩ đại nhất.

 

Tôi đã trả lời bằng một câu hỏi : « Nếu tôi hỏi một câu hỏi tương tự về Đức Giêsu Kitô thì sao ? Thí dụ yêu cầu một giáo sư hồi giáo ít nhất nhìn nhận rằng Đức Giêsu Kitô thi cũng vĩ đại như Đức Mahomet ? Nếu vị giáo sư cho tôi có lý chỉ vì muốn làm vừa lòng tôi thì quí vị có coi ông là một người hồi giáo tốt không ? Tôi tin là quí vị muốn ông giáo sư hợp lý với niềm tin của mình ngay cả khi điều đó làm mất lòng tôi. Như thế, quí vị chờ đợi nơi tôi một câu trả lời của một người phụ nữ công giáo và quí vị không thích một câu trả lời dung hoà để làm hài lòng quí vị. Và quí vị sẽ không cho tôi là một người công giáo tốt. Bởi thế tôi trả lời quí vị như mọi người công giáo phải trả lời : với sự thành thật và với sự thanh thản ».

 

Tôi còn nhớ là cách lập luận này đã rất đánh động những người đồng nghiệp hồi giáo, họ tỏ lòng biết ơn không những vì sự thành thật và sự minh bạch của tôi mà còn vì sự can đảm cho họ một câu trả lời không thể chập nhận được đối với một người hồi giáo.

 

Một giáo sư nói với tôi : « Thưa bà Morali, chúng tôi muốn đối thoại với những người công giáo trọn vẹn chứ không phải với những người công giáo nửa vời, mặc dù điều đó chắc chắc khó khăn hơn nhiều. Xin bà hãy tiếp tục như thế ».

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch   

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục