Lý trí và đức tin không tranh dành nhau

 

 

Rôma ngày 10/2/2006

 

Trong buổi yết kiến hôm nay dành cho những thành viên của hội nghị thường niên của Bộ Tín Lý và tổng trưởng của bộ, ĐGM William Levada, ĐGH Bênêđictô XVI đã tuyên bố rằng lý trí và đức tin không tranh dành nhau và mời gọi đào sâu những chân lý khám phá bởi khoa học mà không sợ hãi.

 

ĐGH thú nhận sự xúc động của ngài khi nhắc đến hơn 20 năm đứng đầu Bộ Tín Lý mà nhiệm vụ là đề cao và bảo vệ học thuyết của toàn Giáo Hội công giáo về đức tin và những truyền thống. Ngài nói : « Đức Giêsu là sao bắc cực của tự do con người... Trong đời sống của Giáo Hội, đức tin có tầm quan trọng thiết yếu, tặng phẩm của Thiên Chúa tự thể hiện qua Mặc Khải là điều nền tảng và tặng phẩm tự hiến của Thiên Chúa phải được đón nhận trong đức tin ».

 

Ngài tiếp rằng bởi thế Bộ Tín Lý phải nhắc nhở « tính cách trọng tâm của đức tin công giáo trong biểu hiệu đích thực của nó... Khi cái nhìn về tính cách trọng tâm này bị giảm thiểu thì cộng đồng giáo quyền cũng bị mất đi tính linh hoạt nguyên thuỷ và bị hao mòn, do đó rơi vào một loại chủ nghĩa hoạt động khô héo hay tự thu gọn vào một sự khéo léo chính trị mang màu sắc thời trang. Trái lại, nếu đức tin được đặt vào trọng tâm của đời sống kitô giáo với sự đơn sơ và dứt khoát thì đời sống con người sẽ được thông dẫn và tràn sức sống bởi một tình yêu không biết nghỉ ngơi hay giới hạn... Tình yêu này nẩy sinh từ sự gặp gỡ Đức Kitô trong niềm tin, bởi vì Đức Giêsu là sao bắc cực của tự do con người. Không có Ngài, tự do con người sẽ lạc hướng, bởi vì không có sự thông hiểu chân lý thì tự do sẽ bị bóp méo, bị cô lập, bị thu gọn vào một sự tự do khô cằn. Với Ngài, tự do tự tìm thấy, tự nhận ra cho sự lành và được biểu hiệu trong những hành động và những cử chỉ của lòng bác ái ».

 

ĐGH tiếp : « Chân lý được trao ban như thực tại phục hồi con người, vượt qua và thống trị con người, với tư cách là mấu nhiệm đón nhận và đồng thời vượt trên thời gian, động lực cho trí tuệ con người. Không có gì giống như tình yêu chân lý biết thúc đẩy trí tuệ con người đến những chân trời chưa được khám phá... Thật vậy, chỉ có chân lý mới có khả năng tràn ngập tinh thần và cho nó niềm vui trọn vẹn ».

 

ĐGH thêm rằng Giáo Hội đón nhận những chinh phục chính đáng của tri thức con người, bởi vì sự truyền bá Phúc Âm cũng đòi hỏi sự quan tâm đến những chân trời và những thách thức của tri thức hiện đại : « Mọi nghiên cứu nhằm đào sâu sự hiểu biết những chân lý được khám phá bởi lý trí có một tầm quan trọng lớn với sự thâm tín rằng không hề có sự tranh dành giữa lý trí và đức tin. Chúng ta không được sợ hãi đối đầu với thách thức này. Thật vậy, Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa của mọi thụ tạo và mọi lịch sử ».

 


Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 


Về Trang Mục Lục