Cha bề trên Dòng Tên giải thích tại sao ngài triệu tập Hội Nghị Tổng Quát  (phần 3)

 

 

Rôma ngày 27/7/2006

 

 

Zenit : Có nhiều học viện trên thế giới, đặc biệt những đại học tại Hoa Kỳ được gọi là đại học Dòng Tên mà trong đó sự hiện diện của các cha Dòng Tên rất ít. Cha có thấy một giải pháp nào không ?

 

Cha Kolvenbach : Tình trạng này không phải là mới. Chúng tôi đã bàn thảo và chúng tôi cùng nhìn nhận rằng sự hiện diện rất ít của các cha Dòng Tên cho chúng tôi khám phá ra những con đường mới : sự tham gia của những giáo dân, phái nam và phái nữ, vào các công trình của chúng tôi phù hợp với sự nảy sinh kỳ diệu của ý thức tông đồ nơi dân Chúa, « dấu chỉ của niềm hy vọng chính đáng » như ĐGH Bênêđictô nói mới đây. Chúng tôi tin rằng ước muốn của người giáo dân góp phần tích cực vào sứ vụ loan báo Nước Trời của Giáo Hội là một ân sủng của thời đại này do Chúa Thánh Thần tác tạo. Hội nghị tổng quát lần cuối đây đã khuyến khích các cha Dòng Tên trở nên « những người cho tha nhân và những người với tha nhân ». Đúng là sự suy giảm ơn gọi sống đời sống tu sĩ – Dòng Tên cũng ở trong trường hợp này – đã đưa đẩy đến sự cộng tác với các giáo dân mà hội nghị tổng quát năm 1965 đã khích lệ. Nhưng đây không phải là một cố gắng đắp lại chỗ hở mà đúng hơn là sự cởi mở ra với một thực tại tông đồ tiềm tàng trong Giáo Hội.

 

« Giải đáp » mà ông nói đến là sự cộng tác trong các công trình của chúng tôi với các giáo dân nam nữ trong tinh thần Ignaciô. Đã có những học viện Dòng Tên trong đó những chức vụ điều hành được gửi gấm cho những người tín hữu nam nữ. Số các cha Dòng Tên hiện diện trong các học viện này không có mức độ quan trọng đặc biệt nếu chúng tôi có thể trông cậy vào những người nam và nữ có tinh thần phục vụ Giáo Hội của thánh Ignaciô.   

 

Zenit : Hội nghị tổng quát lần tới có xem xét một công thức pháp luật để chấp nhận người giáo dân vào Dòng Tên không thưa cha ? 

 

Cha Kolvenbach : Hội nghị tổng quát lần cuối đây đã đồng ý để các vùng, trong vòng 10 năm, có thể thử liên kết với họ mà không cần việc trở nên thành viên của Dòng Tên. Tính cách đặc biệt của ơn gọi là giáo dân vẫn được gìn giữ ngay khi họ tham gia vào công việc tông đồ của các cha Dòng Tên. Kinh nghiệm của những năm gần đây chắc chắn sẽ được mổ xẻ tại hội nghị tổng quát.

 

Zenit : Hiện nay người ta đang mừng năm của thánh Phanxicô Xaviê và thánh Ignaciô. Thưa, cha chờ đợi những gì từ những nghi thức mừng lễ này ?

 

Cha Kolvenbach : Điều ước muốn đầu tiên hiển nhiên là qua việc mừng lễ tưởng nhớ ba vị đồng hành đầu tiên (người ta đừng quên tưởng nhớ đến á thánh Phêrô Fabre bên cạnh thánh Ignaciô và thánh Phanxicô Xaviê), các cha Dòng Tên sống lại trong đời sống và trong công việc tông đồ của mình ba lý tưởng mà các ngài hiện thân : gặp gỡ Thiên Chúa và liên kết với Ngài qua công việc để dẫn mọi sự đến sự viên sủng như thánh Ignaciô đã làm, rao giảng Phúc Âm với niềm đam mê như thánh Phanxicô Xaviê và đào sâu đời sống tinh thần như á thánh Phêrô Fabre.

 

Zenit : Những ưu tiên của Dòng là sự lựa chọn hướng về những người nghèo, công bằng xã hội, sự đối thoại liên tôn giáo, những người tị nạn, lãnh vực văn hoá và giáo dục... Có lãnh vực mới nào mà các cha Dòng Tên mong ước dấn thân không thưa cha ?

 

Cha Kolvenbach : ĐTC mới đây đã nhắc nhở chúng tôi (ngày 22/4 vào dịp tưởng nhớ Năm Thánh Dòng Tên năm 2006) điều mà Giáo Hội mong đợi nơi Dòng Tên, đặc biệt ngài nhấn mạnh đến những lãnh vực triết học và thần học mà các cha Dòng Tên có truyền thống nghiên cứu. Về mặt địa lý, chúng tôi cảm thấy được mời gọi tham gia một cách đặc biệt vào việc loan truyền Phúc Âm tại Phi châu và tại Trong Hoa. Nhưng vai trò của hội nghị tổng quát lần tới là xem xét xem một số hoàn cảnh của thế giới hiện nay như sự toàn cầu hoá, sự đối thoại văn hoá hay chủ nghĩa tương đối chẳng hạn có cần đòi hỏi một sự điều chỉnh trong sự dấn thân tông đồ của chúng tôi hay không.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch   






 

 

 

 

 



 

 


Về Trang Mục Lục