Nói chuyện với ĐGH Bênêđictô XVI (phần III)

 

Rôma ngày 16/8/2006

 

Zenit đăng lại cuộc nói chuyện của ĐGH Bênêđictô XVI dành cho bốn phóng viên người Đức của các đài truyền hình Bayerischer Rundfunk (ARD), ZDF, Deutsche Welle và đài Radio Vatican đã được phát hình ngày chủ nhật 13/8/2006

Câu hỏi : Đề tài về gia đình. Cách đây khoảng một tháng, ĐTC đã có mặt tại Valence cho cuộc gặp gỡ thế giới các gia đình. Những người đã nghe ĐTC một cách chăm chú – như chúng con cố gắng làm tại Radio Vatican - để ý rằng ĐTC đã không nói một lần nào chữ « hôn nhân đồng tính », ĐTC không hề nói đến sự phá thai hay sự ngừa thai. Những người quan sát chăm chú nhận thấy điều đó rất hấp dẫn ! Hiển nhiên là ý hướng của ĐTC là loan báo đức tin chứ không phải đi khắp thế giới như một « tông đồ của đạo đức ». Thưa ĐTC có thể chú thích điều đó không ?

ĐGH Bênêđictô XVI : Dĩ nhiên là có. Trước tiên phải nói là tôi có thể nói chuyện tất cả là hai lần, mỗi lần 20 phút. Và khi người ta có ít thời gian như thế thì người ta không thể làm xong công chuyện khi chỉ nói không. Phải biết trước tiên mình muốn gì, có phài thế không ? Và Kitô giáo, Công giáo không phải là tổng số những điều cấm kỵ, nhưng là một lựa chọn tích cực. Và điều đó lại cần phải được nhìn ra như điều rất quan trọng, bởi vì hiện nay ý thức này đã gần như biến mất. Người ta đã nghe nói đến những điều không được phép quá nhiều cho nên đề nghị ngày hôm nay những ý tưởng tích cực của chúng ta là điều cần thiết : chúng tôi có một ý tưởng tích cực đề nghị với các bạn, đó là người nam và người nữ được tạo thành cho nhau, rằng tính dục, ái tình cho thấy những chiều kích của tình yêu và rằng đó là con đường mà hôn nhân, cuộc gặp gỡ đầy hạnh phúc và ân sủng của người nam và người nữ, bắt đầu phát triển, và rồi gia đình là nơi bảo đảm sự nối tiếp giữa các thế hệ, và là nơi mà các thế hệ hoà giải với nhau và là nơi mà ngay cả các văn hoá có thể gặp gỡ nhau. Làm cho rõ ràng điều mình muốn là điều rất quan trọng. Tiếp đến, người ta cũng có thể nhìn ra điều mà chúng ta không muốn và tại sao. Và tôi tin là phải nhìn và suy nghĩ, bởi vì sự kiện người nam và người nữ được tạo nên cho nhau để nhân loại tiếp tục sống không phải là một phát minh của đạo công giáo, mọi văn hoá đều biết điều đó. Liên quan tới sự phá thai, nó không nằm trong điều răn thứ sáu mà là trong điều răn thứ năm : « ngươi không được giết người !". Và điều đó chúng ta phải coi như một sự hiển nhiên và chúng ta luôn phải khẳng định lại rằng con người bắt đầu trong lòng người mẹ và là người cho đến hơi thở cuối cùng. Con người luôn phải được tôn trọng với tư cách là con người. Nhưng điều đó trở thành rõ ràng hơn nếu người ta bắt đầu bằng cách bàn đến điều tích cực.      

Câu hỏi : Thưa ĐTC, câu hỏi của con một cách nào đó giống như câu hỏi của cha von Gemmingen. Mọi nơi trên thế giới, các tín hữu chờ đợi nơi Giáo Hội công giáo những giải đáp cho những vấn đề hoàn cầu cấp bách nhất như bệnh AIDS và sự đông dân số. Tại sao Giáo Hội công giáo quá nhấn mạnh đến đạo đức hơn là những cố gắng nhằm mang đến một giải đáp cụ thể cho những vấn đề mấu chốt cho nhân loại, thí dụ như trên lục địa Phi châu ?

ĐGH Bênêđictô XVI : Đó là vấn đề : chúng tôi thực sự có nhấn mạnh quá đến đạo đức không ? Tôi xin nói rằng – và tôi còn thâm tín hơn nữa sau khi nói chuyện với các giám mục phi châu - vấn đề nền tảng nếu chúng ta muốn tiến lên trong lãnh vực này, đó là sự giáo dục, sự đào tạo. Sự tiến bộ chỉ có thể chính đáng nếu nó phục vụ con người và nếu chính con người lớn lên, không chỉ trong tiềm năng kỹ thuật mà còn trong khả năng đạo đức. Và tôi tin là vấn đề thực sự trong tình huống lịch sử hiện này là sự không quân bình giữa sự tiến triển quá nhanh của tiềm năng kỹ thuật của chúng ta và khả năng đạo đức không lớn lên một cách tương xứng. Bởi thế giải pháp đúng nhất là sự đào tạo con người, theo tôi, đó là chìa khoá của tất cả và cũng là sự lựa chọn của chúng tôi. Và nói một cách ngắn gọn, sự đào tạo này có hai chiều kích : trước tiên dĩ nhiên chúng ta phải học hỏi, nắm được những kiến thức, những thẩm quyền, know how như người ta nói. Âu châu và trong những thập niên gần đây Mỹ châu đã làm nhiều theo hướng này và đó là điều quan trọng. Nhưng nếu người ta chỉ truyền bá know how thôi, nếu người ta chỉ dậy cách chế và xử dụng máy móc, cách xử dụng thuốc ngừa thai thì người ta đừng ngạc nhiên khi phải đối đầu với chiến tranh và bệnh dịch AIDS. Chúng ta cần hai chiều kích : đồng thời phải có sự đào tạo các con tim - nếu tôi có thể nói như thế - cho phép con người nắm được những điểm mốc và cũng học cách xử dụng đúng kỹ thuật của mình. Đó là điều chúng tôi cố gắng làm. Trên toàn Phi châu và trong nhiều nước Á châu, chúng tôi có một hệ thống trường học rộng lớn ở mọi cấp, nơi đó người ta có thể học hỏi, có những kiến thức thực sự, những khả năng nghề nghiệp và do đó có sự tự lập và tự do. Nhưng trong các trường này, chúng tôi không chỉ tìm cách thông truyền điều know how mà còn huấn luyện những con người biết làm hoà với chính mình, biết xây dựng chứ không phá huỷ, có những mốc điểm cần thiết để biết sống chung. Các giám mục đã lập với những người hồi giáo những uỷ ban chung để xem xét xem làm sao tạo nên hoà bình trong những tình huống tranh chấp. Và hệ thống trường học đào tạo con người quan trọng này được bổ túc bởi hệ thống các nhà thương và các trung tâm giúp đỡ đến cả những nơi hẻo lánh nhất. Trong nhiều nơi mặc những tàn phá của chiến tranh, Giáo Hội là sức mạnh duy nhất vẫn nguyên vẹn. Đó là thực tại ! Và nơi nào chúng tôi săn sóc, kể cả bệnh AIDS, chúng tôi cũng cống hiến sự giáo dục giúp thiết lập những tương quan đúng đắn với tha nhân. Vì thế tôi tin là phải sửa lại hình ảnh theo đó chúng tôi chỉ gieo xung quanh mình những lời « không » quả quyết. Tại Phi châu, chúng tôi làm việc rất nhiều để những chiều kích của sự đào tạo có thể được hấp thụ và để vượt lên trên sự bạo động cũng như các bệnh truyền nhiễm, trong đó phải kể đến bệnh sốt rét và bệnh lao.    

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch


Về Trang Mục Lục