Khoan dung là sự tôn trọng điều linh thiêng của tha nhân

 

 

Rôma ngày 10/9/2006

 

Trong bài giảng ngày chủ nhật hôm nay tại Munich trước 250 000 người, ĐGH Bênêđictô XVI đã hoan nghênh sự liên đới của Giáo Hội Đức và sự lớn lao của những hoạt động xã hội, sự sẵn sàng giúp đỡ ở bất cứ nơi nào cần. Ngài nhắc đến sự biết ơn của các giám mục Phi châu và các giám mục vùng Baltes.

 

ĐGH cũng nói thêm rằng tại Á châu và Phi châu, người ta thán phục những kỹ thuật và khoa học Đức. Nhưng đồng thời họ lo sợ trước loại lý trí loại trừ hoàn toàn Thiên Chúa ra khỏi nhãn quan của con người và coi đó như hình thức tuyệt đỉnh của lý trí mà các văn hoá khác phải theo. ĐGH nói : « Sự đe doạ thực sự cho bản chất của họ, họ không thấy trong niềm tin Kitô giáo nhưng ngược lại trong sự khinh miệt Thượng Đế và trong sự ngạo mạn coi việc nhạo báng điều linh thiêng như một quyền của tự do và nâng sự lợi ích lên làm tiêu chuẩn luân lý tối cao cho những thành công tương lai của sự nghiên cứu ».

 

ĐGH tiếp : « Các bạn thân mến, sự ngạo mạn này không phải là loại khoan dung và cởi mở văn hoá mà các dân tộc mong đợi và tất cả chúng ta mong muốn ! Sự khoan dung mà chúng ta cần khẩn cấp bao gồm sự kính sợ Thiên Chúa, sự tôn trọng điều là linh thiêng đối với tha nhân. Sự tôn trọng điều tha nhân cho là linh thiêng giả định trước là chính chúng ta phải học hỏi lại sự kính sợ Thiên Chúa. Sự tôn trọng này chỉ có thể hồi sinh lại trong thế giới tây phương nếu niềm tin vào Thiên Chúa lớn mạnh trở lại, nếu Thiên Chúa lại hiện diện cho chúng ta và trong chúng ta ». 

 

ĐGH tiếp rằng thế giới cần Thương Đế. Chúng ta cần Thượng Đế. Nhưng Thượng Đế nào ? Đó là Đức Giêsu, Con Chúa nhập thể, đó là Thánh Giá, sự phủ nhận bạo động, tình yêu cho đến chết. Đó là Thiên Chúa chúng ta cần.

 

Trở lại định nghĩa của việc loan báo Phúc Âm, ĐGH nói : « Chúng ta không thiếu sự tôn trọng đối với các tôn giáo khác và các văn hoá, sự tôn trọng sâu xa niềm tin của họ nếu chúng ta tuyên xưng rõ ràng một Thượng Đế chống lại sự bạo động bằng đau khổ, trước sự dữ và quyền lực của nó là lòng thương xót. Với Ngài chúng ta cầu xin để Ngài ở giữa chúng ta và giúp chúng ta trở thành những chứng nhân đáng tin tưởng của Ngài ».

 

Dựa trên kinh nghiệm trao đổi với những giám mục Á châu và Phi châu, ĐGH nhấn mạnh sự đảo ngược của viễn tượng : « Kinh nghiệm của các vị giám mục này chính là sự loan báo Phúc Âm phải là điều ưu tiên, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô phải được biết đến, được tin và được yêu mến, phải hoán cải những con tim ngõ hầu những điều xã hội cũng được thăng tiến, ngõ hầu sự hoà giải phát triển, ngõ hầu như bệnh sida có thể được khắc phục trong những nguyên nhân sâu xa của nó, và săn sóc những người bệnh tật với sự tận tuỵ và lòng yêu thương ».

 

ĐGH khẳng định rằng sự kiện xã hội và Phúc Âm không thể tách rời nhau. Nếu chúng ta chỉ mang đến cho tha nhân những hiểu biết, những cách làm, những khả năng kỹ thuật và những dụng cụ thì chúng ta mang đến cho họ thật ít. ĐGH coi đó là nguyên nhân của những bộ máy bạo động, khả năng phá huỷ và giết chết, ý chí quyền lực, những điều này không thể dẫn tới luật lệ, hoà giải, sự dấn thân chung cho công lý và tình yêu. Chính những giá trị này mới soi sáng con tim và hướng dẫn lý trí trên con đường liêm chính.



Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch   

 

 




Về Trang Mục Lục