ĐGH Bênêđictô XVI là một nhà thần học giỏi

 

 

Paris ngày 15/9/2006

 

Báo Nouvel Observateur đã phỏng vấn bà Irène Fernandez về tư tưởng của ĐGH Bênêđictô XVI. Bà có bằng thạc sĩ triết học và tiến sĩ văn chương, thành viên của ban soạn thảo cuốn Tự điển phê bình về thần học, nhà xuất bản PUF 1998.

 

Hỏi : Thưa bà, đâu là những liên quan thần học của câu khẳng định như « không hành động theo lý trí là trái ngược lại với bản tính của Thượng Đế » ?

 

Bà I. Fernandez : Trước tiên phải xác định rằng bài diễn văn của ĐGH Bênêđictô XVI tại Ratisbonne là một bài diễn văn có tính cách đại học dành cho những chuyên gia. Ngài bàn đến chỗ đứng của lý trí trong Kitô giáo, đề tài ruột đã từ lâu của Joseph Ratzinger. Ngài nhắc đến Hồi giáo, nhưng bài diễn văn không bàn chung quanh đề tài về Hồi giáo. Theo ĐGH, lý trí đi liền với Kitô giáo, đức tin và lý trí gắn liền với nhau. Giữa lý trí của Thiên Chúa và lý trí của con người có những điểm giống nhau, bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Hồi giáo cho là không như thế, chẳng có gì, lý trí hay điều gì khác, giữa con người và Thượng Đế. Thượng Đế và lý trí ở đây là hai khái niệm rất khác nhau. Trong câu khẳng định « không hành động theo lý trí là trái ngược lại với bản tính của Thượng Đế », ĐGH trách sự biện minh cho bạo động bởi Hồi giáo. Dĩ nhiên là bạo động thể xác, và cả bạo động luân lý nữa. Thí dụ việc cấm một tín đồ hồi giáo đi theo một đạo khác, điều có thể dẫn tới án tử hình.

 

Hỏi : ĐGH Bênêđictô XVI đã lùi bước trong việc mở rộng đối với các tôn giáo khác so với vị tiền nhiệm của ngài không ?

 

Bà I. Fernandez : Hẳn nhiên là không. Mở rộng có nghĩa là tự biết mình là ai để có thể trao đổi mà không nói dối. ĐGH Joseph Ratzinger đã làm việc trong 30 năm với ĐGH Gioan Phaolô II. Các phương tiện truyền thông hay hí hoạ ngài, nhưng ngài là một nhà thần học giỏi và một nhà tư tưởng được tôn trọng. Đó không phải là ngẫu nhiên khi ngài đã được bầu vào Hàn lâm viện những khoa học luân lý và chính trị năm 1992.

 

Hỏi : Có những điểm chung trong tương quan khoa học - tôn giáo giữa Hồi giáo và Công giáo không thưa bà ?

 

Bà I. Fernandez : Vấn đề là sự điều chỉnh giữa tiến bộ khoa học và tôn giáo. Đâu là nhãn quan về thế giới của một nhà khoa học ? Đâu là nhãn quan về thế giới của một người tin ? Làm sao hai tính chất này có thể hợp lại trong một con người – như trường hợp Galilê hay Newton ? Đạo công giáo không chống lại khoa học, nó nghĩ rằng Thượng Đế đã suy tư thế giới (Dieu a pensé le monde).

 

Còn các nước hồi giáo đã gặp một sự trì trệ rất mạnh về mức độ khoa học sau nền văn minh sáng lạng thời Trung Cổ của họ. Vào thời đó, họ có những nhà triết học lớn, nhưng những vị này đã luôn bị coi nhiều hay ít là rối đạo đối với Hồi giáo. Các xã hội hồi giáo đứng ngoài lề lịch sử tư tưởng hiện đại. Không có một suy tư tập thể nào về vấn đề tương quan giữa khoa học và đức tin. Xét về cá nhân, những nhà suy tư lớn chắc chắn có ; xét về tập thể thì nền văn minh hồi giáo có nhiều thế kỷ chậm trễ phải vượt qua so với suy tư của thế giới kitô giáo trong lãnh vực khoa học.

 

Đạo công giáo không phải là không có những lời đáng trách về điểm này, bởi vì nó không luôn luôn xứng với lý thuyết của mình. Tuy nhiên, những lời kết án cho là chính sách ngu dân, có thể dựa trên trường hợp này hay trường hợp nọ, là hoàn toàn không biết tính cách duy lý nằm trong Kitô giáo ngay từ lúc đầu, bởi vì một trong những đề tài nền tảng của nó là Lý trí sáng tạo.

 

 

          Lang Biang dịch


Về Trang Mục Lục