Người Do Thái giáo và người Kitô giáo, từ sự khinh miệt đến sự nhận biết

 

 

Rôma ngày 9/1/2007

 

Cha Michel Remaud, giám đốc Viện kitô giáo về nghiên cứu do thái giáo, mới xuất bản cuốn sách tựa đề là « Giáo Hội dưới Bức Tường thánh, người Do Thái giáo và người Kitô giáo, từ sự khinh khi đến sự nhận biết », nhà xuất bản Bayard. Cha đã đồng ý giải thích với Zenit điều tại sao của cuốn sách về những tương quan giữa Do Thái và Giáo Hội.

 

Zenit : « Giáo Hội dưới Bức Tường Thánh » : tựa đề gây sốc phải không thưa cha ?

 

Cha Remaud : Tựa đề và hình ảnh ngoài bìa giải thích cho nhau : hình ảnh cho thấy bàn tay của ĐGH Gioan Phaolô II dựa trên bức tường phía tây của đền Giêrusalem sau khi ngài đã đặt tờ giấy trên đó ngài đã ghi lời cầu nguyện mà ngài mới đọc. Chính vì thế mà từ ngữ « Bức Tường »được viết bằng chữ hoa. Cuốn sách muốn trình bầy những hơn thua, những thách thức và những xích gần giữa Giáo Hội và dân tộc do thái trong lúc giao thời của thiên niên kỷ. Bức hình này là một biểu tượng đẹp về những điều này.

 

Zenit : Tại sao cha viết cuốn sách này ?

 

Cha Remaud : Bởi vì nhà xuất bản yêu cầu tôi viết ! Họ mong muốn xuất bản một cuốn sách nhỏ dành cho những người không chuyên môn để giải thích cho họ bằng những từ ngữ đơn giản « cuộc cách mạng copernic » diễn ra từ nửa thế kỷ nay trong những tương quan giữa Giáo Hội và nước Do Thái. Không dễ dàng cho tôi để làm điều này trong 100 trang...

 

Zenit : Cha đã xuất bản nhiều tác phẩm về đề tài này. Cuốn sách này có phải là một tổng hợp những điều đó không thưa cha ?

 

Cha Remaud : Không hoàn toàn như vậy. Dĩ nhiên tôi đã phải lấy lại những điều tôi đã viết liên quan tới những nguồn gốc, Tân Ước và những thế kỷ đầu tiên kitô giáo, bởi vì đó là lúc mà những vấn đề đã được đặt ra và lập trường mỗi bên đã được ấn định, nếu không muốn nói là đã được đóng chặt. Người ta không thể hiểu hiện tại nếu người ta không thông hiểu quá khứ này, điều mà phần đông những ngưòi kitô hữu không biết. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến hiện tại : những tiến triển từ công đồng cuối cùng.

 

Zenit : Cha tóm gọn những điều ra sao thưa cha ?

 

Cha Remaud : Bằng một cách tương phản. Một mặt, hiển nhiên là đã có những bước lớn lao được thực hiện từ thời công đồng Vatican II. Cách đây 50 năm, người ta có thể tưởng tượng ĐGH Piô XII đến suy niệm trước bức tường được gọi lúc đó là « bức tường thống hối » không ? Tôi nhấn mạnh trong mức độ có thể của cuốn sách nhỏ sự đóng góp quyết định của ĐGH Gioan Phaolô II, ngài đã không ngừng nhấn mạnh trong 26 năm rằng tương quan với dân do thái đang sống thì thuộc về bản chất của chính Giáo Hội, nó khác với tương quan với các tôn giáo khác. Tương quan của chúng ta với dân do thái là tương quan có tính cách gia đình. Nhưng đồng thời cũng phải nhận rằng trong thế giới công giáo có những chống đối mạnh đối với phong trào đã được ĐGH Gioan XXIII và công đồng khởi xướng, và đôi khi có ngay cả sự thoái hoá nữa.

 

Zenit : Cha giải thích điều đó ra sao thưa cha ?

 

Cha Remaud : Chính yếu có hai nguyên nhân. Trước tiên là sự nặng nề của thói quen. Người ta không thay đổi một cách dễ dàng đường lối suy nghĩ, nói chuyện và rao giảng đã bắt rễ từ nhiều thế kỷ. Phải nhìn nhận rằng Do Thái giáo thường được trình bầy trong giáo huấn kitô giáo, ngay cả ngày hôm nay, như một tiêu chuẩn tiêu cực trái ngược trong việc định nghĩa lý tưởng của Phúc Âm. Nguyên nhân thứ hai là trong ý nghĩ của người công giáo, Do Thái giáo thường được nhìn qua hình ảnh mà các phương tiện truyền thông gán cho nước Do Thái và đường lối chính trị của họ. Hai khó khăn này hỗ trợ nhau. Thí dụ như khi lời giảng đề cập đến những « người pharisiêu đạo đức giả » và sau đó lời cầu nguyện phổ quát nói đến « những nạn nhân của bạo động tại Palestine » thì sự nhầm lẫn dễ xẩy ra.

 

Zenit : Nhưng người kitô hữu không có bổn phận liên kết với những người bị đàn áp sao thưa cha ?

 

Cha Remaud : Tôi không nói trái lại điều đó và tôi nghĩ rằng sự liên đới với dân do thái, điều mà mọi kitô hữu phải có, không được dẫn họ đến việc thay thế sự thiên vị này bằng một sự thiên vị khác. Nhưng có những trắc trở phải được tháo gỡ ở đây. Trước tiên bằng sự phát triển tinh thần phê bình của người kitô hữu đố với những tin tức có khuynh hướng đơn giản hoá quá mức một thực tại phức tạp. Và nhất là cho thấy bản chất đích thực của sự liên đới giữa Giáo Hội và dân do thái, đó là một sự liên đới khác với sự lựa chọn bên này chống lại bên kia. ĐGH Gioan Phaolô II đã nhắc lại nhiều lần rằng dân do thái được tuyển chọn là điều không thể quay ngược lại. Đó là dấu hiệu sống động và trường cửu của sự trung thành của Thiên Chúa. Đây không phải là phải biện luận một cách vô điều kiện cho những sáng kiến do thái, nhưng là hiểu rằng sự trung thành của Thiên Chúa là nguồn của ơn cứ độ cho người do thái hay không do thái. Nhân loại không được cứu độ bởi những lý tưởng vĩ đại hay những sự trừu tượng lớn lao (sự quảng đại, sự liên đới vv...), nhưng bởi sự dấn thân của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, dấn thân mà sự tuyển chọn dân do thái là dấu chỉ trường cửu.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch   

 

  

 

 


Về Trang Mục Lục