Phỏng vấn tác giả cuốn phim tài liệu « Sự thinh lặng lớn lao »

 

Phần 1

 

 

Rôma ngày 23/1/2007

 

Ông Philippe Gröning, người Đức, đã thực hiện một cuốn phim tài liệu về đời sống trong một tu viện Xitô tại Pháp với tựa đề « Sự thinh lặng lớn lao » (Le grand silence). Cuốn phim đã được phát hành cuối năm 2006. Thông tấn Zenit trích lại một phần của cuộc phỏng vấn ông Gröning do bà Bénédicte Esnault thực hiện và được đăng trên trang internet của Hội Đồng Giám Mục Pháp (www.inxl6.org).

 

B. Esnault : Khi nói về sự khiêm nhường, ông đã quay cảnh một tu sinh mới trong cộng đồng. Đó là một lúc rất thân thiết và không có ngưòi thân gia đình ở đó. Ông cảm thấy thế nào lúc đó ? Như một kẻ không mời mà đến, như một con chuột nhỏ, như một phóng viên ?

 

P. Gröning : Chắc chắn không phải là một phóng viên và cuốn phim chẳng có gì giống một bài phóng sự cả. Trong tiếng Pháp, cuốn phim là một điều và tài liệu là một điều khác. Trong tiếng Đức không như thế, người ta nói một cuốn phim tài liệu bởi vì cuốn phim là điều xử dụng phim ảnh nhưng đó là một tài liệu. Lúc đầu tôi rất cảm thấy như một kẻ không mời mà đến. Tôi rất sợ những tiếng động do quần áo của mình gây nên, những sự đụng chạm, những tiếng động nhỏ của máy quay... Rồi tôi quay chân dung thật gần của các tu sĩ bởi vì tôi ý thức rằng tôi đang hiện diện một cách âm thầm ở đó, tôi quá sợ làm phiền đến nỗi chỉ đứng ở những xó nhà và tôi nghĩ rằng tôi không thể làm một cuốn phim được với tư thế đó. Do đó phải đi vào, đối diện với đối tượng và tôi quay những chân dung các thầy. Chân dung là cách chiến đấu của tôi chống lại sự sợ hãi.

 

B. Esnault : Thế các tu sĩ đã phản ứng ra sao với những chân dung ông quay ?

 

P. Gröning : Thật là buồn cười bởi vì các thầy Xitô cũng có quyền nói chuyện trong một số trường hợp khi cần thiết cho công việc. Do đó có nhiều thầy lợi dụng cơ hội để hỏi tôi như : « ông muốn tôi làm gì trước ống kính ? ». Nhưng tôi không trả lời gì cả. Bởi vì tôi phải giữ im lặng, đó là một trong những điều kiện tôi chấp nhận với nhà dòng. Bởi thế những giây phút đó là những lúc thật thân mật và cũng buồn cười nữa. Nó như thể sự đảo lộn các vai trò và đó là điều thật huyền ảo. Lúc đó tôi thật sự hoà mình vào nơi tôi đang sống.

 

B. Esnault : Có một câu trong phim được lập lại nhiều lần. Câu đó đến với ông khi quay phim hay ông đã chuẩn bị trước ?

 

P. Gröning : Không, tôi không chuẩn bị trước. Tôi không nghĩ là phải chuẩn bị nhiều trước cho một phim tài liệu. Về mặt kỹ thuật thì phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, phải biết xử dụng gì cho mỗi hoàn cảnh và xử dụng ra sao. Nhưng điều người ta tưởng tượng là phải biết trước mọi thứ là sai. Người ta không biết trước bởi vì người ta không sống điều đó. Do đó những câu nói tôi tìm ra là trong lúc quay phim. Trước khi bắt đầu, tôi đã giải thích cho cộng đoàn mục tiêu của phim và tôi nói tôi tìm những câu nói để lồng vào phim, các thầy đã đề nghị một số câu. Câu « Chúa đã hấp dẫn con, con để Ngài hấp dẫn con » là do các thầy gợi ý. Câu « Ai không bỏ tất cả thì không thể theo ta » cũng thế. Điều khó là làm sao tìm ra sự quân bình giữa các câu.

 

B. Esnault : Sau kinh nghiệm của ông trong nhà dòng, ông có nghĩ là thế giới hiện nay gây quá nhiều tiếng động mà chả có nghĩa gì không ?

 

P. Gröning : Người ta ở một mình trong nhà dòng và trong thinh lặng là điều đúng. Nhưng luôn có những tiếng động nhỏ. Điều khác nhau là trong nhà dòng những tiếng động nhỏ có một ý nghĩa. Tôi nghe con quạ bay qua thung lũng, nó cũng có trong phim, cách xa khoảng 5 cây số. Nó bay qua buổi sáng và buổi chiều. Trong khi chúng ta có nhiều tiếng động, ảnh hưởng chẳng liên quan gì tới chúng ta. Theo nghĩa này, sự thinh lặng mà chúng ta sống còn kinh khủng hơn nhiều. Bởi vì chúng ta có rất ít những tương quan chân thật và sâu xa trong những tin tức, những phim ảnh, những phương tiện truyền thông ồ ạt đến với chúng ta... Có rất ít những điều liên quan đến chúng ta. Bạn không thể nhớ lại những tin tức đã nghe cách đây ba ngày và người ta để mình tràn ngập bởi chúng, điều đó gây nên một sự thinh lặng rất sâu xa. Tôi có cảm tưởng là trong cuộc sống, chúng ta có lẽ còn cô đơn hơn các tu sinh nhiều. Họ sống riêng tư với 90% thời gian của họ, nhưng khi gặp gỡ nhau họ có một sự hiệp thông thực sự. Họ có một mục đích chung, họ có một hình thức sống chung, họ liên kết với nhau một cách rất sâu đậm. Do đó tôi nghĩ không có quá nhiều trong thế giới chúng ta sống, trái lại có rất ít. Thật ra người ta gần như sống trong một sa mạc, nhưng là thứ sa mạc kềnh càng, đầy ngắt và ồn ào không thể tưởng tượng nổi.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 


Về Trang Mục Lục