Phỏng vấn tác giả cuốn phim tài liệu « Sự thinh lặng lớn lao »

 

Phần 2

 

Rôma ngày 23/1/2007

 

B. Esnault : Vậy thì chính các tu sinh có thực tại thời gian, thời gian thật sự chăng ?

P. Gröning : Thực tại thời gian là vấn đề chính yếu trong một nhà dòng. Đó luôn là câu hỏi về đâu là thực tại, đâu là điều tốt thực sự. Có phải cánh cửa kia là điều thực sự không, hay ly nước trên bàn ? Cái nào là điều thật hơn ? Tôi nghĩ các thầy có thời gian hay ít ra họ làm việc để có nó. Hiện tại không phải là điều mà người ta tự có, nhưng người ta có thể cố gắng đạt tới. Nếu người ta làm điều đó thì người ta tiến đến gần hơn. Nhưng các tu sinh với sự vắng mặt của ngôn ngữ, họ rất gần với hiện tại. Trong thế giới ngôn ngữ của chúng ta, người ta luôn luôn làm dự tính khi người ta nghĩ tới tương lai. Tương lai như đã bị trói buộc : dự tính, nỗi lo sợ, những bổn phận; chúng ngăn cản hiện tại hiện hữu. Trong tu viện, hiện tại đang ở đó bởi vì họ biết chẳng có gì phải lo lắng. Họ biết trong khoảng 20 phút nữa sẽ có tiếng chuông và họ sẽ đọc kinh cầu nguyện. Tương lai là hiện tại đang đến với họ, nhưng đó không phải là điều mà họ phải kiểm soát.  

 

B. Esnault : Có điều gì quan trọng trong phim mà ông muốn nói mà chúng ta không đề cập không ?

 

P. Gröning : Tôi nghĩ điều quan trọng của cuốn phim là nó không cung cấp những tin tức mà cống hiến cơ hội của một kinh nghiệm rất sâu xa và rất riêng tư. Đó là một cuộc hành trình cá nhân. Điều quan trọng là đó là một đời sống rất tự do, bởi vì đó là đời sống được giải thoát khỏi mọi lo sợ. Đó là điều tôi đã học hỏi trong nhà dòng : người ta sống với một thế giới có quá nhiều lo sợ. Người ta nghĩ rằng lo sợ là cần thiết. Nhưng không phải thế. Phần lớn những lo sợ thì rất nông cạn. Lo sợ là một phương cách để kiểm soát thế giới mình sống. Trong nhà dòng tôi đã hiểu rằng điều trái ngược với lo sợ không phải là sự can đảm, bởi vì can đảm cũng là kiểm soát thế giới mình sống. Điều trái ngược với lo sợ là sự tin tưởng, đó là một giá trị chính yếu và sâu xa mang đến hạnh phúc. Đó là điều mà người ta thấy nơi các tu sinh.

 

B. Esnault : Ông đã quyết định không lồng sự chú giải bằng lời nói trong phim, điều đó có thể hiểu được. Nhưng cũng không có nhạc trong khi âm nhạc có thể giúp cho việc suy niệm.

 

P. Gröning : Không, bởi vì nếu người ta làm một cuốn phim về một nhà dòng khắc khổ thì phải tìm ra một hình thức khắc khổ phù hợp. Đó là một lựa chọn rõ ràng ngay từ đầu : không lồng lời chú giải và âm nhạc để người ta có thể cảm nhận thế nào là một tu viện. Có hai điều nguy hiểm lớn trong cách nhìn một tu viện. Thứ nhất là tu viện là một nơi buồn thảm, đen tối và nặng nề. Thứ hai là nhìn nó như một tấm thiệp phong cảnh. Nếu lồng âm nhạc vào thì người coi sẽ rơi ngay vào những cái nhìn này.

 

B. Esnault : Khi soạn phim, ông đã có một lựa chọn rất lạ. Ông đã đặt một lúc các tu sinh thư dãn trên núi vào cuối phim, trong khi đáng lẽ ra nên đặt nó vào giữa phim như một phút để nghỉ ngơi. Tại sao ông lại chọn như thế ?

 

P. Gröning : Tôi muốn làm một cuốn phim hơi giống như một nhà dòng. Tôi nghĩ là trong đời sống tu viện của các thầy dòng, lúc đầu là lúc khó khăn nhưng dần dần nó trở nên nhẹ nhàng hơn. Giống như là một cuộc du hành đến ánh sáng, tôi muốn đặt giây phút đó là lúc rất trong sáng, rất tự do vào phút cuối để giúp người xem thực hiện một chút cùng một cuộc hành trình, sau một thời gian dài, người ta đi đến một sự nhẹ nhàng thảnh thơi. Nói đến sự nhẹ nhàng thì dễ, nhưng để đạt được tới đó là điều rất khó, nhưng khi người ta đạt tới thì đó là điều rất sâu xa.

 

B. Esnault : Trong cuốn phim tài liệu có một sự tìm kiếm nghệ thuật và một sự tìm kiếm bản thân. Người thân trong gia đình ông nhìn tác phảm của ông ra sao ?

 

P. Gröning : Người thân trong gia đình tôi rất ấn tượng về thời gian tôi cống hiến cho việc này. Có những người nói là đi đến tận cùng một câu chuyện như thế là điên rồ. Nhiều người, thí dụ như như con trai tôi đã 20 tuổi, khi tôi từ tu viện trở về đã nói với tôi rằng tôi đã thay đổi nhiều, thay đổi theo hướng tốt hơn, bởi vì tôi tự tin hơn và tôi nhìn thấy điều tốt trong những sự việc xẩy đến. Những người thân của tôi nói là tôi bận rộn quá và khó tiếp xúc với tôi, nhưng họ có cảm tưởng là cộng việc mang đến điều tốt cho tôi. Trong thời gian dựng phim, họ lo sợ cho tôi, vì đó là việc rất khó khăn.

 

B. Esnault : Người ta có cảm tưởng là mặc dù sự thinh lặng chiếm phần lớn không gian, có một tình huynh đệ giữa các tu sinh.

 

P. Gröning : Tình huynh đệ là điều làm ngạc nhiên nhất. Các thầy đã đón tiếp tôi một cách rất nồng hậu. Họ cởi mở và chân tình. Đó là điều thật sung sướng. Ngay cả các thầy chống lại cuốn phim cũng thế. Có một thầy tới giúp tôi mang chân máy quay phim khi tôi đang quay phim trong tuyết, bởi vì chân máy rất là nặng. Tôi hỏi thầy tại sao thầy lại giúp tôi khi thầy chống lại cuốn phim. Thầy đã trả lời tôi : « Tôi chống lại cuốn phim, nhưng tôi là người Kitô giáo, tôi bắt buộc phải giúp ông như một người. Tôi thấy ông cần sự giúp đỡ, do đó tại sao tôi lại không giúp đỡ ông ? ». Và với một nụ cười thật tươi, thật là một sự tử tế không thể tin được.

 

B. Esnault : Sau khi coi cuốn phim, các tu sinh đã nghĩ gì về nó ?

 

P. Gröning : Họ rất thích và ngưỡng mộ cuốn phim. Có một thầy chống lại cuốn phim và sau khi coi xong thầy nói rằng : phải thú nhận là tôi đã coi thường sức mạnh của phim ảnh và điều mà phim ảnh có thể làm.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục