Một ơn gọi đến muộn

 

 

Paris ngày 22/11/2007

 

Để kỷ niệm 40 năm ngày thành lập tạp chí kinh tế L’Expansion (Pháp), số báo tháng 10 đã đăng một số chân dung nghề nghiệp của những người 40 tuổi trong xã hội Pháp hiện nay, trong đó có cha Gabriel Sampré, một cha xứ họ đạo tại vùng ngoại ô Paris.

 

Cha Sampré nói một cách nghiêm trang : « 40 là một con số trong Kinh Thánh, từ 40 ngày lũ lụt đến 40 ngày ăn chay của Đức Giêsu trong sa mạc. Một cách tượng trưng, thời gian này có điểm chung là dẫn tới một cuộc khởi hành mới ». Vào tuổi 40, cha là một bằng chứng cho điều này. Kể từ ngày 1/9, cha được chuyển từ cha phó của họ đạo Notre-Dame d’Auteuil tại quận 16 Paris đến làm cha xứ họ đạo Saint-Louis tại Villemombre, một thành phố ngoại ô Paris.

 

Cha xứ trẻ này không quan tâm tới những câu hỏi triết lý về cuộc sống mà những người gần tới 40 tuổi đôi khi tự đặt ra. Cha hay nói : « Tôi rất vui sướng đã tìm ra con đường của mình ». Xuất thân là một kỹ sư, cha đã làm việc nhiều năm trong thế giới những phòng mua bán tài chánh của một ngân hàng lớn sau khi đã thi hành nghĩa vụ quân sự trong hải quân. Cha làm ra rất nhiều tiền, nhưng đồng thời cha có mộ đời sống tinh thần phong phú và đã là thiện nguyện viên cho dòng Tiểu Đệ của những người nghèo.

 

Cha kể : « Hiện nay, đời sống làm việc với hàng triệu triệu euro đã quá xa đối với thực tại của tôi là giúp đỡ tha nhân ». Bởi vì vào lúc 29 tuổi, cha quyết định đi tu. 6 năm trong chủng viện : 2 năm triết học và 4 năm thần học ! Và cha thú nhận : « Trong khi không biết gì về đời sống hằng ngày của một linh mục. Nhưng tôi cảm thấy đủ tự do để chọn đời sống của mình và để trả lời cho một niềm thâm tín đã ám ảnh tôi ngay từ thuở nhỏ. Tôi đã hằng uớc ao đi theo Đức Kitô ». Đối với Gabriel Sampré, được lớn lên trong một gia đình công giáo sống đạo, niềm tin là một điều hiển nhiên dù trong một thế giới đang bị phi kitô hoá.

 

Mặc dù có con đường đặc biệt, cha Gabriel không phải là người nổi loạn. Cha không đặt lại nghi vấn những nguyên tắc của Giáo Hội. Cha chỉ hiện đại hoá niềm tin : « Vấn đề chỉ là cụ thể hoá lời của Đức Giêsu Kitô trong đời sống hằng ngày, giúp đỡ người tín hữu gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là một cách làm bớt gánh nặng cho họ khi mà đời sống càng ngày càng trở nên khó khăn ». Phuơng pháp của cha thì rất đơn giản : « Tôi là tôi và tôi nói với các tín hữu của tôi một cách đơn giản, nhưng nhất là tôi lắng nghe họ » để cống hiến cho họ một sự sẵn sàng hoàn toàn. Cha nhìn nhận : « Khi người ta lãnh nhận một cách nhưng không từ Thiên Chúa thì người ta phải biết cho đi một cách nhưng không. Xuất thân từ một gia đình khá giả, tôi đã luôn luôn là một người được biệt đãi ».

 

Tham vọng của cha được tóm tắt rất đúng theo ngôn ngữ marketing : tham gia vào việc làm giá trị lại hình ảnh của đạo công giáo nhằm mang nó đến như câu trả lời cho khát vọng ngày càng lớn mạnh của con người muốn hướng tới đời sống tinh thần trong một thế giới mà lý tưởng chính trị đã ngụm tắt. Đứng trước một cá nhân chủ nghĩa lạ thay ngày càng mạnh vì sự toàn cầu hoá, tôn giáo tạo nên những tương quan trong xã hội, dệt nên những mạng lưới. Nhất là không rao giảng như trong sa mạc.

 

   

L’Expansion, số tháng 10 năm 2007

Lang Biang dịch

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục