ĐGH Bênêđictô XVI : tình yêu, yếu tố duy nhất đề cao công lý

 

 

Rôma ngày 3/5/2007

 

Nhân dịp hội nghị thứ 13 của Viện Giáo hoàng về những Khoa học Xã hội diễn ra từ 27/4 đến 1/5 với đề tài về lòng bác ái và công lý trong những tương quan giữa các dân tộc, ĐGH Bênêđictô XVI đã gửi cho bà Mary Ann Glendon, chủ tịch, và những tham dự viên một sứ điệp. Trong đó ĐGH nhấn mạnh : « Chỉ có tình yêu tha nhân mới có thể phát triển trong chúng ta công lý để phục vụ sự sống và sự đề cao nhân phẩm. Chỉ có tình yêu trong gia đình, được thiết lập bởi người nam và người nữ đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, mới có thể bảo đảm sự liên đới giữa các thế hệ, nó truyền lại tình yêu và công lý cho những thế hệ tương lai. Chỉ có lòng bác ái mới có thể thúc đẩy chúng ta một lần nữa đặt con người vào trọng tâm của sự sống trong xã hội và vào trọng tâm của một thế giới toàn cầu được công lý ngự trị ».

 

ĐGH khẳng định lại nguyên tắc thiết yếu rằng tất cả những sản phẩm từ đất đai và tất cả những điều mà con người biến chế và sản xuất, tất cả những hiểu biết và tất cả những kỹ thuật đều được nhắm tới việc phục vụ sự phát triển vật chất và tinh thần của gia đình nhân loại và của mỗi phần tử trong đó.

  

Theo ngài, thế giới hiện nay có ba thách thức phải đương đầu. Chúng chỉ có thể được giải quyết bằng một sự dấn thân cho một nền công lý cao nhất, đó là công lý đến từ lòng bác ái.

 

Thách thức thứ nhất là sự bảo tồn môi trường và sự phát triển lâu dài. Đó là bổn phận của tất cả các dân tộc để bảo tồn gia sản thiên nhiên mà hoa trái là những điều cần thiết cho sự sống sung túc của nhân loại. ĐGH cảnh giác rằng một sự phát triển chỉ giới hạn trong khía cạnh kỹ thuật và kinh tế và bỏ quên chiều kích luân lý và tôn giáo thì không là một sự phát triển con người toàn diện. Chỉ một chiều, sự phát triển tạo cơ hội cho khả năng tàn phá của con người.

 

Thách thức thứ hai là quan niệm về con người. Theo ngài, khi nào con người chưa được coi như những con người, nam và nữ, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, có một nhân phẩm không thể bị trà đạp thì sẽ rất khó đi đến một nền công lý hoàn toàn trên thế giới. ĐGH tiếc rằng còn nhiều điều phải làm để đi đến sự nhìn nhận này trong những vấn đề tổng quát như sự khác biệt gia tăng giữa các nước giầu và các nước nghèo.

 

Thách thức thứ ba liên quan đến những giá trị tinh thần, chúng là đặc tính của con người và được phát triển khi chúng được hiệp thông, bởi vì những sản phầm tinh thần như sự hiểu biết và sự giáo dục thì không thể tách biệt được. ĐGH nhấn mạnh đến sự bình đẳng trong những cơ hội, nhất là trong những lãnh vực giáo dục và truyền bá tri thức. Ngài tiếc rằng sự giáo dục, nhất là trong các lớp tiểu học, thì rất hạn chế trong nhiều nơi trên thế giới.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 


Về Trang Mục Lục