Làm sao phúc âm hoá một dân tộc với sự nhìn nhận nền văn hoá của họ

 

 

Rôma ngày 16/9/2007

 

Loan báo cùng niềm tin trên mọi lục địa. Đó là lời kêu gọi của Đức Kitô tới các môn đệ hôm qua và hôm nay. Nhưng làm sao thực hiện điều đó đồng thời chú ý đến nền văn hoá riêng của mỗi dân tộc ? Zenit đã nói chuyện với cha Martin Pradère, linh mục của Cộng Đồng Emmanuel và là tác giả cuốn sách « Hãy thu nhận các môn đệ trong mọi quốc gia, một sự phúc âm hoá tôn trọng các văn hoá ».

 

Zenit : Hội nhập văn hoá, từ ngữ bí ẩn này dường như không thể tránh khi người ta đề cập đến sự truyền bá Phúa Âm mới. Đó là điều gì thưa cha ?

 

Cha Martin Pradère : Từ ngữ này chỉ quá trình hai mặt của sứ điệp : một mặt là Phúc Âm hoá các văn hoá và mặt khác là quy tụ những phong phú của các nền hoá này vào trong gia sản của Giáo Hội để Giáo Hội càng ngày càng trở nên công giáo hơn, nghĩa là phổ quát hơn.

 

Zenit : Tại sao vấn đề hội nhập văn hoá ngày hôm nay được đặt ra với nhiều mãnh liệt như thế thưa cha ?

 

Cha Martin Pradère : Thời đại truyền giáo đặc biệt của những thế kỷ 19 và 20 đã dẫn đến sự xuất hiện của những Giáo Hội trẻ Phi châu, Á châu và Đại Dương châu, họ đòi hỏi một cách chính đáng sự lưu ý đến gia sản văn hoá của họ trong sự biểu hiệu niềm tin của họ. Tiến trình này trở nên khẩn cấp ngày hôm nay vì hiện tượng toàn cầu hoá. Thật vậy, sự toàn cầu hoá dẫn đến những biến chuyển rất lẹ trong những thái độ tập thể, nó có thể làm biến mất những kho tàng của sự khôn ngoan trong những truyền thống lâu đời.

 

Zenit : Những vị tiền nhiệm của niềm tin của chúng ta trong quá khứ có thể đã thực hành việc hội nhập văn hoá mà không biết không thưa cha ?

 

Cha Martin Pradère : Thật ra vấn đề hội nhập văn hoá thì cũng xưa như lịch sử cứu độ. Dân Do Thái trong Cựu Ước đã biết hội nhập những phong phú của những văn hoá Á châu (Mésopotamie, Canaan, Ba Tư…), Phi châu ( Ai Cập), Âu châu (Hy Lạp) mà họ đã gặp gỡ sau khi đã thanh tẩy chúng. Từ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội, từ nguồn gốc Do Thái, đã rộng mở đón nhận rất sớm những phong phú của các quốc gia ngoại giáo để tuyên bố Đức Kitô sống lại trong tất cả các ngôn ngữ và tất cả các văn hoá.

 

Zenit : Đâu là những nguy hiểm của một sự hội nhập văn hoá được hiểu sai thưa cha ?

 

Cha Martin Pradère : Nguy hiểm ngày hôm nay là sự hội nhập văn hoá được coi như một quá trình giải phóng trước sự thống trị văn hoá của các Giáo Hội Âu châu, bắt nguồn từ những vết thương mà lịch sử đã để lại. Chẳng hạn thượng hội đồng giám mục Á châu đã mang ra áng sáng sự kiện đáng ngạc nhiên : Đức Giêsu, nguồn gốc Á châu, bị che dấu tại quê hương mình bởi vì người Á châu nhìn Ngài đúng hơn như một người tây phương. Trong các Giáo Hội Phi châu, dư luận cho rằng Kitô giáo đã phục vụ cho việc thực dân hoá thường được biểu hiệu trong các giới tri thức. Trái ngược lại, hội nhập văn hoá có thể bị coi như một quá trình cá nhân hoá có nguy cơ dẫn đến tình trạng những đặc tính được đặt bên nhau chứ không phải là biểu hiệu của cùng một lòng tin trong các văn hoá khác nhau.

 

Zenit : Làm sao để tránh những nguy cơ này thưa cha ?

 

Cha Martin Pradère : Một sự phúc âm hoá và một nền giáo lý sâu sắc là những điều cần thiết để luôn nhắm đến Đức Kitô, Người siêu việt trên các văn hoá. Theo nghĩa này, một sự hiểu biết sâu sắc hơn về Kinh Thánh, Cựu Uớc và Tân Ước, theo tôi có thể giúp tránh nhiều tranh cãi sai lầm. Những người kitô hữu Âu châu, Á châu và Phi châu có thể thấy trong Đức Giêsu Kitô gốc rễ tinh thần chung của họ, đó là thế giới Do Thái, và đi đến một sự hiệp thông thật sự một cách dễ dàng hơn. Mặt khác, Kinh Thánh giúp đọc lại các văn hoá và làm nổi bật lên những « mầm mống của Lời » tiềm ẩn trong đó cũng như những điều cần phải được thanh tẩy. Ngược lại, các nền văn hoá giúp đọc lại Sách Thánh trong truyền thống sống động của Giáo Hội và trong sự trung thành với Giáo Huấn của Giáo Hội.

 

Zenit : Người ta nói nhiều đến sự cần thiết mạnh mẽ của một sự phúc âm hoá trong những nước của Âu châu đã già. Sự quay về với cội rễ Do Thái và Kinh Thánh như cha nhắc đến có thể được áp dụng cho những nền văn minh tây phương của chúng ta không ?

 

Cha Martin Pradère : Đúng, tôi nghĩ như thế. Trong bài diễn văn nổi tiếng tại Ratisbonne đã bị quá hiểu lần, ĐGH Bênêđictô XVI đã cho thấy, nhất là từ Kinh Thánh, rằng đặc tính của Âu châu gắn liền với sự gặp gỡ giữa niềm tin do thái – kitô giáo và triết học hy lạp. Âu châu ngày hôm nay cần tìm lại sự đối thoại phong phú giữa niềm tin và lý trí đã đánh dấu sâu trong lịch sử của nó. Sự khám phá lại cội rễ do thái và Kinh Thánh đặc biệt có thể giúp lục địa « chán ngán » của chúng ta tìm lại được ý nghĩa và tình yêu sự sống dước ánh sáng của Đức Kitô phục sinh.    

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục