Ý nghĩa của nghệ thuật vẽ ảnh thánh


Một số nhận định của thần học gia kiêm sử gia Francois Boespflug, dòng Đa Minh, về ý nghĩa của nghệ thuật vẽ ảnh thánh

Trong mùa Vọng và mùa Giáng Sinh tại nhiều nước Âu châu, đặc biệt là Italia, có rất nhiều hàng quán bán các ảnh tượng hang đá nghệ thuật đủ kiểu đủ loại rất đẹp. Tại hí trường Colosseo ở Roma hiện cũng có cuộc triển lãm mấy trăm hang đá nghệ thuật quốc tế. Riêng tại thành phố Napoli, nam Italia, hằng năm các nhà làm và bán tượng ảnh Giáng Sinh cũng bán tượng của các nhân vật chính trị nổi tiếng thế giới như tượng của tổng thống Bush và đặc biệt là tượng của tổng thống tân cử Barack Obama.

Trước làn sóng tục hóa và duy đời cực đoan muốn loại bỏ các truyền thống Kitô khỏi cuộc sống của người dân các nước Kitô Âu châu, Italia vẫn duy trì được nhiều truyền thống cao qúy, trong đó có truyền thống làm hang đá giáng sinh với các kỹ thuật rất tinh vi sống động. Thật ra Italia là quốc gia quy tụ 70% gia tài nghệ thuật toàn thế giới thuộc đủ mọi ngành hội họa, điêu khắc, kiến trúc và đặc biệt là sản xuất và bán cảc ảnh tượng thánh.

Cũng liên quan tới nghệ thuật vẽ ảnh tượng thánh, hồi cuối năm 2008 vừa qua Linh Mục Francois Boespflug, dòng Đa Minh, đã cho xuất bản một cuốn sách dầy tựa đề ”Thiên Chúa và các hình ảnh của Người. Một lịch sử của Đấng Vĩnh Cửu trong nghệ thuật”. Cha Boespflug là giáo sư nghệ thuật thánh tại đại học Strasbourg bên Pháp, đồng thời là chuyên viên nghiên cứu các hình vẽ trong lịch sử nghệ thuật thánh từ hơn 30 năm qua. Theo cha, diễn tả Thiên Chúa ra bằng hình ảnh là một việc không thể làm được. Nhưng hình vẽ có khả năng vượt thắng được hạn hẹp này.

Sau đây là một số nhận định của cha về ý nghĩa hình ảnh trong nghệ thuật thánh.

Hỏi: Thưa cha tại sao Kitô giáo lại đã chỉ khám phá ra là mình yêu thích các hình ảnh thánh một cách từ từ, chứ không có ngay từ đầu?

Đáp: Ngày nay nữa việc diễn tả Thiên Chúa ra bằng các hình ảnh vẫn được coi như là một loại mâu thuẫn. Các tín hữu độc thần khác như người do thái và người hồi lại còn nghi ngờ hay chống đối các hình ảnh. Các hình ảnh Kitô liên quan tới các chủ thể mà tín hữu bước vào trong mối tương quan liên chủ thể. Nói cho cùng nó không liên quan tới một sự thật, cũng không minh giải một đề tài hay diễn tả một giai đoạn hoặc một lịch sử.

Hình ảnh vượt qua sự minh giải và trình thuật. Thần học gia người do thái Martin Buber đã viết rằng: ”Thiên Chúa của các tín hữu Kitô vừa không có hình ảnh, vừa được diễn tả bằng hình ảnh”. Ông nói tới một Thiên Chúa đáng lý ra không có hình ảnh.

Thật ra tín điều Kitô đã luôn luôn nhấn mạnh rằng đối với mọi họa sĩ việc vẽ hình ảnh của Thiên Chúa là điều không thể làm được. Việc bắt chước thực tại không thể thực hiện được, vì Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn thiên linh nên không có một hình thể. Đồng thời trong nghệ thuật cổ Kitô, Thiên Chúa đã được diễn tả ra một cách từ từ, bắt đầu từ những hình ảnh nhân hình rất quen thuộc và thường xuyên hơn. Nhưng các hình ảnh này là một yếu tố của hiện tại được tín hữu sống.

Hỏi: Việc vẽ hình của Thiên Chúa đã trở thành hoàn toàn hợp pháp vào thế kỷ nào thưa cha?

Đáp: Nhiều nghi ngờ còn sót lại đã tan biến sau Công đồng Nicea thứ II năm 787. Nhờ gia tài của các Giáo Phụ, trong một văn bản rất chính xác Công đồng cho rằng khi tin vào Ngôi Lời nhập thể, thì không có lý do khước từ hình ảnh diễn tả Người. Điều này sẽ được diễn tả ra bằng một quyền sáng tạo, trình bày và tôn kính các hình ảnh của Chúa Kitô, của Đức Trinh Nữ Maria, của các thiên thần và các thánh. Nhờ một minh giải tín lý ngoại thường sẽ có một nền tảng vĩnh viễn được thiết lập liên quan tới sự hợp pháp của khoa vẽ ảnh tượng thánh Kitô.

Hỏi: Thưa cha, thế thì đâu là các yếu tố sẽ ảnh hưởng trên sức bành trướng và lan tràn của các ảnh tượng trong thời trung cổ?

Đáp: Tôi đã không bao giờ tin vào lý thuyết của nhu cầu dựa trên sự đối kháng giữa giáo quyền và tín hữu, hay lý thuyết cho rằng dân chúng và tín hữu đòi giáo quyền phải thỏa mãn nhu cầu có ảnh tượng, và giáo quyền đã phải nhượng bộ. Thật ra thì đã có nhiều Giám Mục nổi tiếng ưa thích các ảnh tượng và khuyến khích nghệ thuật vẽ ảnh tượng. Tôi tin nhiều hơn vào điều mà tôi sẽ định nghĩa là năng động diễn tả các trực giác mạnh mẽ. Một tôn giáo được một nền văn minh sống một cách sâu đậm, thì đương nhiên nó phải được diễn tả ra bên ngoài bằng các hình ảnh của nghệ thuật thánh. Và sau các diễn tả bằng lời nói, thì Kitô giáo đã chinh phục một cách có luận lý các kiểu diễn tả khác, từ nghệ thuật điêu khắc hội họa cho tới âm nhạc, kịch nghệ và văn chương. Thế rồi các kiểu diễn tả này ảnh hưởng trên các yếu tố đặc thù khác nữa, như việc suy tư về vài đoạn trong Phúc Âm, đặc biệt là Phúc Âm của thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu dùng rất nhiều lần động từ ”nhìn”, ”xem”, ”trông thấy”.

Hỏi: Vậy nghệ thuật Kitô có mang trong mình các dấu vết của các đảo lộn lớn của lịch sử hay không thưa cha?

Đáp: Thật rất khó mà áp đặt một cách chung chung cho các việc diễn tả Thiên Chúa ra bằng các hình ảnh, một thời đại dựa trên các yếu tố lịch sử, chính trị, dân số, kinh tế và cả giáo hội nữa. Giữa môt biến cố đảo lộn của một thời đại như trận dịch tả lớn và các hình ảnh thánh đã không có tương quan chặt chẽ. Trong một thời đại, trong đó mọi người đều cho rằng bệnh dịch hạch là một hình phạt của Thiên Chúa, thì người ta không nhận ra cái đen tối của kiểu diễn tả. Như thế xem ra lịch sử các hình ảnh thánh xem ra có một sự độc lập nào đó, một tiết nhịp gắn liền với các yếu tố thường hằng sâu thẳm của ý thức lòng tin.

Hỏi: Đâu đã là các thời kỳ phong phú nhất của việc vẽ các ảnh tượng trong lịch sử nghệ thuật thánh thưa cha?

Đáp: Vào cuối thế kỷ XI và tiền bán thứ kỷ XII, nghĩa là trong giai đoạn Roman, người ta đã sáng tác ra 5 lược đồ vẽ ảnh Chúa Ba Ngôi như còn biết nổi tiếng cho tới ngày nay. Còn có một giai đoạn khác mà tôi định nghĩa là giai đoạn phép lạ của nghệ thuật vẽ các hình ảnh thánh: đó là cuối thế kỷ XIII và đầu thế kỷ XIV. Trong các giai đoạn này các kiểu vẽ đều được mọi tầng lớp dân chúng ưa thích. Vì thế không thể nói tới nghệ thuật vẽ hình ảnh thánh của giới ưu tú, hay một nghệ thuật vẽ hình ảnh thánh của giới trung lưu hoặc của giới bình dân.

Hỏi: Thưa cha có nhiều người cho rằng trong thời đại hiện kim có cuộc khủng hoảng của nghệ thuật thánh. Cha có đồng ý như thế không?

Đáp: Bên Âu châu bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI các nghệ sĩ hướng tới các đề tài khác, nhưng không phải là họ không gặp các thời gian khắc khoải. Trong tác phẩm ”Tự họa với Chúa Kitô mầu vàng” họa sĩ Gauguin xem ra nói rằng: như là họa sĩ của thế hệ mới, tôi giả vờ chỉ chú ý tới tôi thôi, nhưng thật ra tôi vẫn tiếp tục nghĩ tới Chúa. Đồng thời nghệ thuật vẽ hình ảnh thánh ngày càng bỏ Âu châu để di cư sang các đại lục khác, và nó đã có các thành công ngoài đại lục Âu châu ngày càng gia tăng kể cả ngày nay nữa.

Hỏi: Sức sinh động mới này được diễn tả ra như thế nào thưa cha?

Đáp: Tôi chỉ xin đơn cử một thí dụ thôi: nghệ thuật vẽ hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi bên Mêhicô hiện nay đang thành công như chưa từng thấy từ trước tới nay. Và trong nhiều quốc gia khác người ta đang chứng kiến một hiện tượng nở rộ tươi vui khoan khoái của nghệ thuật thánh. Ngoài ra chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu của cảnh đóng đinh. Đề tài này đang đạt sự thành công chưa từng có trong lịch sử nghệ thuật. Xem ra sự thành công của đề tài đóng đanh tại mọi đại lục được gắn liền với nhu cầu tố cáo các bất công và các cảnh kinh hoàng của thời đại chúng ta ngày nay do chiến tranh, hận thù và sự tàn ác của con người gây ra như cảnh thành phố Nagasaki bị tàn phá bình địa vì bom nguyên tử, như cảnh Shoah diệt chủng của người Do thái nạn nhân của Đức Quốc Xã, như cảnh diệt chủng tại Rwanda, các cảnh khai thác bóc lột nông dân nghèo tại các quốc gia Châu Mỹ Latinh và biết bao nhiêu cảnh bất công tàn ác, mà con người gây ra cho nhau đó đây khắp nơi trên thế giới. Các thảm cảnh của thế giới hiện đại tìm thấy nơi con người bị đóng đanh trên thập giá một hình ảnh diễn tả một cách hùng hồn và không có gì hùng hồn hơn. Và đâu có ai đã có thể thấy trước được điều này đâu!

(Avvenire 4-12-2008)

Linh Tiến Khải

Nguồn Radio Vatican (http://www.radiovaticana.org/vie/index.asp)

 


Về Trang Mục Lục