Cơ may thành lập các hãng kinh doanh nhân bản hơn

Radiovaticana 20/10/2009 – Phỏng vấn ông Paolo Giuseppe Bianchi về cơ may thành lập các hãng kinh doanh nhân bản hơn, sau cuôc khủng hoảng kinh tế

Từ gần hai năm qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh đã vén mở cho thấy sự giòn mỏng của hệ thống ngân hàng và các hãng xưởng kỹ nghệ trên thế giới. Tuy nhiên theo ông Paolo Giuseppe Bianchi, giáo sư môn đào tạo giám đốc kinh doanh, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh cũng là cơ may giúp xét lại để tạo ra các hãng xưởng kinh doanh nhân bản hơn. Đó là nét đẹp của cuộc khủng hoảng. Giáo sư Paolo Bianchi cũng là người đã sáng chế ra chương trình gọi là ”Chương trình đan viện”, là khóa học dành cho các giám đốc các hãng xưởng kỹ nghệ kinh doanh theo tinh thần Luật của thánh Biển Đức. Đây là điều được giáo sư trình bầy trong cuốn sách tựa đề ”Cầu nguyện và làm việc. Luật biển đức áp dụng vào các chiến thuật kinh doanh và giám đốc điều hành”. Ông cũng là tác giả của cuốn ”Tại sao đầu tư vào việc đào tạo kinh nghiệm trong thời khủng hoảng?” được phổ biến miễn phí trên địa chỉ liên mạng của ông.

Giáo sư Paolo Giuseppe Bianchi năm nay 46 tuổi, từ nhiều năm qua thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo giám đốc các hãng xưởng kinh doanh trong các đan viện biển đức. Khóa học dậy các kỹ thuật ngoại thường trong lãnh vực hãng xưởng kinh doanh và ngay trong thời tài chánh kinh tế thoái hóa này, vẫn áp dụng phương pháp ”từ cuộc khủng hoảng sang niềm hy vọng”, nghĩa là nhìn xem và tái sáng chế ra tất cả với con mắt mới, làm sao để một khó khăn xem ra là một thất bại lại trở thành một lối thoát.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Paolo Giuseppe Bianchi về vấn đề này.

Hỏi: Thưa giáo sư nói áp dụng Luật của Thánh Biển Đức vào lãnh vực kỹ nghệ kinh doanh thì dễ. Thế thánh Biển Đức có thể đưa ra các lời khuyên nào cho những người thất nhiệp, hay cho các nhà kinh doanh đang trong giai đoạn phải đóng cửa các hãng xưởng của mình?

Đáp: ”Giờ đây chúng ta hãy mua cái gì có thể sẽ có lợi cho cuộc sống vĩnh cửu” thánh Biển Đức đã viết như thế trong phần dẫn nhập bộ Luật của mình. Điều này có nghĩa là ngay trong lúc bị khủng hoảng, giải pháp nằm tại chỗ ngày hôm nay phải chăm chú hết sức hoạt động đầu tư làm sao để gặt hái các kết qủa vào đúng lúc của nó. Có các nhà kỹ nghệ và các giám đốc hãng xưởng kinh doanh đang áp dụng điều này trong công việc của họ.

Hỏi: Áp dụng như thế nào thưa giáo sư?

Đáp: Cuộc khủng hoảng hiện hữu, tuy nhiên nó không được cản ngăn ước muốn thay đổi các sự vật. Tôi gặp các nhà kinh doanh trông thấy trong tương lai sẽ gặp các khó khăn lớn hơn trong việc kiếm lời. Cũng có người lợi dụng thời gian tài chánh kinh tế suy thoái này để tránh các vụ đầu tư vào việc đào tạo hay canh tân hãng xưởng. Nhưng cũng có nhiều người khác lợi dụng cuộc khủng hoảng để lượng định các sinh hoạt và cuộc sống của họ một cách khách quan hơn, bằng cách tái khám phá ra các giá trị xem ra đã mất. Vì trong những lúc khó khăn con người có khả năng lôi cái tệ hại nhất của mình ra ngoài, cũng như đưa ra các thay đổi triệt để.

Hỏi: Như thế từ cuộc khủng hoảng có thể phát xuất ra các điều tồi bại nhất cũng như các điều quảng đại nhất, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng đúng vậy. Theo tôi một đàng chúng ta đang chứng kiến một việc tái sinh lấy con người làm trung tâm trong hãng xưởng; đàng khác trái lại chúng ta sẽ có các nhà kinh doanh tàn ác hơn nữa trong việc chèn ép các nhân công thuộc quyền. Sẽ không có các con đường khác ở giữa hai kiểu phản ứng ấy. Và các hãng xưởng chú ý tới con người sẽ rất khác với các hãng xưởng chỉ nhắm thủ lợi.

Hỏi: Vậy thì bên nào sẽ thắng thưa giáo sư?

Đáp: Tôi không biết. Nhưng trái lại tôi biết là nếu một nhà kinh doanh không để cho các khía cạnh kinh tế cản ngăn mình, nếu liên tục đào tạo các nhân viên làm việc theo nhóm, bằng cách tạo ra một triết lý chung và chấp nhận hội nhập vào kiểu suy tư này, thì sẽ làm cho một đội ngũ nhân viên lớn lên có sức chiến thắng bất cứ cuộc khủng hoảng nào.

Như thế việc đầu tư lớn nhất là giáo dục đào tạo những người biết đối phó với các khó khăn thường ngày một cách đam mê, yêu thích nghề nghiệp của mình một cách sâu đậm, mà không dừng lại trước các vấn đề, bằng cách phát triển các khả năng chuyên môn của mình bên trong một nhóm.

Hỏi: Thưa giáo sư, người ta thường nói rằng ai chuyên môn nhiều, ai trang bị mình với các kỹ thuật tiến bộ thì sẽ sống còn, có phải thế không?

Đáp: Có thể là như thế, tôi rất tin tưởng nơi các kỹ thuật. Nhưng tôi nhớ rằng đàng sau các máy móc vẫn luôn luôn có các con người biết suy tư: phải làm việc trên chính các con người ấy. Có lần người ta đã hỏi ông Bill Gates rằng cần các triết gia hơn hay cần các kỹ sư hơn, và dĩ nhiên là ông đã chọn các kỹ sư. Riêng tôi thì tôi nghĩ rằng cần cả hai: các triết gia cũng như các kỹ sư.

Hỏi: Điều này có nghĩa là chỉ biết buôn bán không thôi thì không đủ hya sao thưa giáo sư?

Đáp: Ngày nay có một khuynh hướng đang lên đó là không coi người tiêu thụ như là một kẻ khờ dại để khai thác và vắt nước, nhưng tận tình trợ giúp và đáp ứng các nhu cầu của họ. Càng ngày tôi càng thấy ít các hãng xưởng chỉ hướng tới chỗ buôn bán hàng hóa thôi, nhưng cũng còn đồng hành với khách hàng của mình nữa. Chính cuộc khủng hoảng đã thuyết phục nhiều người thay vì chỉ sử dụng các tiêu chuẩn kinh tế, thì lại nhắm tới khách hàng như là bản vị con người, bằng cách trợ giúp họ thực hiện được các đòi hỏi của họ, nghĩa là cột buộc khách hàng vào với mình vì họ được thỏa mãn.

Hỏi: Nhưng mà các chiến thuật ”duy nhân bản” này có đứng vững nổi với thử thách kinh tế và sự cạnh tranh không thưa giáo sư?

Đáp: Không, bởi vì trong tức thì ai cống hiến cho khách hàng giá tốt hơn, thì người ấy thắng. Nhưng về lâu về dài các chiến thuật duy nhân bản sẽ thắng, bởi vì nhà doanh thương có thể dựa trên các yếu tố giúp đối phó với bất cứ thách đố nào. Dĩ nhiên cần có các kỹ nghệ gia sẵn sàng từ bỏ các lợi lộc tức thì, cần có các giám đốc hãng xưởng tin tưởng rằng khi họ đầu tư trên con người, họ sẽ nhận được lợi lộc. Đàng khác cả các công nhân viên cũng phải thay đổi thái độ. Đã hết thời chỉ có chủ nhân là dự cuộc chơi thôi, cần phải có thái độ sẵn sàng chia sẻ không phải các nguy cơ mà chia sẻ các giấc mộng kinh doanh giữa chủ và các nhân viên hãng xưởng. Như thế nổi bật lên ý niệm không phải hãng xưởng trả lương cho công việc làm của nhân công, mà hãng xưởng hỏi nhân công xem họ có thể làm gì để cải tiến hãng xưởng và làm cho nó được tốt lành hơn. Dĩ nhiên là cần phải có các lý do mạnh mẽ.

Hỏi: Kể cả các lý do kinh tế, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng đúng vậy. Thật ra có một vài nhà kinh doanh chấp nhận chia sẻ sức lớn mạnh của hãng xưởng với các công nhân viên của mình bằng cách cho họ khả thể sau một thời gian làm việc chia cổ phần của hãng xưởng và trở thành các người đồng đầu tư. Dĩ nhiên là phải có các người được soi sáng, sẵn sàng từ bỏ luận lý của quyền bính thuần túy: đây là triết lý chiến thắng, ai đào tạo những người biết chia sẻ giấc mộng, thì sản xuất tốt hơn và được bảo đảm lâu dài hơn. Trái lại nếu người ta hết mơ mộng thì họ sẽ trở thành những người sống mà như đã chết, và cả các hãng xưởng cũng thế.

Hỏi: Thưa giáo sư những gì giáo sư trình bầy xem ra là các lý do tôn giáo hay ít nhất chúng phát xuất từ một nền luân lý đạo đức nào đó.

Đáp: Tôi xin để qua một bên các lý do này. Tôi chỉ suy nghĩ đơn sơ rằng ai tin mạnh mẽ vào một cái gì đó, như là một nhà kinh doanh, thì phải nghĩ tới việc làm cho hãng xưởng của mình hoạt động lâu bền được chừng nào có thể. Nhưng bởi vì chúng ta bị hạn hẹp trong thời gian cũng như trong khả năng và tài cán, do đó càng có được nhiều tư tưởng và hành động đóng góp của các cộng sự viên bao nhiêu, lại càng có thêm nhiều khả thể làm cho giấc mộng kéo dài bấy nhiêu.

Hỏi: Như thế có nghĩa là giáo sư lạc quan chứ không bi quan trước cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trên thế giới hiện nay?

Đáp: Trong tiếng tầu từ ”khủng hoảng” được làm thành bởi hai từ ”nguy” và ”cơ”, nguy là vấn đề hay nguy hiểm, và cơ là cơ may. Điều này cho thấy người đông phương có một cái nhìn tích cực hơn đối với cuộc khủng hoảng. Có nguy hiểm đấy, nhưng cũng có cơ may làm khác để tránh nguy hiểm. Riêng đối với tôi giữa sự bi quan có tính cách vũ trụ và sự lạc quan hời hợt bề ngoài, tôi nhớ là có một khuynh hướng thực tế biết nhìn các vấn đề một cách nghiêm chỉnh nhưng vẫn rộng mở cho tương lai. Qúy vị có nhớ lời của thánh Biển Đức không? Thánh nhân đã từng nói: ”Hôm nay chúng ta hãy làm điều sẽ có lợi đời đời”. Luật của thánh nhân thật là rõ ràng đấy chứ.

(Avvenire 7-10-2009)

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục