Hãy gõ và cửa sẽ mở. Với điều kiện phù hợp với truyền thống

 

WHĐ (27.10.2009) – Sau khi Đức Hồng y William Levada, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, loan báo về Tông hiến mới sắp được ban hành, nhằm đón nhận những người Anh Giáo muốn hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo, đã có nhiều phản ứng cũng như những suy tư về Tông hiến “lịch sử” này.

Sau đây là bài viết của Sandro Magister [Sandro Magister sinh năm 1943 tại Busto Arsizio, thuộc Tổng giáo phận Milano. Học thần học, triết học và lịch sử tại phân khoa Thần học Milano và đại học Thánh Tâm (Università Cattolica del Sacro Cuore). Cao học thần học năm 1967. Là phóng viên. Viết cho tuần báo “L’espresso”. Chuyên về tin tức tôn giáo, đặc biệt về Giáo Hội Công giáo và về Vatican. Giảng dạy môn lịch sử chính trị tại đại học Urbino. Sandro Magister hiện đang sống tại Roma] trên trang chiesa.espresso.repubblica.it.

***

Việc gia nhập Giáo hội công giáo của một số giáo phận và giáo xứ Anh giáo có khuynh hướng chống chủ nghĩa hiện đại đã được loan báo. Khuynh hướng đại kết của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI xem ra ngày càng được nuôi dưỡng trong sự trung tín với truyền thống. Đó là trường hợp của những người theo giám mục Lefèbvre. Và còn của cả các Giáo hội chính thống phương Đông.

Cho tới gần đây nhất, các linh mục và giám mục của Liên hiệp Giáo hội Anh giáo, vốn thấy mình hợp với Đức giáo hoàng tại Roma hơn là với các thành phần lệch lạc chạy “theo phong trào hiện đại” trong Anh giáo, đã lần lượt chuyển sang Giáo hội Công giáo.

Tại Hoa Kỳ, một “Quy định mục vụ” do Bộ Giáo lý đức tin soạn và Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II phê chuẩn, đã được áp dụng vào năm 1980 để giải quyết các vụ chuyển giáo hội này. Văn kiện này đã giúp cho khoảng 80 linh mục Anh giáo nhập Giáo hội công giáo, gần như tất cả cùng với vợ và con cái của họ. Và cách đây hai năm, một giám mục, Jeffrey Steenson, được tiếp nhận trong một nghi lễ được cử hành tại vương cung thánh đường Đức Bà Cả, ở Roma. Steenson, 57 tuổi, lập gia đình và có ba con, đã được phong linh mục và gia nhập giáo phận Santa Fe, nơi ngài dạy môn Giáo phụ tại chủng viện.

Cũng có các nhóm tín hữu, hành động một cách tự động, theo sau các linh mục và giám mục này .Cho tới nay, mới chỉ có một trường hợp duy nhất là cả một giáo phận chuyển sang Công giáo. Đó là giáo phận  Amritsar, tại bang Penjab, Ấn độ, năm 1975.

Nhưng, từ nay, với Tông hiến của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sắp sửa được ban hành, việc các tập thể thuộc Anh giáo gia nhập Công giáo sẽ không còn là trường hợp ngoại lệ, mà là sự kiện bình thường.

Tông hiến đang ở giai đoạn được hoàn chỉnh để có thể được ban hành trong vòng hai tuần lễ nữa. Tuy vậy, Tông hiến đã được loan báo một cách long trọng tại hai cuộc họp báo được tổ chức cùng một lúc, vào sáng ngày 20.10, một tại Roma, với Hồng y William Levada, Bộ trưởng bộ Giáo lý đức tin, một tại Luân Đôn, với Tổng giám mục công giáo Westminster, Vincent G. Nichols, và Giáo trưởng Anh giáo, Rowan Williams.

Tại Luân Đôn, hai Tổng giám mục, Công giáo và Anh giáo, đã đưa ra một thông cáo chung, và đây cũng là một yếu tố hoàn toàn mới mẻ. Thực vậy, thông thường, một người rời bỏ một giáo hội Kitô giáo để gia nhập một giáo hội khác, thường ra đi với thái độ giận dữ.

Tuy nhiên, lần này lại có vẻ như việc chuyển giáo hội này được cả hai bên chúc lành.

Sự hòa hợp này khiến người ta nghĩ rằng nếu như Giáo hội Anh giáo không chấp nhận cho phụ nữ và người đồng tính sống chung với nhau như vợ chồng, được truyền chức linh mục và giám mục, –một quyết định tạo nên những sự phân hóa bi đát giữa những người đồng ý và người không đồng ý,– thì hẳn là sự hòa giải  giữa Giáo hội Công giáo và Anh giáo ngày nay đã tiến xa biết mấy. 

Một khi Tông hiến được ban hành, việc các giáo xứ và giáo phận Anh giáo –tại Anh quốc, Hoa kỳ, Australia và tại các nước khác– trong những năm gần đây, đã từng ngỏ ý muốn trở về với Roma, sẽ có thể tiến hành theo thể thức được ấn định trong Tông hiến. Các linh mục và giám mục có gia đình, đã lãnh nhận các chức thánh, sẽ có thể thi hành trở lại thừa tác vụ của mình như trường hợp của các linh mục có gia đình theo nghi thức Đông phương, kể cả Công giáo. Các cộng đoàn của họ sẽ được gắn với các “giáo phận  bản quyền tòng nhân” do các giám mục không lập gia đình và độc thân, điều khiển; đây cũng là cách thức các Giáo hội Công giáo và Chính thống vẫn thường làm. Trong phụng vụ, nghi thức Anh giáo, vốn đã rất giống với Công giáo, sẽ tiếp tục có hiệu lực.

Người ta tính là có khoảng bốn mươi giám mục và khoảng một trăm linh mục, cùng với các cộng đoàn của mình, nằm trong danh sách chờ đợi. Điều kiện để được chấp thuận sẽ là nhìn nhận quyền tối cao của giáo hoàng và giáo lý được trình bày trong Giáo lý của Hội Thánh Công giáo.

Trong tất cả các trường hợp, các cộng đoàn sẵn sàng gia nhập Giáo hội công giáo đều có khuynh hướng “nặng truyền thống” của Giáo hội Anh giáo.

Cũng như các cộng đoàn ly khai Lefèbvre có khuynh hướng  “vụ truyền thống”, và Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI gia tăng nỗ lực để họ trở về lại phục tùng Roma.

Cũng như các Giáo hội Chính thống rất gắn với truyền thống lớn, và sự tiếp xúc với các giáo hội này xem ra có nhiều kết quả hơn dưới triều Đức giáo hoàng hiện tại. Vòng thứ hai của cuộc đối thoại giữa công giáo và chính thống giáo về vấn đề quyền tối cao của giáo hoàng, theo ánh sáng của những gì đã được trải nghiệm trong thiên niên kỷ thứ nhất, đang diễn ra tại Chypre từ 16 đến 23.10. Vòng thứ nhất đã diễn ra ở Ravenne năm 2007.

Hiện nay, hơn bao giờ hết, dưới triều giáo hoàng của Joseph Ratzinger, con đường đại kết không xuất hiện như một bước nhảy tới thời hiện đại mà như một sự trở về lại với mảnh đất của truyền thống.

Sandro Magister

(Bài đăng trên http://chiesa.espresso.repubblica.it) BBT NN. chuyển dịch


Về Trang Mục Lục