Vài nét về Cuộc gặp gỡ giữa Tòa Thánh và đại diện Huynh Ðoàn Công Giáo Thủ Cựu Pio X.

Vatican [La Croix 26/10/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Như thông cáo của Ủy Ban "Ecclesia Dei" [Giáo hội của Chúa], tức Ủy ban đặc trách về các mối quan hệ với Huynh đoàn Pio X đã xác nhận, cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Tòa Thánh và đại diện của Huynh đoàn Pio X đã diễn ra trong bầu khí "thân thiện, tôn trọng và xây dựng".

Kể từ năm 1988, khi Huynh Ðoàn Pio X do Ðức cố Tổng giám mục Marcel Lefebvre, người Pháp, thành lập tại Econe, Thụy Sĩ, đây là lần đầu tiên mới có một cuộc gặp gỡ như thế giữa Tòa Thánh và đại diện của Huynh Ðoàn. Cuộc gặp gỡ đã cho phép hai bên thảo luận với nhau về hai cái nhìn khác nhau về Giáo hội.

Cần phải xác nhận rằng đây là một cuộc gặp gỡ để "thảo luận" chứ không phải để "thương lượng". Một giai đoạn mới đã mở ra trong lịch sử các mối quan hệ giữa Tòa Thánh và hậu duệ của Ðức cha Lefebvre. Ðược Ðức thánh cha Beneđitô XVI loan báo liền sau khi rút lại vạ tuyệt thông cho 4 vị Giám mục thủ cựu, cuộc gặp gỡ hôm thứ Hai 26 tháng 10 năm 2009 đặt các mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Huynh đoàn thánh Pio X vào trọng tâm của vấn đề. Trước đây, Huynh đoàn này chỉ đề cập đến vấn đề phụng vụ. Ðức Thánh cha đã ban hành tự sắc để cho phép cử hành thánh lễ theo nghi thức trước thời Công đồng Vatican II. Như vậy đòi hỏi của Huynh Ðoàn đã được đáp ứng và chướng ngại đầu tiên đã được tháo gỡ.

Nay, vấn đề thiết yếu còn lại chính là giáo thuyết. Ðây là nội dung của cuộc gặp gỡ giữa Tòa Thánh và đại diện của Huynh đoàn Pio X hôm thứ Hai 26 tháng 10 năm 2009. Chỉ sau các cuộc thảo luận về vấn đề giáo thuyết, hai bên mới "thương lượng" để xác định quy chế pháp lý cho việc tái hội nhập của Huynh đoàn vào trong Giáo hội.

Mới đây, Tòa thánh đã loan báo rằng Ðức thánh cha sẽ cho công bố một tông hiến về việc thiết lập một cơ cấu đặc biệt dành riêng cho các tín hữu Anh giáo muốn trở lại Công giáo mà vẫn duy trì gia sản Anh giáo của mình. Cơ cấu đặc biệt này cũng giống như các giáo phận tòng nhân.

Hiện nay, tại Roma, có nguồn tin cho rằng "mô thức Anh giáo" này rất có thể sẽ được áp dụng cho Huynh đoàn Pio X, một khi Huynh đoàn này muốn được tái hội nhập vào Giáo hội Công giáo.

Trở lại với cuộc gặp gỡ hôm thứ Hai 26 tháng 10 năm 2009, một trong những điểm giáo thuyết đã và sẽ được thảo luận là quan niệm về Thánh Truyền. Ðối với những người Công giáo thủ cựu, Thánh Truyền, vì được hiểu theo một quan niệm cứng nhắc, là một Chân Lý đứng trên quyền giáo huấn của các Ðức giáo hoàng. Kể từ khi được bầu làm Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ, đức Benedicto XVI đã cố gắng chứng minh rằng Quyền Giáo huấn của Giáo hội, tức của Công Ðồng cũng như các Ðức giáo hoàng, đều nằm trong Thánh Truyền một cách liên tục chứ không hề có sự gián đoạn nào.

Như vậy, Thánh Truyền không chỉ là sự đơn thuần bảo tồn hay giải thích những gì đang có, mà còn là sự gia tăng trong hiểu biết về Mạc Khải, như Hiến Chế "Lời Chúa" của Công đồng Vatican II đã giải thích.

Thật ra ngay từ năm 1988, trong thỏa ước mà cuối cùng Ðức cha Lefebvre đã không chịu ký, có nói đến việc chấp nhận Giáo huấn của Công đồng Vatican II về Quyền Giáo huấn của Giáo hội và bổn phận phải tuân phục Quyền giáo huấn ấy.

Ðây là điều kiện để Huynh đoàn Pio X được tái hội nhập vào Giáo hội Công giáo. Ðức thánh cha đã khẳng định điều này trong lá thư gởi cho các Ðức giám mục trên toàn thế giới dạo tháng 3 năm 2009, sau khi rút lại vạ tuyệt thông cho 4 vị Giám mục thủ cựu. Ðức thánh cha nhấn mạnh rằng điều kiện để Huynh đoàn này được tái hội nhập vào Giáo hội là phải chấp nhận Giáo huấn của các Ðức giáo hoàng thời hậu Công đồng. Ðức thánh cha nhấn mạnh như sau: "Người ta không thể chỉ chấp nhận quyền giáo huấn của Giáo hội cho đến năm 1962 mà thôi".

Như vậy, Tòa Thánh yêu cầu Huynh đoàn Pio X tỏ rõ lập trường không những đối với Giáo huấn của Công Ðồng Vatican II, mà cả quyền giáo huấn của các Ðức giáo hoàng thời hậu Công đồng nữa, nghĩa là quyền giáo huấn kể từ Ðức Phaolo VI về sau.

Ðây sẽ là đề tài "thảo luận" trong các cuộc gặp gỡ giữa Tòa Thánh và đại diện của Huynh đoàn Pio X. Theo dự trù, các cuộc gặp gỡ này sẽ diễn ra cứ hai tuần một lần.

Tham dự các cuộc gặp gỡ đều là các nhà thần học, bởi vì các cuộc thảo luận xoay quanh các vấn đề thần học. Về phía Tòa Thánh, người ta thấy có thư ký của Bộ Giáo Lý đức tin là cha Luis Ladaria Ferrer, một linh mục Dòng Tên, thuộc Ủy ban thần học quốc tế. Bên cạnh cha Ferrer còn có cha Charles Morerod, viện trưởng Ðại học Angelicum của dòng Ðaminh tại Roma, hiện đang là thư ký của Ủy ban thần học quốc tế. Kế đó là Ðức cha Fernando Ocariz, người đứng đầu Hội Opus Dei và cha Karl Josef Becker.

Cầm đầu phái đoàn Huynh đoàn Pio X là Ðức cha Alfonso de Galarreta, người Argentina.

Sở dĩ cha Ferrer đã chọn cha Morerod, một chuyên gia về Ðại kết và Ðức Cha Ocariz, một chuyên gia về tự do tôn giáo, làm thành viên của phái đoàn Tòa Thánh trong các cuộc thảo luận với Huynh đoàn Pio X là bởi vì đại kết và tự do tôn giáo là hai điểm bị những người Công giáo thủ cựu bác bỏ. Ðây là hai vấn đề trọng tâm của các cuộc thảo luận giữa Tòa thánh và Huynh đoàn này.

Chu Văn

 


Về Trang Mục Lục