Con người cần trở về với sự thinh lặng nội tâm

 

Radiovaticana 02/11/2009 – Phỏng vấn ông Eugenio Borgna, giáo sư tâm thần về sự cần thiết của sự thinh lặng trong thế giới ngày nay

Mới đây ông Eugenio Borgna, giáo sư tâm thần và là nhà văn đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Các cảm xúc bị thương”, để trình bầy về các cảm xúc của con người. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư về vấn đề này.

Giáo sư Eugenio Borgna sinh tại Novarra bắc Italia năm 1930 và là giáo sư dậy môn bệnh tâm thần tại dại học Milano. Giáo sư cũng nguyên là bác sĩ trưởng tâm thần tại nhà thương lớn tỉnh Novarra. Giáo sư Eugenio Borgna đã viết nhiều sách và nhiều bài khảo luận về các bệnh tâm thần, và các sách của giáo sư là loại rất được phổ biến. Như là chuyên viên về hiện tượng học, giáo sư Borgna phản đối kiểu giải thích duy tự nhiên về các bệnh tâm thần vẫn thịnh hành cho tới ngày nay, vì coi chúng là hậu qủa của sự không hoạt động của các trung tâm não bộ, do đó chủ trương chữa trị người bệnh tâm thần bằng thuốc và điện giật.

Trong số các tác phẩm của giáo sư có các sách trình bầy thảm cảnh của người trẻ, các xung khắc của sự hiểu biết, cấu trúc và việc hiểu biết sự điên loạn, các bộ mặt của sự lo âu, đối thoại trong việc trị bệnh tâm thần, ý nghĩa kinh nghiệm loạn thần kinh, sự buồn sầu, sự chờ đợi và hy vọng, vấn đề tự tử vv....

Hỏi: Thưa giáo sư tại sao các cảm xúc mà giáo sư nói tới lại bị thương tích?

Đáp: Bởi vì các cảm xúc sâu thẳm và sáng láng nhất của con người ngày nay có nguy cơ bị sự vội vã và thái độ trơ trẽn vô luân đảo lộn. Chúng làm cho con người ”mất thời giờ”, chúng không sản xuất và sinh lợi ích, chúng làm ngưng cái máy giết người cần phải thực hiện mà không dừng lại để suy nghĩ. Các cảm xúc bị thương thường là các cảm xúc của người trẻ, bị thái độ trơ trẽn vô luân đốt cháy. Nó thường đánh gục những ai muốn ra khỏi các ranh giới của tính cách lý luận, mà người lớn áp đặt cho họ một cách mặc nhiên.

Hỏi: Thưa giáo sư cần phải cho các cảm xúc nội tâm tiếng nói. Giáo sư viết rằng các lời nói có thể là các ngưỡng cửa bị hóa đá hay các xà lúp cứu sống con người. Thế thì khi nào và các lời nói nào là dụng cụ cứu rỗi?

Đáp: Mgày sống của chúng ta đầy dẫy những lời nói, nhưng chúng chỉ diễn tả những gì liên quan tới chuyện cá nhân chúng ta và chúng trở thành các thác nước ầm ĩ. Trái lại các lời nói sáng tạo là những lời nói nảy sinh trong chúng ta một cách cấp bách để nói lên những gì chúng ta là, bên trong một tương quan, và như thế chúng là các lời nói hướng tới tha nhân. Lời nói cứu thoát chỉ là lời nói hướng tới người khác. Chỉ điều này mới giúp chúng ta phân biệt các lời nói gây kinh hãi với các lời nói giải thoát. Thế rồi để thiết lập một tương quan đích thực, tương quan đó phải song song với nhau chừng nào có thể. Sự thiếu song song giữa đau khổ và niềm vui nơi người nói và người nghe được biến trở thành ít gay gắt hơn trong việc cảm thông, trong việc chia sẻ nỗi khổ đau của tha nhân.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong sách giáo sư cũng đề cập tới sự thinh lặng. Thế thì thinh lặng cũng có thể là một cuộc đối thoại hay sao?

Đáp: Có nhiều thứ thinh lặng. Và có một sự thinh lặng nội tâm từ nó nảy sinh ra các lời nói mang dấu ấn của sự thinh lặng bên trong này, được hiểu như là dấu ấn của trực giác tức thì, của việc chiêm niệm điều chính yếu. Trong sự thinh lặng của chiêm niệm có thể tiếp nhận điều chính yếu có thể nói với người lắng nghe chúng ta.

Hỏi: Như là bậc thầy của sự thinh lặng giáo sư đã nhắc tới cô Etty Hillesum, một thiếu nữ do thái đã chết trong trại tập trung đức quốc xã Auschwitz . Cô đã để lại các thư của mình và cuốn nhật ký. Cô viết các bức thư và cuốn nhật ký đó trong khi đức quốc xã lan tràn khắp nơi chung quanh. Hillesum viết: ”Trong tôi có một sự thinh lặng ngày càng sâu xa hơn. Các lời nói gây mỏi mệt chỉ mấp mé chung quanh, vì chúng không diễn tả được điều gì cả”.

Đáp: Vâng, tôi như bị sét đánh bởi cô Etty Hillesum. Những gì mà cô đã để lại cho chúng ta hướng chúng ta tới cõi vô tận, cõi vô tận mà chúng ta chỉ có thể tiếp nhận, nếu chúng ta thoát khỏi cái phân tích lạnh lùng của lý trí: cõi vô tận mà chúng ta chỉ có thể sống, nếu chúng ta không giảm lược nó vào một cái gì có thể tính toán theo nghĩa duy thực nghiệm. Nó là cõi vô biên khiến cho chúng ta tiếp nhận được một hình ảnh khác của thực tại: làm như thể là các lý lẽ của con tim mở ra các chân trời rộng rãi hơn các chân trời của lý trí tính toán.

Hỏi: Cô Hillesum đã viết về một “cái giếng rất sâu thẳm”, mà cô cảm thấy hiện hữu trong chính mình, nơi giếng nội tâm đó cô kín múc, nhưng nó thường bị phủ lấp bởi cát và đá sỏi”. Sự vô tận có hiện hữu thật sự trong chính chúng ta hay không thưa giáo sư?

Đáp: Thánh Agostino đã nói rằng ”chân lý ở trong con người nội tâm”. Trong từng người chúng ta có các suối nguồn vô tận của tình yêu thương và tình liên đới. Các suối nguồn ấy thường bị che lấp bởi rác rưởi của thói quen, của sự vội vã hấp tấp, của thái độ không có khả năng cầu nguyện. Bởi vì lời cầu nguyện hệ tại điều gì nếu không phải là nơi sự thinh lặng, đặt để chúng ta vào trong cuộc đối thoại vô tận, trong các chân trời bất tận?

Giếng hiện hữu trong chính chúng ta, đầy tràn nước rất mát mẻ, nhưng bị ô nhiễm vì sự sợ hãi phải nhìn vào trong chính mình.

Hỏi: Như vậy thì phải làm sao để tìm lại được giếng nước đó thưa giáo sư?

Đáp: Nếu chúng ta tin vào một vài chân trời giác quan nào đó, thì chúng ta phải vất vả thích ứng với các mất mát, với các thất bại của chúng ta, cả trong một viễn tượng thần bí nếu muốn. Nó tự nhiên nới rộng các biên giới khả năng của chúng ta tham dự vào ý nghĩa của sự sống và cái chết. Như thế phải tự lắng nghe chính chúng ta trong tận cùng thẳm con người mình, cả trong khi gặp đau đớn và thất bại nữa. Và lắng nghe tiếng nói của ơn thánh, bởi vì sau cùng tất cả đều là ơn thánh, như nhà văn Bernanos đã viết.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong trại tập trung đức quốc xã cô Etty Hillesum đã tìm thấy niềm vui một cách phi thường, chỉ qua ”một mảnh trời nhỏ”. Niềm vui đó là niềm vui nào vậy? Nó là cái gì thế và bản chất của nó ra sao?

Đáp: Niềm vui của cô Etty Hillesum là niềm hy vọng nhập thể. Tự bản chất của nó niềm hy vọng là cái gì chưa có, nhưng lại đang chiếu soi tương lai. Trái lại niềm vui mà chúng ta nói tới ở đây là niềm hy vọng đang hoạt động, nó không chú ý tới ba chiều kích của thời gian là qúa khứ hiện tại và tương lai. Niềm vui sống trong một hiện tại mà thánh Agostino gọi là hiện tại được vĩnh cửu hóa. Trong khi hạnh phúc cần có hiện tại và tương lai, còn niềm vui trong cái hiện tại được vĩnh cửu hóa của nó thì xóa bỏ cả dấu vết của cái chết nữa.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong một cuốn sách của cha Giussani, người sáng lập phong trào Hiệp thông và giải phóng, cha Giussani có nói tới ”những lúc chắc chắn”. Chúng là cái gì vậy?

Đáp: Đúng như thế: cho dù hiện tại không thể nắm bắt được, lúc chắc chắn, hiện tại của niềm vui trở thành tổng số mầu nhiệm của điều chúng ta là, nhưng rộng mở cho vô tận. Cách đây mấy tháng tôi đã tham dự lễ khấn của một nữ tu trẻ dòng biển đức. Khi vị Giám Mục chủ sự lễ khấn hỏi chị có sẵn sàng từ bỏ tất cả hay không, thì tôi nhận thấy trong đôi mắt của chị hai vực thẳm của ơn thánh và mầu nhiệm, trong một niềm vui rộng mở cho vô tận mà các lời nói không đủ để diễn tả nổi.

Hỏi: Niềm vui như là niềm hy vọng nhập thể. Nhưng mà thưa giáo sư đối với tín hữu Kitô niềm hy vọng nhập thể là chính Đức Giêsu Kitô mà, có phải thế không?

Đáp: Nó giống như trong các dịp đặc biệt, nhờ ơn thánh một người có thể nhận được một tri giác của niềm hy vọng nhập thể ấy. Ơn thánh của niềm vui tràn đầy: vì thế khi cô Etty Hillesum bị dẫn tới trại tập trung đức quốc xã ở Auschwitz , cô trông thấy bóng tối và cái chết bị xé rách ra.

(Avvenire 30-9-2009)

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục