Đức Thánh Cha viếng thăm Brescia, quê hương của đức Phaolô VI

Radiovaticana 08/11/2009 – Đức Bênêđictô XVI đã dành chúa nhựt hôm qua để viếng thăm thành phố Brescia, sinh quán của đức giáo hoàng Phaolô VI, nhân kỷ niệm 30 năm băng hà. Tại đây, ngài đã khánh thành trung tâm lưu trữ tài liệu và nghiên cứu về vị giáo hoàng của công đồng Vaticanô II, từ khóa họp thứ hai cho đến lúc kết thúc (1963-1965) và trong giai đoạn thực thi các quyết nghị.

Rời Vatican lúc 8 giờ sáng bằng phi cơ trực thăng, rồi sau đó chuyển sang máy bay quân sự tại phi trường Ciampino, Đức Thánh Cha đã đến phi trường Brescia lúc 9 giờ rưỡi. Sau khi viếng thăm nhà thờ chánh toà, ngài chủ sự thánh lễ đồng tế dành cho cộng đoàn giáo phận, được cử hành tại quảng trường ở trước mặt. Vào buổi chiều, ngài đến viếng thăm ngôi làng nơi sinh trưởng của vị tiền nhiệm, và tại đây khánh thánh trụ sở mới của trung tâm lưu giữ các tài liệu của đức Phaolô VI. Vào buổi tối, đức Bênêđictô XVI đã trở về Vaticanô. Bài tường thuật chú trọng đến Thánh lễ và kinh Truyền tin.

Trước cộng đoàn 15 ngàn người tụ tập trước nhà thờ chánh toà để tham dự Thánh lễ bất chấp trời mưa, đức thánh cha đã chú giải các bài đọc Sách Thánh của chúa nhựt 32 Thường niên và dẫn vào sứ điệp của vị giáo hoàng của công đồng Vaticanô II bàn về mầu nhiệm Hội thánh.

Bài Tin mừng trưng bày mẫu gương của một bà goá bỏ 2 đồng xu vào kho bạc của đền thờ. Một cử chỉ nhỏ bé đã trở thành đề tài cho lời giảng dạy của Chúa Giêsu về lòng đạo đức chân thực. Sự đóng góp của bà tuy nhỏ bé nhưng gói ghém lòng quảng đại lớn lao bởi vì đã đóng góp tất cả tấm lòng, tượng trưng cho tâm tình tôn giáo mới mà Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại. Đức Kitô là vị Thượng tế được nói đến trong bài đọc thứ hai, đã khai mạc một đền thờ mới, đền thờ sống động của Thiên Chúa. Hội thánh là đền thờ của Thiên Chúa, thân thể của đức Kitô: đây là một đề tài mà đức Phaolô đã trình bày trong nhiều văn kiện quan trọng, bắt đầu từ thông điệp thứ nhất Ecclesiam suam (6/8/1964), và nhất là đã hết tình yêu mến và phục vụ. Một tư tưởng gần với bài Tin mừng hôm nay là Giáo hội “nghèo khó và tự do”, điều kiện để có thể thi hành sứ mạng của mình trong thời đại hôm nay. Ngài nêu ra ba yêu sách để đạt tới lý tưởng đó: “ý thức, canh tân, đối thoại”. Trước hết, Giáo hội cần phải ý thức về bản tính của mình, biết đâu là nguồn gốc, sứ mạng, cứu cánh của mình. Kế đến, Giáo hội cần phải canh tân và thanh luyện bằng cách ngắm nhìn Chúa Kitô. Thứ ba, Giáo hội cần phải liên lạc với thế giới. Ba điều này vẫn còn giá trị trong thời đại hôm nay.

Hướng về các giám mục và các linh mục, đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh rằng việc ý thức về bản chất của Giáo hội không chỉ là câu chuyện lý thuyết thần học, nhưng nhất là cảm nghiệm sống động về tương quan với Thiên Chúa. Gíao hội cần phải đến với thế giới hôm nay như là một nguồn lực của sức sống tâm linh, chất chứa đời sống nội tâm, chiếu toả sinh lực của Thánh Linh. Nhân dịp năm dành cho hàng linh mục, đức đương kim Giáo hoàng trích dẫn thông điệp của vị tiền nhiệm bàn về đời sống độc thân (Sacerdotalis caelibatus) trong đó có đoạn viết: “Linh mục, được tình yêu Chúa Kitô chiếm đoạt, trở nên giống với Chúa Kitô ở tình yêu mà vị Thượng Tế đã yêu thương Hội thánh đến nỗi đã trao hiến đời mình cho Hội thánh. Sự trinh khiết thánh hiến của các thừa tác viên biểu lộ tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo hội, và sự phong phú phát sinh từ mối tình khăng khít ấy”. Trong một bài huấn dụ dành cho các chủng sinh Brescia vào năm 1968, ngài nói: “Vào những năm sau công đồng, người ta mong đợi nơi vị Giáo hoàng những cử chỉ chấn động, những hành động táo baọ. Nhưng Giáo hoàng không đi theo đường hướng nào khác ngoài việc đặt tin tưởng nơi Chúa Giêsu. Chính Chúa mới có khả năng dẹp tan những cơn bão tố. Hội thánh chờ đợi sự can thiệp của Chúa, trong tâm tình tỉnh thức cầu nguyện. Và chính giáo hoàng cũng cần đến lời cầu nguyện của anh chị em mình”. Những lời này đáng được các linh mục suy nghĩ. Tuy nhiên, giáo phận Brescia không chỉ cung cấp cho Hội thánh nhiều linh mục và tu sĩ, nhưng còn nổi tiếng về những phong trào giáo dân, các hội đoàn, các cơ quan bác ái xã hội. Dù sao, khi ngỏ lời với các tín hữu giáo dân, đức Phaolô VI không ngừng nhấn mạnh đến chiều kích chiêm niệm, nghĩa là địa vị tối thượng dành cho Thiên Chúa trong tất cả các hoạt động.

Thánh lễ kết thúc khi đã gần 13 giờ. Và trước khi ban phép lành, đức Bênêđictô XVI đã xưóng kinh Truyền tin kính Đức Mẹ. Trong những lời dẫn nhập, ngài nhắc đến lòng sùng kính của đức Phaolô VI đối với Đức Maria. Ngài đã dâng thánh lễ đầu tiên tại đền thờ kính Đức Mẹ, ra như muốn đặt tất cả sứ vụ linh mục trong tay của vị Thân Mẫu Chúa Cứu thế. Những trọng trách đảm nhận trong Giáo Hội đã khiến ngài ý thức mối liên hệ chặt chẽ giữa Đức Maria với mầu nhiệm Hội thánh. Trong viễn ảnh đó, vào lúc bế mạc khóa Ba của công đồng, khi ban hành hiến chế tín lý về Hội thánh, ngài công bố Đức Maria là “Mẹ của Hội thánh”, với niềm thâm tín rằng lòng sùng kính Mẹ Maria là một phương thế thông thường để hướng các linh hồn về với Chúa Kitô, và như vậy kết hiệp với Chúa Cha nhờ tình yêu của Thánh Thần. Bài huấn dụ được kết luận với lời khẩn nài như sau: “Ôi Trinh nữ Maria, là Mẹ của Hội thánh, chúng con xin ký thác cho Mẹ cộng đồng giáo hội và nhân dân Brescia. Xin hãy nhớ đến các con cái của Mẹ, xin chuyển những lời cầu của họ lên với Chúa. Xin gìn giữ đức tin của họ được kiên cường, xin củng cố lòng hy vọng, xin tăng gia lòng mến của họ, ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, trinh nữ Maria”

 Vào buổi chiều, đức Bênêđictô XVI đã đến làng Concesio để thăm ngôi nhà nơi mà vị tiền nhiệm mở mắt chào đời. Tại đây ngài đã khánh thành trung tâm Phaolô VI, gồm văn khố, thư viện, phòng diễn thuyết. Nhân cơ hội này, ngài đã trao tặng giải thưởng văn hoá lần thứ 6 cho nhà xuất bản “Sources chrétiennes”, phát hành các tác phẩm của các giáo phụ. Trước đây giải thưởng đã được trao tặng cho Hans Urs von Balthasar (1984), Olivier Messiaen (1988), Oscar Culmann (1993), Jean Vanier (1997), Paul Ricoeur (2003).

Trước khi trở về Rôma, ngài đến viếng thăm ngôi nhà thờ giáo xứ nơi Giovanni Battista Montini lãnh bí tích rửa tội ngày 30/9/1897.

Bình Hòa

 

   

 


Về Trang Mục Lục