Tháo bỏ Thánh Giá khỏi các lớp học

 

Radiovaticana 09/11/2009 – Phỏng vấn Đức ông Aldo Giordano, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh Hội Đồng Âu châu về quyết định của tòa án Âu châu bắt tháo bỏ Thánh Giá khỏi các lớp học Italia

Ngày 3-11-2009 tòa án nhân quyền Âu châu tại Strasbourg đã công bố phán quyết khẳng định rằng sự hiện diện của các thánh giá trong các lớp học là ”một vi phạm quyền của cha mẹ giáo dục con cái theo các xác tín của họ” và là một vi phạm ”tự do tôn giáo của các học sinh”.

Năm 2002 bà Soile Lausti, công dân Ý gốc Phần Lan, đã làm đơn yêu cầu trường công ”Vittorino da Feltre” tại Abano Terme thuộc tỉnh Padova bắc Italia nơi có hai con bà theo học, phải tháo gỡ Thánh Giá khỏi các lớp học. Trong các năm qua lời yêu cầu của bà đã bị các tòa án Italiia từ chối, vì Thập Giá là biểu hiệu đặc trưng tự nhiên của lịch sử, văn hóa và tôn giáo của Italia. Nhưng nay phán quyết nói trên của tòa án nhân quyền chấp nhận lời yêu cầu của bà.

Trong thông cáo công bố ngày 3-11-2009 Hội Đồng Giám Mục Italia phản đối quyết định của tòa án Âu châu ở Strasbourg bắt tháo bỏ Thánh Giá khỏi các lớp học.

Thông cáo do văn phòng quốc gia truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Italia phổ biến khẳng định rằng quyết định của tòa án Âu châu khơi dậy sự cay đắng và nhiều nghi vấn. Ngoài việc thiếu đào sâu các lý do người ta còn nhận ra trong đó sư thắng thế của một quan điểm thiên vị và có mầu sắc ý thức hệ. Người ta đã không biết tới và lơ là với ý nghĩa đa diện của Thánh Giá. Nó không chỉ là biểu hiệu tôn giáo mà cũng là dấu chỉ văn hóa của Âu châu nữa. Thực ra trong kinh nghiệm của người dân Italia trưng bầy Thánh Giá tại các nơi công cộng là phù hợp với việc thừa nhận các nguyên tắc của Giáo Hội Công Giáo như là ”phần của gia sản lịch sử của nhân dân Italia”, được nhấn mạnh trong Hiệp định năm 1984.

Việc tháo gỡ Thánh Giá khỏi các nơi công cộng có nguy cơ tách rời một cách gỉa tạo căn tính quốc gia khỏi các khuôn mẫu tinh thần và văn hóa của nó. Chắc chắn nó không diễn tả tính cách đời, mà cho thấy sự thoái hóa thành chủ nghĩa duy đời, và sự thù nghịch với mọi hình thức diễn tả tầm quan trọng chính trị và văn hóa của tôn giáo, và đặc biệt là sự thù nghịch với sự hiện diện của mọi biểu tưởng tôn giáo trong các cơ cấu công cộng

Bình luận về quyết định trên đây của tòa án Âu châu, Linh Mục Federico Lombardi, Giám Đốc đài Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết Tòa Thánh nhận được tin trên đây với sự kinh ngạc và đáng tiếc. Thánh giá đã luôn luôn là một dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, của sự hiệp nhất và tiếp đón đối với toàn nhân loại, nhưng đáng tiếc là giờ đây lại bị coi như dấu chỉ của chia rẽ, loại trừ và hạn chế sự tự do. Đặc biệt nghiêm trọng là sự kiện muốn gạt bỏ khỏi thế giới giáo dục một dấu chỉ nền tảng tầm quan trọng của các giá trị tôn giáo tronog lịch sử và nền văn hóa Italia. Tôn giáo góp phần qúy báu cho việc đào tạo và trưởng thành luân lý của con người và là một thánh phần nòng cốt của nền văn minh của chúng ta. Muốn loại bỏ tôn giáo khỏi thực tại giáo dúc là sai lầm và thiển cận.

Thế rồi sự kiện một tòa án Âu châu can thiệp một cách nặng nề vào một vấn đề gắn liền với căn tính lịch sử, văn hóa và tinh thần của người dân Italia gây ngạc nhiên. Đây không phải là đường lối khiến cho người ta yêu mến và chia sẻ ý tưởng Âu châu hơn mà như là các tín hữu công giáo chúng tôi đã mạnh mẽ ủng hộ ngay từ đầu. Xem ra người ta muốn phủ nhận vai trò của Kitô giáo trong việc tạo thành căn tính Âu châu, nhưng trái lại nó đã và vẫn là nền tảng cho căn tính ấy.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn vài ý chính tóm tắt bài phỏng vấn Đức Ông Aldo Giordano, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh Hội Đồng Âu châu về quyết định này của tòa án nhân quyền Âu châu.

Hỏi: Thưa Đức Ông, Đức Ông có cảm tưởng gì trước quyết định trên đây của tòa án nhân quyền Âu châu?

Đáp: Nó khiến cho chúng tôi ngạc nhiên vì nó đặt ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng. Nó cho người ta cảm tưởng có sự trái nghịch giữa việc trưng bầy Thánh Giá và đa nguyên giáo dục, hay với tự do tôn giáo.

Đây là điều không có nền tảng và phải được chứng minh. Thập giá là dấu chỉ hiệp nhất, quy tụ vượt ngoài mọi khác biệt tín ngưỡng. Nó là dấu chỉ của việc trao ban sự sống vì tình yêu, và tình yêu tạo thành cuộc sống của cá nhân và xã hội. Ngoài ra còn có một khía cạnh mầu nhiệm hơn: trên thập giá có một người của khổ đau trao ban tin tưởng cho những người phải sống kinh nghiệm của sự dữ và nước mắt khổ đau. Ngoài ra nó diễn tả sự bất bạo động triệt để và là biểu hiệu của hòa bình, do đó nó không vi phạm tự do cũng như sự đa nguyên. Ngoài ra tôn giáo quan trọng vì có giá trị giáo dục rất lớn đối với người thuộc mọi tín ngưỡng. Vì thế nó không khiến cho các quyền cá nhân bị nguy hiểm mà còn góp phần ý nghĩa vào cuộc sống công cộng để bảo vệ, thăng tiến và xây nền cho các quyền cá nhân, các quyền con người.

Ngoài ra Thánh Giá cũng diễn tả một lịch sử, một căn tính rất thân thiết với người dân Italia, vì nó là căn tính quốc gia và căn tính Âu châu với sự đóng góp của Kitô giáo là tôn giáo đề cao phẩm giá con người và giá trị của tất cả mọi người. Tính cách đại đồng của Kitô giáo là một giá trị đáng được trân trọng trong thế giới toàn cầu ngày nay, là môi trường rất cần một ánh sáng và một cái nhìn rộng mở chân trời trên toàn nhân loại. Vì thế phán quyết của tòa án Âu châu gây đau đớn.

Hỏi: Thưa Đức Ông Giordano, có cần phải nhấn mạnh rằng Thánh Giá không phải là một biểu hiệu diễn tả quyền bính tôn giáo hay không?

Đáp: Gắn liền Thánh Giá với quyền bính là điều vô lý. Trong lịch sử đã có những trang sai lầm, đây là điều chúng ta có thể công nhận, nhưng chúng không được Thánh Gía biện minh. Thánh Giá biểu tượng cho một sự sống được triệt để hiến dâng cho tất cả mọi người, có đức tin cũng như không có đức tin. Thánh Gía trao ban sự sống. Để tái tạo gương mặt cho con người Đấng chịu đóng danh để cho gương mặt của mình bị hủy hoại đi: không còn vẻ sáng láng, không còn gì để lôi kéo và hấp dẫn người khác nữa. Cái nhìn của Người hầu như biến mất cho người khác. Và đây thực sự là điều tột đỉnh của bất bạo động, không quyền bính, nhưng là tình yêu thương. Nếu Thánh Giá có một quyền bính nào đó thì đó là quyền bính của tình yêu thương.

Hỏi: Như vậy chúng ta phải nói rằng Thánh Giá cũng diễn tả một nền văn hóa bình dân. Đức Ông có nghĩ rằng Âu châu đã xen mình vào một truyền thống bình dân trao ban căn tính cho lịch sử của một nước như Italia hay không?

Đáp: Xem ra rất đúng như thế, và tôi cũng nhận thấy người dân buồn và cảm thấy bị hạ nhục trước các lập trường như vậy. Nghĩa là có một thái độ ý thức hệ nhân danh một vài tư tưởng cấp tiến muốn lèo lái thực tại hay muốn áp đặt các sự việc cho thực tại. Trái lại tôi tin rằng Âu châu cần tôn trọng thực tại của các dân tộc và các truyền thống... Nó được ghi trong Hiệp định nhân quyền cũng được lấy lại trong Hiệp định nền tảng của Hội đồng Âu châu. Ngoài ra cũng còn có một chút sợ hãi, vì nếu chúng ta cứ tiếp tục làm hao mòn căn tính, thì sẽ không còn có cái nhìn cho tương lai nữa. Rồi cũng có một chút gì là bệnh hoạn nữa.

Hỏi: Thưa Đức Ông, phán quyết của tòa án Âu châu lại không có nguy cơ khiến cho lý tưởng Âu châu xa rời cảm tình của người dân hay sao?

Đáp: Có. Xem ra Âu châu gặp nguy cơ đánh mất đi sự tiếp xúc cụ thể với người dân. Và phán quyết này khiến cho nguy cơ đó lại càng lớn hơn. Chúng ta cần có một Âu châu biết phục vụ con người, phục vụ các dân tộc, phục vụ căn tính và đặt nó vào trong bối cảnh các căn tính được đánh gía. Trái lại giờ đây xem ra người ta sợ hãi các căn tính và các truyền thống và tạo ra một không gian trống rỗng. Đây là thái độ của khuynh hướng duy đời hướng tới chỗ loại trừ và tạo ra không gian trống rỗng.

Một tính cách đời mà tạo ra khoảng trống rỗng là là tính cách đời nguy hiểm. Trong khi chúng ta cần tính cách đời tạo ra không gian cho tất cả mọi đóng góp tích cực, cho xã hội, cho con người để đương đầu với các vấn đề lớn của nhân loại. Vì thế quyết định của tòa án đi ngược lại với những gì người dân cảm nhận và muốn sống.

Hỏi: Chẳng bao lâu nữa Âu châu sẽ áp dụng Thỏa hiệp Lisboa. Thỏa hiệp liên quan tới nhiều vấn đề kể cả vấn đề sinh học. Đức ông có nghĩ rằng người ta sẽ áp đặt các lựa chọn mà các quốc gia riêng rẽ không đồng ý không?

Đáp: Dĩ nhiên là có nguy cơ đó. Nhưng nguy cơ này có thể được loại trừ, nếu các dân tộc của các nước thành viên bắt đầu tham dự một cách nghiêm chỉnh và tích cực hơn vào cuộc sống chính trị và lên tiếng về các vấn đề chung.

Các dân tộc, các nhóm, các tổ chức, các cơ quan phải lên tiếng. Chẳng hạn lên tiếng về quyết định của tòa án Âu châu bắt tháo gỡ Thánh Giá tại Italia cũng như các nước khác. Trước các phản ứng như thế thì giới chức chính trị và các cơ cấu có thể lắng nghe. Thường sự thinh lặng từ phía các quốc gia, các đại diện các nước góp phần vào việc khiến cho các quốc gia xa rời Âu châu. Sự kiện này khiến cho các nhóm thiểu số trở thành mạnh mẽ. Vì họ là các nhóm duy nhất lên tiếng, nên cảm thấy họ có vai trò mà họ thực ra không có. Giáo Hội và các tôn giáo có một vai trò quan trọng nếu biết cùng nhau can đảm đóng góp phần mình cho nhân loại.

Hỏi: Quyết định tháo gỡ Thánh Giá xem ra cho thấy chúng ta đang có trước mắt một Âu châu không có linh hồn, ít nhất là ở trên đỉnh của bàn giấy rườm rà có đúng vậy không?

Đáp: Thật ra có sự trái ngược giữa quyết định của tòa án Âu châu diễn tả tình trạng vô hồn này và giới trẻ cũng như người của nhiều quốc gia. Nó là một quyết định gìa nua vì diễn tả một Âu châu bắt đầu không còn nữa. Trong khi đứng trước các vấn đề lớn của lịch sử chúng ta có một Âu châu kiếm tìm ý nghĩa và các chìa khóa đọc hiểu giúp đương đầu với các thách đố và các vấn đề của con người. Tháo bỏ một biểu tượng góp phần trả lời cho các vấn đề và thách đố đó là một mất mát rất lớn. Có một Thiên Chúa, một Người chết trên Thập gía vì yêu thương, vì thế Thánh Gía có khả năng gợi hứng cho sự chia sẻ, và tình huynh đệ đại đồng. Nếu thiếu suối nguồn của tình huynh đệ đại đồng, thì ai sẽ trao ban cho chúng ta sức mạnh và ý muốn liều mạng chia sẻ của cải với người khác?

(SD 3-11-2009; RG 4-11-2009)

Linh Tiến Khải

 

 


Về Trang Mục Lục