Công đồng Vatican II : Tầm quan trọng của sự hoà giải

 

 

Paris ngày 09/02/2009

 

Sau lời tuyên bố của ĐGM Richard Williamson, một trong bốn vị giám mục thuộc nhóm ly khai đã được ĐGH Bênêđictô XVI cho phép trở lại với Giáo Hội công giáo, khẳng định rằng ngài không tin đã có những phòng khí độc và 6 triệu người Do Thái đã bị giết ở trong đó; nhiều dư luận, báo chí, lãnh đạo chính trị trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích Giáo Hội và việc ĐGH Bênêđictô XVI đã chấp nhận sự quay trở lại Giáo Hội của một nhân vật như ĐGM Williamson. Chính ĐGM Bernard Fellay, một trong bốn vị giám mục trong nhóm ly khai, đã xin lỗi ĐGH về những lời lẽ này và cấm ĐGM nguời Anh biểu lộ mọi quan điểm công luận về những vấn đề chính trị hay lịch sử nhân danh Hội Huynh Đệ Tu Sĩ Thánh Piô X mà cả hai là thành viên. Những lời tuyên bố công khai vô trách nhiệm trên cương vị của một giám mục làm tổn thương rất nhiều đến hình ảnh của Giáo Hội.

 

Công đồng Vatican II là đề tài của sự chia rẽ này. Sau đây là những suy tư của ĐGM Claude Dagens, địa phận Angoulême, thành viên của Viện Hàn Lâm Pháp, được đăng trên nhật báo Le Figaro ngày 30/01/2009.

 

Mọi người đều biết là sau công đồng Vatican II đã có một sự chia rẽ và năm 1988 là sự ly khai khi ĐGM Marcel Lefebvre tự quyết định phong chức giám mục cho bốn tu sĩ mà không để ý đến những lời khuyến cáo của ĐGH Gioan Phaolô II.

 

Hơn 20 năm sau hành động ly khai này, ĐGH Bênêđictô XVI đã nhận định rằng đây là lúc cần thực hiện hành vi hoà giải đối với những giám mục này và rút lại vạ tuyệt thông vì hành vi tự phong chức của các ngài.

 

Những lời tuyên bố không thể chấp nhận của một trong bốn vị này về chương trình duyệt chủng những người Do Thái bởi chế độ phát xít không thể làm quên đi tầm quan trọng của sự ly khai và sự hoà giải này.

 

Đây là vấn đề về công đồng Vatican II và về cách thức đón nhận và hiểu nó một cách chính đáng, nghĩa là theo truyền thống của Giáo Hội.

 

Chúng ta không thể để cho ai nghĩ và nói rằng công đồng đã không trung thành với truyền thông này. Lý do đơn giản là công đồng đã được chuẩn bị và suy tư bởi những người thấm nhuần trong truyền thống này, chứ không phài bởi một nhóm cấp tiến với những tư tưởng kỳ cục nhằm xáo trộn lý thuyết công giáo.

 

Trong những vị này, có cần phải nhắc lại tên tuổi của những thần học gia vĩ đại Pháp như Henri de Lubac, Jean Daniélou và Yves Congar hay không ? Tôi đã học hỏi từ những vị này rằng đức tin công giáo không phải là một hệ thống bị bắt buộc từ bên ngoài, nhưng trước tiên là sự mặc khải của Thiên Chúa được thể hiện trong mầu nhiệm của Đức Kitô và qua Giáo Hội. Giáo Hội tự nó là truyền thống, theo nghĩa mạnh của từ này : Giáo Hội đón nhận và ban truyền mầu nhiệm của Đức Kitô. Và truyền thống này không tách rời khỏi Thập Giá của Đức Kitô, bởi vì Thiên Chúa tự trao ban cho con người qua Người Con bị đóng đinh trên thập giá, và trong tiếng hy lạp, tự trao ban có cùng từ với ban truyền. Truyền thống tông đồ có nguồn gốc trong « truyền thống » huyền nhiệm và thực sự của Thiên Chúa qua Thập Giá của Đức Kitô. Do đó không có gì đáng ngạc nhiên rằng sự hiệp nhất của Giáo Hội đòi hỏi một sự chiến đấu liên tục và mọi hoà giải được đạt tới không phải bằng những chiến lược trong hàng giáo phẩm, nhưng là qua những đau khổ thâm sâu và những kiên nhẫn lớn lao.

 

Với điều kiện là thấu hiểu thực sự mầu nhiệm của Giáo Hội không phải theo những định kiến hay những ý thích của chúng ta, nhưng theo chân lý của truyền thống công giáo. ĐHY Joseph Ratzinger đã nhiều lần nhấn mạnh điều này : chúng ta không thể giải thích mầu nhiệm của Giáo Hội theo những ý niệm thuần xã hội hay chính trị. Không phải là vì Giáo Hội thoát khỏi những điều kiện làm nên lịch sử của các dân tộc, nhưng vì một lý do thâm sâu hơn : Giáo Hội, mặc dù là qua chúng ta, dân được rửa tội, phát xuất trước tiên từ trái tim của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta không thể tưởng tượng Giáo Hội hay xây dựng nó theo những kiểu loại của chúng ta, dù chúng xuất phát từ chế độ phong kiến hay từ chế độ dân chủ hiện đại. Cấu trúc và phụng vụ của Giáo Hội không được tạo nên theo khẩu vị riêng tư. Chúng ta không làm nên Giáo Hội theo ý mình dù là văn hoá hay chính trị.

 

Do đó chúng ta có thể ước mong là hành vi hoà giải do ĐGH Bênêđictô XVI làm gây nên những tranh luận trước hết trên phương diện thần học và tâm linh, bởi vì chúng liên quan đến phương cách thấu hiểu truyền thống như là nguồn suối sống động và Giáo Hội như bí tích trong Đức Kitô, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện của sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của mọi con người.

 

Với tư cách là một giám mục của Giáo Hội công giáo, tôi khẳng định rằng những điều khám phá lại lớn lao của công đồng Vatican II mang tính cách truyền thống một cách sâu xa và luôn mới mẻ khi chúng ta muốn hiểu chúng thực sự. Những giá trị này cũng mang tích cách giải phóng bởi vì chúng kéo chúng ta ra khỏi mọi tình huống khó chịu bằng sự đưa dẫn chúng ta đến điều nền tảng : sự gặp gỡ của con người với Thiên Chúa, trọng tâm của sứ vụ kitô giáo. Mong rằng không có gì có thể làm chúng ta xa rời khỏi điềm chính yếu đó.   

 

 

Lang Biang dịch

 

 

 


Về Trang Mục Lục