THỜI ĐẠI CỦA CHỦ NGHĨA VÔ THẦN

HOẶC LÀ SỰ BỪNG TỈNH CỦA TÔN GIÁO?

Trao đổi với Cha Thomas D. Williams Giáo sư thần học ở đại học Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, ở Roma 

Trong cuộc trao đổi nầy, Cha Williams phân tích tình trạng tôn giáo và linh đạo trong xã hội Tây phương. 

ZENIT (H). Rất nhiều sách xuất bản vừa qua đưa ra những lập luận rất thuyết phục thiên về chủ nghĩa vô thần và ngày tàn của tôn giáo. Trong cùng thời gian ấy, nhiều người dường như dứt khoát quay về đức tin tôn giáo, chúng ta đang ở đâu vậy, thưa Cha? Ở thời đại chủ nghĩa vô thần hay sự bừng tỉnh mới của tôn giáo?

Rev WILLIAMS (Đ). Điều hiện ra rõ ràng hết sức, ấy là người ta lại quan tâm đến tất cả những điều thiêng liêng, dù đó là những thuyết đề xuất việc làm cho tôn gíao hết còn bí ẩn, một linh đạo “được soi sáng” hoặc một thăm dò đức tin Kitô giáo sâu xa hơn.

  Trong một số vùng miền trên thế giới, phạm trù các sách về linh đạo là một khu vực ăn nên làm ra của các nhà xuất bản. Dường như nhiều người đã chán ngán chạy theo thành công về vật chất và họ ước mong đào sâu các vấn đề quan trọng hơn về cuộc đời. Tất cả những gì tôi sống, có ý nghĩa gì? Tại sao tôi lại ở đó? Tôi đi về đâu?

(H). Cha có tin rằng các sách như « Để bãi bỏ Thiên Chúa » và « Tiến hoá là gì? » của Richard Dawkins, « Luận về vô thần học » của Michel Onfruy và « Tin thần chủ nghĩa vô thần  - Dẫn Nhập vào một linh đạo không có Thiên Chúa » của André Comte Sponville, làm thành một đe doạ nghiêm trọng cho Kitô giáo chăng?

(Đ). Không hẳn. Anh biết đấy, Kitô-giáo trong quá khứ đã có không ít chuyện với các đối thủ, nhưng rõ ràng là họ có thể làm cho rất nhiều Kitô-hữu bối rối và lầm lạc, nhất là những ai không được dạy giáo lý.

Quả thực, những thuyết theo chủ nghĩa vô thần mà những tác giả nầy đề xuất, đã tồn tại nhiều thế kỷ rồi và cứ mỗi thế hệ lại trồi lên bề mặt. Những ai gặp chúng lần đầu tiên, thấy chúng mới mẻ; nhưng chúng hoàn tòan có thể được rút ra từ các bản văn của Voltaire, của Auguste Comte hoặc một số nhà văn nào đó trong Thế Kỷ Ánh Sáng.

Sự đe doạ mới mà những cuốn sách như của Dawkins nêu ra, nằm trong sự việc là chúng có vẻ hợp lý nhờ vào lớp sơn « khoa học », đóng thêm dấu ấn cho những lập luận của chúng, vốn tự chúng thiếu giá trị.

.(H). Những cuốn sách của Dawkins có bàn về bản chất tôn giáo một cách trung thực không ?

(Đ). Dĩ nhiên là không rồi. Đó cũng giống như người ta coi « Mật Mã da Vinci » như là một cuộc điều tra trung thực về lịch sử Kitô giáo vậy.

Dawkins là một nhà di truyền học theo Darwin. Đáng lý người ta có quyền chờ đợi ở một nhà khoa học phải khách quan, không thiên vị và nghiêm túc về phương diện trí tuệ. Đáng tiếc thay, với những tác giả như Dawkins, không phải là trường hợp ấy. Ông ta cố tình né tránh mọi chứng cứ có thể mâu thuẫn với các thuyết của ông và ý định tỏ tường của ông là được nhìn thấy các độc giả liên kết nhau lại thành cuộc thập tự chinh vô thần. Ông ta viết như một người tuyên truyền đạo gíao, chứ không phhi như một nhà khoa học.

(H). Cha cũng làm việc với tư cách là nhà phân tích và bình luận cho Hãng Tin CBS. Cha nhận thấy sự chú ý dành cho đức tin tôn giáo của các phương tiện truyền thông, như thế nào ?

(Đ). Một cách nào đó, các phương tiện truyền thông đã hiểu sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng đối với tôn giáo. Vì vậy thỉnh thoảng tùy dịp  họ đưa ra những câu chuyện có liên quan đến đức tin Kitô giáo và Giáo Hội. Quả đùng là các phương tiện truyền thông thế tục nhấn mạnh quá nhiều đế những gương xấu mà Giáo Hội đang trải qua, nhưng chúng cũng ý thức rằng nhiều người quan tâm đến đức tin và linh đạo cho chính họ.

(H). Trong những năm cuối đời, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã không mệt mỏi khẳng định rằng thiên niên kỷ thứ ba sẽ mở đường cho một “mùa xuân đức tin” mới. Có phải đó là lối diễn tả tính lạc quan tự nhiên của Người hay là Người đã nhận ra những dấu chỉ đích thực của mùa xuân được loan báo nầy?

(Đ). Những lời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tỏ cho thấy một phân tich nghiêm túc tình trạng xã hội chúng ta tiếp theo sau những bi kịch của thế kỷ XX. Hãy nhớ lại, dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân, đó là kết thúc mùa đông. Trong khi nhìn thấy những nụ hồng bé nhỏ và chờ đợi tiếng chim non ríu rít, người ta quan sát thấy tuyết trắng phau trở thành một đống bùn loãng màu nâu. Sự khởi đầu thật sự mùa xuân, chính là khi mùa đông không còn ngự trị trên thiên nhiên nữa…

Người ta nhìn rất rõ sự tương đương ở chủ nghĩa cộng sản mác-xít, chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩ phát xít với bằng ấy những phiên bản tinh vi hơn về chủ nghĩa duy vật ý thức hệ hứa hẹn một thiên đàng trên trái đất. Trong thời gian lâu dài, rất nhiều người đã đặt hy vọng vào các ý thức hệ nầy. Tuy vậy, ý thức hệ nầy đến ý thức hệ khác, theo nhau sụp đổ, sau khi đã gây biết bao đau khổ không tả xuết cho con người cho đến khi ấy. Chính là vì những kinh nghiệm xã hội nầy đã nhìn thấy kết cục của chúng mà những người đã hiểu rằng họ phải tìm kiếm ở những nơi khác để tìm thấy được một ý nghĩa và một giải đáp  cho những vấn nạn thế giới.

(H). Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể tin rằng ngay sau đó sẽ đến một mùa hạ thiêng liêng chăng?

(Đ). Cũng còn tùy. Nếu chúng ta biết lợi dụng cơ hội của thời khắc nầy, thì đúng là thế. Các bạn hãy nhớ rằng mùa xuân không phải là một thời gian cho sự hoàn tất, mà là thời gian cho  hy vọng và hứa hẹn. Đó trước hết là một thời gian của công việc vất vả. Đất đai được cày bừa có thể đón nhận cả cỏ dại lẫn giống tốt. Một cái gì đó sẽ mọc lên, nhưng chẳng có gì bảo đảm đó sẽ là hoa tươi và những cây cối tốt đẹp. Mùa xuân mở một cánh cửa số những khả năng: đó là một thời khắc đặc biệt thuận lợi để gieo hạt giống tốt khi đất đai đã được cày bừa và chuẩn bị cho mục đich nầy. Nếu chúng ta biết tận dụng tốt, thì chính toàn thể nhân loại được thu hoạch hoa trái của nó.

(H). Trong cuốn sách gần đây nhất của Cha “Những nền tảng của đời sống Kitô giáo”, hình như Cha muốn lợi dụng một cách tốt nhất thời gian nầy. Cha định đề xuất điều gì?

(Đ). Cuốn sách nầy là một sách hướng dẫn cho tất cả những ai muốn  tiến tới trong đàng thiêng liêng. Rất nhiều người nhận thức rằng là Kitô hữu trên danh nghĩa thôi không đủ. Đời sống Kitô giáo chủ yếu là năng động và phải không ngừng tăng trưởng.

Bất hạnh thay, sự đào tạo thiêng liêng của chúng ta bị tụt hậu so với sự đào tạo tri thức và đào tạo nghề nghiệp. Chúng ta cần những dụng cụ để lớn lên về mặt thiêng liêng theo cùng cách mà chúng ta lớn lên về bình diện xã hội và tri thức.

Ngay cả khi chúng ta sống một đời cầu nguyện và nhân đức một cách trung thực, thì Chúa Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta lớn lên thêm nữa và đề ra cho chúng ta những thách đố mới. Tác phẩm nầy ra đời để giúp cho các Kitô-hữu hiểu rõ ràng hơn phải đi về đâu trong đời sống thiêng liêng của họ và làm thế nào để đạt được đến đó.

(H). Tóm lại đâu là mục đích của đời sống thiêng liêng ?

(Đ). Mục đích của đời sống thiêng liêng, đó là sự thánh thiện và sự kết hợp với Thiên Chúa. Thật không may, ngay ý tưởng về sự thánh thiện dường như cũng xa lạ - nếu không muốn nói là vay mượn - với thời hiện đại chúng ta. Tôi bắt đầu cuốn sách với việc tháo gỡ những quan niệm sai lầm về sự thánh thiện, giải thích nó không phải là gì trước, rồi mới nói nó là gì. Sự thánh thiện có thể tỏ ra phiền toái, khó dạt đến được và đôi lúc có tính chất quá khích. Đó quả thực là một cuộc mạo hiểm hấp dẫn nhất của đời sống con người. Thi thoảng chúng ta có khuynh hướng cho rằng chúng ta biết hết mọi sự về đời sống thiêng liêng Kitô giáo, nhưng thực ra chúng ta chỉ nhìn thấy một bức phác hoạ của nó mà thôi. Nó phong phú hơn nhiều và hấp dẫn hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng.

Sự thánh thiện không hệ ở việc tìm cách làm cho ta nên hoàn thiện, bằng việc tuyển lựa phân loại các lỗi phạm của chúng ta hoặc như là tích chứa đầy kho của cải thiêng liêng. Nhưng đúng ra là quên mình, khám phá Thiên Chúa yêu thương ta dường bao, một cách mãnh liệt, si mê và để đáp trả bằng việc yêu Chúa và yêu anh em.

(H).  Và Thiên Chúa trong hết thảy những sự đó?

(Đ).  Ở đó cũng vậy, chúng ta phải quét sạch tất cả những ý nghĩ sai lầm đang lưu hành. Thánh ý Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là một kế hoạch mà Người muốn có cho cuộc đời chúng ta, theo cách một ông bố hay suy xét nhưng hay áp đặt chỉ mong một điều duy nhất là con gái mình thành luật sư.

Thánh ý Chúa chỉ là một tên gọi khác để chỉ tình thương của Chúa đối với chúng ta. Chính vì yêu thương chúng ta mà Người chỉ muốn cho chúng ta được những sự tốt lành, những sự tốt lành nhất. Mỗi một người trong chúng ta được dựng nên để nhận một nhiệm vụ đặc trưng, và chỉ khi đáp ứng nhiệm vụ nầy, chúng ta mới tìm thấy được niềm vui thật sự. Thiên Chúa yêu cầu nơi chúng ta một số điều, không phải vì Người cần đến, mà chính vì chúng ta cần đến những điều ấy.

(H). Vậy các Kitô hữu phải làm gì?

(Đ). Trên hết, phải can đảm và tin tưởng. Chúng ta phải can đảm để bước lên con thuyền đời sống đức tin, không cần biết nó sẽ dẫn chúng ta về đâu. Chúng ta cần can đảm để chấp nhận những thách đố mà đức tin Kitô giáo của chúng ta phải đương đầu”. Chúng ta phải can đảm để bỏ lại đằng sau những cái chúng ta coi là an toàn cho mình và những của cải, để đặt trọn tin cậy vào Thiên Chúa và những lời Người đã hứa.

Và chúng ta phải có lòng cậy tin. Đó có thể là thách đố lớn lao nhất mà các Kitô hữu ngày nay phải đương đầu. Người ta hay cảm thấy mình bị phản bội bởi những người gần gũi nhất đến nỗi bị cám dỗ cậy dựa vào tài trí và tính sáng tạo của chính mình.

Nhưng Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta tin tưởng vào Người. Người muốn chúng ta tin nơi Người. Người muốn chúng ta biết rằng Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chỉ có kẻ nào tin cậy như thế, thì mới tìm được sức mạnh để chấp nhận những đòi hỏi tuyệt vời của đời sống Kitô hữu.

Chỉ khi nào chúng ta thật sự ý thức được rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng ta mới học cách  tin cậy nơi Chúa một cách vô điều kiện và sẽ đi theo Người bất kể nơi nào Ngừơi sẽ dẫn chúng ta đến.

Nguyên văn:  Sommes-nous à l’ère de l’athéisme ou du réveil religieux?

Zenit số ra ngày 06.03.2009

BTGH chuyển ngữ 

 


Về Trang Mục Lục