Tái khám phá ra sự hiện diện và vẻ đẹp của Thiên Chúa trong thế giới, trong Giáo Hội và nơi tha nhân

 

RV 29/04/2009 – Cần phải tái khám phá ra sự hiện diện và vẻ đẹp của Thiên Chúa trong thế giới, trong Giáo Hội và nơi tha nhân, cũng như ý thức cử hành vẻ đẹp và phẩm giá của phụng vụ với tất cả sự dấn thân, và yêu thương Giáo Hội. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 29-4-2009. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiêu gương mặt Đức Thượng Phụ Germano của thành Constantinopoli sống vào thế kỷ thứ VIII.

Đức Thượng Phụ nổi tiếng trong lịch sử bảo vệ các ảnh tượng thánh. Dưới thời của Đức Thượng Phụ năm 717-818 quân hồi Saraceni đã bao vây thành Constaninopoli vì muốn biến thủ đô của đế quốc Bisantin thành thủ đô của họ. Đức Thượng Phụ Germano đã tổ chức một cuộc rước kiệu ảnh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và thánh tích Thập Giá để xin ơn che chở thành. Quân Sacareni đã phải rút lui sau đó. Đức thượng phụ coi đó là dấu chỉ chấp thuận lòng sùng kính các ảnh tượng thánh. Nhưng hoàng đế Leo III lên ngôi đăng quang năm 717 nhất quyết chống lại việc sùng kính các ảnh tượng thánh, vì cho đó là nguy cơ tôn thờ ngẫu tượng. Mặc cho các lời can gián của Đức Thượng Phụ Germano khẳng định rằng việc sùng kính các ảnh tượng thuộc truyền thống của Giáo Hội, đặc biệt là một vài ảnh tượng làm phép lạ, hoàng đế Leo III nhất quyết thi hành việc tàn phá các ảnh tượng thánh. Đức Thượng Phụ Germano bị buộc phải từ chức và tự đi đầy rồi qua đời trong sự lãng quên của mọi người. Năm 787 các nghị phụ tham dự Công Đồng Chung Nicea 2 đã bênh vực việc tôn sùng các ảnh tượng thánh, và thừa nhận công lao của Đức Thượng Phụ Germano. Đề cập tới một nét nổi bật trong cuộc đời của Đức Thượng Phụ, Đức Thánh Cha nói:

Đức Thượng Phụ Germano rất săn sóc các buổi cử hành phụng vụ và trong một thời gian cũng được coi là người đã tái lập lễ Akathistos. Như đã biết Akathistos là một bài thánh ca cổ xưa nổi tiếng trong môi trường bisantin tôn kính Mẹ Thiên Chúa. Tuy không phải là một tư tưởng gia lớn, nhưng trong vài tác phẩm Thượng Phụ Germano đã nổi tiếng là người có các trực giác về thánh mẫu học. Thật thế người ta còn giữ được một số bài giảng khác nhau của người về Mẹ Maria, và chúng đã ảnh hưởng trên lòng đạo đức của bao thế hệ tín hữu Đông phương cũng như Tây phương. Các bài giảng tuyệt vời của người về lễ Dâng Đức Mẹ trong Đền Thờ là chứng tích sống động của truyền thống không được viết ra của các Giáo Hội Kitô. Biết bao nam nữ đan sĩ thuộc nhiều dòng tu của đời thánh hiến ngày nay vẫn tiếp tục kín múc tinh thần tu đức từ các kho tàng này.

 Một vài văn bản thánh mẫu học của Đức Thượng Phụ Germano, là các bài giảng của người về lễ Đức Mẹ Ngủ, vẫn còn gây kinh ngạc. Đức Giáo Hoàng Pio XII đã trích lại một bài trong Tông Hiến “Munificentissimus Deus” năm 1950 công bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, và coi đó như là bằng chứng lòng tin thường hằng của Giáo Hội liên quan tới biến cố Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Thượng Phụ Germano viết như sau:

Lậy Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, có đời nào lại xảy ra rằng trời đất cảm thấy được vinh dự do sự hiện diện của Mẹ, mà với sự ra đi của Mẹ Mẹ lại bỏ không che chở loài người hay sao? Không. Không thể nghĩ tới những điều như thế được. Thật vậy, như khi còn ở thế gian Mẹ đã không cảm thấy xa lạ với các thực tại thiên quốc, thì cả sau khi di cư ra khỏi thế gian này Mẹ cũng không xa lạ với khả thể thông truyền trong tinh thần với con người... Mẹ đã không bỏ rơi những người Mẹ bảo đảm ban ơn cứu rỗi... thật vậy thần trí Mẹ sống vĩnh cửu và thân xác Mẹ cũng không bị sự hư nát của phần mộ. Ôi lậy Mẹ, Mẹ gần gũi với tất cả mọi người và che chở mọi người, và mặc dù đôi mắt của chúng con bị cản ngăn không trông thấy Mẹ, nhưng ôi Mẹ Chí Thánh, chúng con biết Mẹ ở giữa tất cả chúng con và hiện diện trong nhiều cách thế khác nhau... Mẹ tự tỏ hiện ra trong tất cả vẻ đẹp của Mẹ. Thân xác đồng trinh của Mẹ hoàn toàn thánh thiện, tinh tuyền, tất cả là nhà của Thiên Chúa, và cũng vì như thế nên tuyệt đối chống lại mọi trở thành bụi tro. Nó bất biến, từ khi điều ở trong nó là người đã được lên trời trong sự không hư nát, vẫn sống và tuyệt đối vinh quang, nguyên vẹn và tham dự vào sự cống toàn thiện. Thật vậy, không thể nào bị khép kín trong mồ chôn kẻ chết Đấng đã là bình chứa đựng Thiên Chúa và là đền thờ sống động của thiên tính rất thánh của Con Một Thiên Chúa. Đàng khác chúng con tin chắc rằng Mẹ tiếp tục đồng hành với chúng con” (PG 98, coll. 344B-346B, passim).

Đối với các anh em Bisantin, hình thức hùng biện trong việc giảng dậy và nhất là các bài thánh thi hay các bài thơ gọi là “tropari”, có tầm quan trọng rất lớn trong việc cử hành phụng vụ. Trong tuyền thống này Đức Thượng Phụ Germano đã được coi như một trong những vị góp phần rất lớn vào việc duy trì sống động xác tín này: đó là vẻ đẹp của lời nói, ngôn ngữ và vẻ đẹp của đền thờ và âm nhạc phải trùng hợp với nhau.

 Để kết luận Đức Thánh Cha đã trích tư tưởng của Đức Thượng Phụ Germano định nghĩa Giáo Hội như sau:

Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa, là không gian thánh thiêng, là nhà cầu nguyện, là dân được triệu tập, là thân mình của Chúa Kitô... Nó là trời ở dưới đất, nơi Thiên Chúa siêu việt ngự và đi dạo như trong nhà Người, nhưng nó cũng là dấu ấn hiện thực của việc đóng đanh, của mồ chôn và sự sống lại... Giáo Hội là nhà của Thiên Chúa, trong đó hiến tế thần bí ban sự sống được cử hành, đồng thời cũng là phần thân tình nhất của đền thờ và hang đá thánh. Trong đó có mồ và bàn tiệc thánh, của nuôi linh hồn và các bảo đảm của sự sống. Sau cùng trong Giáo Hội có các viên ngọc qúy là các tín điều của giáo huấn do Chúa trực tiếp cống hiến cho các môn đệ” (PG 98,coll. 384B-385A).

Tuy sống cách xa thời đại của chúng ta nhưng thánh Germano nói với chúng ta ba điều sau đây: Thứ nhất, có thể trông thấy Thiên Chúa trong thế giới và trong Giáo Hội. Chúng ta phải tập nhận ra sự hiện diện đó của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, nhưng hình ảnh đó đã bị tội lỗi làm hoen ố đến độ không còn phản ánh Thiên Chúa nữa. Vì thế Con Thiên Chúa đã làm người là hình ảnh vẹn toàn của Thiên Chúa: nơi Chúa Kitô chúng ta có thể học biết là chính mình, là người thật và là hình ảnh thật của Thiên Chúa. Chúa Kitô mời gọi chúng ta noi gương Ngài trở nên giống Ngài, và như vậy nơi mỗi một người gương mặt của Thiên Chúa lại tỏ hiện. Thật ra trong Mười Điều Răn Thiên Chúa đã cấm làm ảnh tượng Ngài, vì trong bối cảnh ngoại giáo các tín hữu có thể bị cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng. Nhưng khi Thiên Chúa đã trở thành hữu hình nơi Đức Kitô qua việc nhập thể, thì được phép vẽ lại gương mặt của Chúa Kitô. Các ảnh tượng thánh dậy cho chúng ta trông thấy Thiên Chúa nơi ảnh tượng diễn tả lại gương mặt của Chúa Kitô. Sau khi Con Thiên Chúa Nhập thể làm người có thể trông thấy Thiên Chúa trong các hình ảnh của Chúa Kitô, cả nơi gương mặt các thánh và của mọi người, là nơi sự thánh thiện của Thiên Chúa ngời sáng.

Điểm thứ hai là vẻ đẹp và phẩm giá của phụng vụ. Cử hành phụng vụ với ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa, với phẩm giá và vẻ đẹp cho thấy một chút sự rạng ngời của Chúa là dấn thân của mọi Kitô hữu được giáo dục trong lòng tin. Và điểm thứ ba là yêu mến Giáo Hội. Là người chúng ta có khuynh hướng chỉ trông thấy các tội lỗi và điều tiêu cực trong Giáo Hội. Nhưng với sự trợ giúp của lòng tin chúng ta có khả năng trông thấy một cách đích thật, và cũng có thể tái khám phá ra vẻ đẹp của Thiên Chúa hôm nay và luôn mãi. Chính trong Giáo Hội mà Thiên Chúa hiện diện, Ngài tự hiến cho chúng ta trong Thánh Thể và ở lại đó để chúng ta thờ lậy. Thiên Chúa nói với chúng ta trong Giáo Hội. Trong Giáo Hội Thiên Chúa “đi dạo với chúng ta” như thánh Germano đã nói. Trong Giáo Hội chúng ta nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa và học tha thứ. Xin Chúa dậy cho chúng ta biết trông thấy sự hiện diện và vẻ đẹp của Ngài trong Giáo Hội, trông thấy sự hiện diện của Ngài trong thế giới và xin Chúa giúp chúng ta cũng trong suốt dưới ánh sáng của Ngài.

 Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Tchèque, Slovac, Croat và Ý. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha đã nhắc tới lễ thánh Catarina thành Siena, mà Giáo Hội mừng kính ngày 29-4. Thánh nữ thuộc dòng Đaminh và là Tiến Sĩ Giáo Hội, cùng Bổn Mạng Italia với thánh Phanxicô thành Assisi. Đức Thánh Cha cầu chúc các bạn trẻ trở thành những người noi gương thánh nữ si mê Chúa Kitô và bước theo Ngài với lòng hăng say trung thành. Ngài xin các anh chị em đau yếu dìm mọi khổ đau của họ vào trong mầu nhiệm tình yêu của Máu Thánh Chúa Cứu Thế, đã được thánh nữ Catarina đặc biệt chiêm ngưỡng và tôn sùng. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới là dấu chỉ hùng hồn cho tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo Hội bằng tình yêu trung thành của họ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Nguồn Radio Vatican

 


Về Trang Mục Lục